Sau quyết định cho phép mở rộng đối tượng vay vốn được thỏa thuận lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cũng đang cân nhắc khả năng áp dụng cơ chế này với cả lãi suất huy động.
Các ngân hàng thương mại đều đang “ngóng” chính sách này với kỳ vọng được chủ động hơn trong kế hoạch kinh doanh, góp phần khơi thông hơn nữa dòng vốn cho doanh nghiệp, nền kinh tế.
Thực tế đi trước
Chị Nguyễn Kim Liên, trú tại phường Nghĩa Tân (Hà Nội), cho biết, đang có một khoản tiền nhàn rỗi gần một tỷ đồng. Thời gian qua, chị được nhân viên tín dụng một ngân hàng thương mại có chi nhánh trên đường Hoàng Quốc Việt liên tục mời gọi gửi tiền “để được hưởng ưu đãi rất hấp dẫn”. Theo đó, ngoài mức lãi suất cao, cứ với mỗi khoản tiền gửi 100 triệu đồng trở lên, khách hàng còn được tặng thêm 300.000 đồng tiền mặt. Khi chị Liên đề nghị được thỏa thuận lãi suất tiền gửi, nhân viên này cũng sẵn sàng nhưng khẳng định: “Với chính sách của chúng em, khách hàng còn có lợi hơn bởi được lĩnh “tiền tươi” mà quy ra theo lãi suất thì cũng ở mức rất cao”.
Theo chị Liên, một số ngân hàng khác, ngoài khoản lãi suất được thỏa thuận kèm “quà tặng giá trị” còn hứa hẹn cho nhân viên đến tận nhà “hộ tống cả người lẫn tiền” đến ngân hàng làm thủ tục. “Tôi đang xem thỏa thuận được với ngân hàng nào có lãi suất cao, dịch vụ tốt thì gửi tiền”, chị Liên nói.
Tình trạng các ngân hàng tìm mọi cách “lách” quy định về trần lãi suất huy động bằng các hình thức khuyến mại, quà tặng (bằng tiền, hiện vật) đã trở thành phố biến và càng gia tăng sau khi Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được mở rộng đối tượng vay vốn thỏa thuận lãi suất. Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại trên địa bàn TP HCM thừa nhận, vốn đầu ra đã được khơi thông, các ngân hàng phải tăng lãi suất để tăng nguồn vốn huy động. Nhưng vì Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu không được huy động vốn với lãi suất quá 10,5% mỗi nămnăm (ban hành ngày 2/2) nên chúng tôi phải tìm mọi cách “lách”.
Tương tự, việc các ngân hàng tính thêm nhiều loại phí trong quá trình cho doanh nghiệp vay vốn cũng là một cách “lách” quy định về trần lãi suất (theo quy định là không quá 150% lãi suất cơ bản). Quyết định của Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng thương mại được thỏa thuận lãi suất, được một chuyên gia lĩnh vực tài chính bình luận: “Từ nay, ngân hàng có thể treo biển “Tôi cho vay lãi suất 16 - 17% một năm” thay vì treo biển “Tôi cho vay lãi suất 12% một năm” nhưng lại thu phí dưới gầm bàn”.
“Bốn nhà” cùng có lợi
Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cũng nên sớm áp dụng cơ chế thỏa thuận với cả lãi suất huy động. Bà Dương Thu Hương, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, các ngân hàng thành viên vừa có văn bản báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét lại quy định không được huy động vượt quá lãi suất 10,5% một năm. Thay vào đó, cho phép các ngân hàng được chủ động tính toán, cân bằng giữa lãi suất đi vay, cho vay với hiệu quả hoạt động của từng đơn vị.
“Trong bối cảnh hiện nay, khi Ngân hàng Nhà nước cho phép nhiều khoản vay được thỏa thuận lãi suất thì việc “neo” lãi suất huy động đã không còn phù hợp”, bà Hương nhận xét. Chủ tịch Ủy ban giám sát Tài chính quốc gia Lê Đức Thúy đồng tình quan điểm, nên cho phép các ngân hàng được mở rộng hơn nữa đối tượng thỏa thuận về lãi suất, gồm cả với người vay vốn và người gửi tiền. Điều băn khoăn nhất là, liệu lãi suất thị trường có bị đẩy lên cao khi được “thả nổi”? Trao đổi với Đất Việt, ông Thúy cho rằng, ngược lại, lãi suất thị trường còn có cơ hội giảm.
Ông phân tích, thực tế lâu nay, các ngân hàng vẫn đi vay và cho vay đa phần với lãi suất cao hơn quy định của Ngân hàng Nhà nước bằng cách khuyến mại, quà tặng và bằng các loại phí. Thậm chí, mức lãi suất vay vốn thực tế của nhiều doanh nghiệp còn cao hơn đòi hỏi của thị trường để bù cho một số ít trường hợp được vay ở “mức chỉ đạo” là 12% của Ngân hàng Nhà nước. Do vậy, nếu để thị trường tự điều tiết, lãi suất sẽ dao động quanh mức cân bằng thị trường - cao hơn mức “lãi suất chỉ đạo” nhưng sẽ thấp hơn lãi suất thực tế doanh nghiệp đang phải trả cho ngân hàng. “Tất nhiên, chúng ta không “thả nổi” hoàn toàn, mà có thể điều chỉnh bằng các công cụ như dự trữ bắt buộc, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu… để lãi suất thị trường vận hành trong hành lang cho phép”, ông Thúy nói.
Theo nhận định của Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính, nếu thực hiện cơ chế đó, thị trường ngân hàng sẽ cạnh tranh lành mạnh hơn, những mức lãi suất bất hợp lý không còn, người dân không kỳ vọng lãi suất tăng thì sẽ gửi tiền có kỳ hạn dài hơn, ngân hàng chủ động hơn về thanh khoản, do đó cũng chủ động hơn về cho vay, có lợi hơn cho doanh nghiệp và kinh tế vĩ mô cũng sẽ ổn định hơn. Như vậy, cả “bốn nhà”, gồm người gửi, người vay, ngân hàng và nhà nước đều có lợi.
Tại cuộc làm việc với một số ngân hàng thương mại mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, cơ quan này cũng đang nghiên cứu mở rộng đối tượng được áp dụng cơ chế thỏa thuận lãi suất để tiếp tục góp phần khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế.
(Đất Việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com