Dù ngân hàng “hãm” đà tăng trưởng tín dụng ở mức nào và bằng cách nào, thì quan trọng nhất vẫn là đảm bảo kiểm soát rủi ro toàn hệ thống.
Nguồn tin từ Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho biết, một trong những nội dung trong đợt thanh tra đầu tiên của cơ quan này vào ngày 15/8 tới là nhắm đến hoạt động tín dụng, ngân hàng. Không phải ngẫu nhiên mà cơ quan mới thành lập với nhiều kỳ vọng này của NHNN lại nhắm đến hoạt động tín dụng để thanh, kiểm tra trong thời điểm hiện nay.
Theo số liệu từ NHNN, tính đến hết tháng 6/2009, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 17,01% so với cuối năm 2008; tăng 17,53% so với cùng kỳ năm 2008.
Mặc dù đây được xem là những con số ấn tượng, là tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang hồi phục, nhưng khi so sánh với mức tăng trưởng tín dụng 25-27% dự kiến cho cả năm 2009, thì mức tăng của 6 tháng đầu năm là khá cao. Nói cách khác, để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2009, tiến độ giải ngân từ nay đến hết năm sẽ chậm hơn và dư nợ tín dụng những tháng cuối năm sẽ phải tăng chậm hơn các tháng trước, nhưng phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng của toàn hệ thống.
NHNN cho biết, dựa trên những thông số về mức tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là mức dư nợ tín dụng của nhiều ngân hàng đạt khá cao (trên dưới 50%), thời gian tới, NHNN sẽ kiểm soát chặt tình hình cho vay tiêu dùng với lãi suất thỏa thuận của các ngân hàng, để đảm bảo an toàn trong hệ thống, đồng thời sẽ kiểm tra, thanh tra hoạt động cho vay hỗ trợ lãi suất, chấp hành chế độ quản lý ngoại hối.
Trước mắt, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng tự rà soát các khoản vay chứng khoán, tiêu dùng để đảm bảo vốn vay được sử dụng đúng mục đích và đạt được mục tiêu kích cầu. Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu, các đợt kiểm tra, thanh tra hoạt động tín dụng tại các ngân hàng sẽ phát huy tác dụng mạnh trong những tháng cuối năm và NHNN tiếp tục đẩy mạnh công tác này nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động cho vay của các ngân hàng.
Nguồn tin từ một số ngân hàng cho hay, mức tăng trưởng tín dụng trong tháng 7/2009 đã bước đầu được kiểm soát, tuy nhiên mức kiểm soát hay cách thức kiểm soát của các ngân hàng rất khác nhau. Ông Đỗ Trung Thành, Phó tổng giám đốc thường trực Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MaritimeBank) cho biết, ngay khi có chỉ đạo của Thống đốc NHNN về mức độ tăng trưởng tín dụng cho những tháng cuối năm, MaritimeBank đã đặc biệt chú ý đến sự hiệu quả của các khoản vay. Tuy vậy, như nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ khác, 6 tháng đầu năm, MaritimeBank mới “dùng” hết khoảng 60% hạn mức tăng trưởng cho cả năm.
Chính vì thế, trong tháng 7 cũng như những tháng còn lại, ngân hàng này không phải quá gò bó về mức tăng trưởng tín dụng. Hơn nữa, MaritimeBank cũng cần duy trì đà tăng trưởng tín dụng như là một trong những bước chuẩn bị để tiến tới tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng vào năm 2010 theo quy định. “Chúng tôi chuẩn bị khá kỹ lưỡng để báo cáo, giải trình trước Thống đốc NHNN về mức tăng trưởng tín dụng của đơn vị, đặc biệt là về khả năng kiểm soát rủi ro. MaritimeBank đã có thời gian dài chuẩn bị về bộ máy, tổ chức, các khối nghiệp vụ chuyên sâu..., để đáp ứng những yêu cầu về kiểm soát rủi ro khi tăng trưởng”, ông Thành chia sẻ.
Liên hệ với Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) với tư cách một khách hàng có nhu cầu vay tiêu dùng, nhân viên tư vấn của Habubank cho hay, Ngân hàng đang hạn chế các khoản cho vay tiêu dùng bằng cách thẩm định điều kiện vay chặt hơn, hạn mức vay cũng đạt ít hơn, kỳ hạn vay vốn chủ yếu là ngắn hạn để an toàn hơn. Một số ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng thắt chặt hơn đối với hoạt động cho vay tiêu dùng, trái ngược với việc chạy đua, cạnh tranh mở rộng tín dụng cá nhân nhằm thu được lãi suất thỏa thuận ở mức cao thông qua việc nới rộng điều kiện tín dụng, cho vay không cần khách hàng chứng minh mục đích sử dụng vốn…
Rõ ràng, các ngân hàng đang “hãm” đà tăng tín dụng theo cách riêng, phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị, nhưng đích đến vẫn là sự an toàn. Vấn đề đặt ra là, khi cần hãm mức tăng tín dụng, thì nên – và có thể hãm ở lĩnh vực nào? Theo các chuyên gia tài chính, trong bối cảnh vẫn cần vốn để kích thích sản xuất, thì hướng giảm được nhắm đến là tín dụng phi sản xuất, đồng thời với việc ưu tiên mở rộng tín dụng cho lĩnh vực sản xuất.
Như vậy, hoạt động cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán, cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản, cho vay tiêu dùng khác... sẽ được “ưu tiên” kiểm tra, giám sát, nhất là khi hai lĩnh vực này đã có bước tăng mạnh trong tháng 5 và tháng 6, góp phần vào mức tăng tín dụng cao của 6 tháng đầu năm nay. (Theo báo cáo của NHNN, dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán ước đến ngày 30/6/2009 đã tăng 28,31% so với cuối năm 2008; trong khi đến cuối tháng 4/2009 mới chỉ tăng khoảng 4%. Tương tự, dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh bất động sản đến ngày 30/6/2009 ước tăng 10,48% so với cuối năm 2008; trong khi cuối tháng 4/2009 giảm gần 12% so với cuối năm 2008).
(Theo Bá Kiên // Báo đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com