Những ngân hàng phụ thuộc nhiều vào hoạt động tín dụng sẽ khó có lợi nhuận cao trong năm 2009. Ảnh: Lê Toàn. |
Đầu năm 2009, hầu hết các ngân hàng đều dự đoán rằng đây sẽ là một năm rất khó khăn cho hoạt động ngân hàng do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, cho nên tất cả đều không dám đặt chỉ tiêu lợi nhuận quá cao. Đến cuối năm nhìn lại, đa số các ngân hàng nhận định rằng cũng không quá khó khăn như dự đoán.
Tìm lợi nhuận từ mảng phi tín dụng Tuy chưa có số liệu về lợi nhuận của các ngân hàng trong cả năm 2009, nhưng kết quả kinh doanh 11 tháng đầu năm của một số ngân hàng đã cho thấy bức tranh chung của toàn ngành trong cả năm nay. Đó là chỉ những ngân hàng nào đa dạng hóa được hoạt động kinh doanh của mình, không quá lệ thuộc vào mảng kinh doanh truyền thống là tín dụng thì lợi nhuận mới có khả quan. Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Techcombank, cho biết nếu ngân hàng của bà mà không phát triển các mảng dịch vụ như thanh toán quốc tế, mở L/C… thì không thể nào có được lợi nhuận cao. “Có những quí mà kinh doanh mảng tín dụng của ngân hàng toàn lỗ vì chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra quá thấp trong khi phải trích dự trữ bắt buộc, rồi trích dự phòng rủi ro…”, bà Tâm nói. Đầu năm 2009, kế hoạch lợi nhuận đặt ra của Techcombank chỉ là 1.601 tỉ đồng, cao hơn chỉ 1 tỉ đồng so với kết quả năm 2008. Tuy nhiên, qua kết quả kinh doanh thuận lợi ở các tháng cuối năm ngân hàng đã điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận của cả năm nay lên 2.200 tỉ đồng và dự kiến sẽ vượt mức kế hoạch đề ra. Trong khi đó, Ngân hàng Sacombank dự kiến lợi nhuận trước thuế cả năm 2009 sẽ là 1.900 tỉ đồng, cao hơn nhiều so với kế hoạch đề ra đầu năm là 1.600 tỉ đồng. Mặc dù lợi nhuận cao, nhưng mảng tín dụng lại đóng góp phần rất ít trong kết quả kinh doanh của ngân hàng này. Trong khi các ngân hàng lớn công bố những kết quả kinh doanh khá ấn tượng thì các ngân hàng nhỏ, chủ yếu dựa trên hoạt động tín dụng thuần túy thì khá im lặng về kết quả lợi nhuận của ngân hàng mình. Một vài ngân hàng còn e ngại rằng sẽ khó hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đề ra cho năm nay. Bài toán thanh khoản vẫn khó Năm 2008 đã từng chứng kiến thời kỳ vô cùng khó khăn về thanh khoản của các ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát, và thời kỳ đó lãi suất huy động có lúc đã được đẩy lên đến 19%/năm. Trong năm 2009, kịch bản trên cũng lặp lại nhưng ở mức nhẹ hơn vì các ngân hàng cũng đã cảnh giác hơn sau đợt thiếu hụt thanh khoản trong năm 2008. Đầu năm nay, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, nguồn vốn của ngân hàng dư thừa, Ngân hàng Nhà nước đã ra yêu cầu cho các ngân hàng tăng cường cho vay sản xuất đồng thời Chính phủ đã quyết định hỗ trợ lãi suất cho các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh. Do chi phí vay rẻ đi rất nhiều nên các doanh nghiệp có động lực để tìm đến kênh vay vốn ngân hàng. Nền kinh tế đã chạm đáy vào quí 1 với GDP chỉ tăng 3,1% và sau đó đã dần phục hồi trong những quí sau. Theo đó, nhu cầu vay vốn ngân hàng của các doanh nghiệp tăng, và tăng trưởng tín dụng của ngân hàng cũng tăng theo, đồng thời nguy cơ tái lạm phát được nhắc đến. Tăng trưởng tín dụng cả năm 2009 ở mức gần 38%, cách khá xa so với mục tiêu 30% mà Ngân hàng Nhà nước đặt ra. Trước nguy cơ tái lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đã lần lượt thực hiện các biện pháp tiền tệ thắt chặt như giảm tỷ lệ lấy vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 40% xuống còn 30% và các ngân hàng phải đảm bảo tỷ lệ này vào đầu năm 2010, tăng lãi suất cơ bản từ 7% lên 8% sau hơn một năm duy trì mức trên, và yêu cầu các ngân hàng chỉ tập trung cho vay phục vụ sản xuất. Với một loạt các biện pháp trên, những ngân hàng đã lỡ lấy vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn quá nhiều hoặc vay nhiều trên thị trường liên ngân hàng để đem cho vay lại đã phải điều chỉnh tăng liên tục lãi suất huy động để thu hút nguồn tiền từ dân cư. Mặc dù lãi suất cơ bản đã tăng lên 8% để các ngân hàng có cơ hội tăng thêm lãi suất huy động lên đến 10,49% được xem là mức cao nhất được khuyến cáo bởi Ngân hàng Nhà nước, nhưng vốn huy động vẫn không tăng nhiều. Tháng cuối cùng của năm, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động hơn mức cho phép qua các hình thức khuyến mãi nhưng vẫn chưa đáp ứng nổi nhu cầu. Nhiều ngân hàng cho biết tình trạng thiếu vốn này sẽ phải kéo dài đến Tết Âm lịch và áp lực tăng lãi suất cơ bản còn rất lớn trong năm sau. Kỳ vọng tình hình khả quan hơn Theo nhận định của chuyên gia kinh tế và những người trong ngành, tình hình năm 2010 sẽ có phần sáng sủa hơn năm 2009 nhưng khó khăn vẫn còn do kinh tế thế giới vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi bền vững trong khi nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu. Do vậy, hầu hết các ngân hàng cho biết một mặt vẫn tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2010 nhưng mặt khác sẽ đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu. Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Techcombank, cho rằng tín dụng vẫn là mảng kinh doanh chính của ngân hàng nhưng Techcombank sẽ chú trọng mục tiêu an toàn tín dụng. “Việc tư vấn và xét hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng đối với ngân hàng. Có doanh nghiệp nếu hạn mức 30 tỉ đồng thì làm rất tốt nhưng nếu tăng lên 50 tỉ thì sẽ gặp vấn đề. Vì thế, chúng tôi đang thực hiện việc rà soát lại các doanh nghiệp khách hàng của mình để giảm dần hạn mức cho các doanh nghiệp có hoạt động không hiệu quả”, bà Tâm nói và cho rằng đây sẽ là xu thế chung của các ngân hàng khác trong bối cảnh huy động vốn khó khăn. Trong khi đó, ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB thì cho rằng năm 2010 sẽ tốt hơn năm 2009 nhưng khó khăn cho các doanh nghiệp, khách hàng của ngân hàng, cũng vẫn còn. “ACB vẫn lấy vấn đề quản lý rủi ro đặt lên hàng đầu trong năm 2010, vẫn sẽ dùng chiến thuật “dò đá qua sông” tức là vừa làm vừa tính, không bước quá dài, không nhìn quá xa”, ông Hải nói. Tuy nhiên, chiến lược 2010 của ACB sẽ thay đổi một chút so với năm 2009 đó là sẽ có những kế hoạch, những mục tiêu mang tính dài hơi hơn, vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng tín dụng trong năm 2010 nhưng chất lượng tín dụng vẫn sẽ là mục tiêu ưu tiên hàng đầu của ngân hàng này.
(Theo (Theo // Thời báo kinh tế Sài Gòn) // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com