Dù việc đầu tư vào các công ty cổ phần tại VN còn có trở ngại nhưng các quỹ đầu tư nước ngoài vẫn lạc quan khi sẽ có thêm dòng tiền từ các quỹ mới được thành lập. Từ đầu năm đến nay, chỉ có chưa tới mười khoản đầu tư vào các công ty tư nhân được các quỹ đầu tư nước ngoài công bố. Các quỹ kêu khó góp vốn vì các công ty tư nhân VN ra giá rất cao. Khó tìm mặt gửi vàng Đến nay, đúng một năm sau khi xuất hiện ở VN, Quỹ đầu tư công nghiệp DI châu Á (Nhật Bản) vẫn chưa chọn được công ty VN nào để đầu tư. Ông Shinichiro Hori, tổng giám đốc Công ty CP Dream Incubator VN (DI), thừa nhận rất khó để kết thúc đàm phán với doanh nghiệp VN trong lúc này vì giá vẫn còn cao. Ông Hori cho biết DI đã lập danh sách 300 công ty trong nhiều lĩnh vực (trừ bất động sản và tài chính), sau khi tìm hiểu, lọc lại còn 20 công ty và hiện đang có 5-10 công ty được DI thẩm định xong, đang đàm phán để quyết định đầu tư. “Hi vọng kết thúc năm nay chúng tôi sẽ đầu tư vào 2-3 công ty” - ông Hiro tiết lộ. Mặc dù thừa nhận hoạt động đầu tư của các quỹ có chững lại nhưng ông Andy Ho cho rằng thị trường vẫn tăng trưởng tốt. Với VinaCapital, theo ông Andy Ho, trong nửa năm qua có gần mười khoản đầu tư nhưng chỉ công bố 2-3 trường hợp vì phía đối tác VN không muốn công khai ra công chúng. Trái với sự náo nhiệt trong những năm trước, hoạt động đầu tư của hai quỹ đầu tư vào công nghệ là IDG hay DFJV (VinaCapital liên doanh với Draper Fisher Jurvetson) những tháng gần đây cũng khá trầm lắng. Khoản đầu tư gần đây nhất của DFJV là đầu tư vào Công ty giải pháp công nghệ 24, điều hành trang web Tax online từ tháng 2. Đình đám nhất là khoản đầu tư 15 triệu USD từ Quỹ VOF của VinaCapital vào Công ty CP Prime Group, một công ty sản xuất gạch ốp lát có trụ sở tại Vĩnh Phúc. Mekong Capital trong bảy tháng qua mới đầu tư 9,1 triệu USD vào Công ty CP đầu tư Nam Long. Một quỹ đầu tư khác có quy mô đầu tư nhỏ từ 300.000 - 2 triệu USD là SEAF Blue Waters Growth Fund (SEAF) cũng chỉ vừa kết thúc khoản đầu tư thứ ba của mình kể từ đầu năm đến nay vào Công ty TNHH phòng khám đa khoa Cộng Hòa. Bác sĩ Nguyễn Bảo Trị, đại diện Công ty TNHH phòng khám đa khoa Cộng Hòa, thừa nhận quyết định bắt tay với SEAF là một việc khó khi công ty của ông có những lựa chọn từ các quỹ khác. Chậm vì sao? Giải thích việc chậm giải ngân của mình, ông Shinichiro Hori cho rằng một phần các doanh nghiệp VN chưa hiểu về hoạt động của DI, phần còn lại DI đang gặp phải sự cạnh tranh từ các quỹ rất lớn, điều mà ông và đồng nghiệp không lường được. Điều khó khăn này tăng lên gấp bội khi các doanh nghiệp trong nước định giá công ty quá cao. Theo ông Hiro, các công ty chưa niêm yết thường đưa giá công ty cao hơn giá trị 10-15 lần, có trường hợp đến 30 lần. Vì thế rất mất thời gian đàm phán. Đồng quan điểm này, ông Andy Ho , giám đốc điều hành kiêm giám đốc đầu tư VinaCapital Group, cho rằng khó nhất là các công ty cỡ vừa vì lợi nhuận và tính thanh khoản cao. Các công ty này được nhiều quỹ đầu tư để ý nên họ cũng có yêu sách riêng. “Nhiều người cho rằng đầu tư tốt là đầu tư vào các công ty tốt, nhưng tôi cho rằng phần lớn các khoản đầu tư được đánh giá tốt là đầu tư vào công ty tệ, cấu trúc lại, chấn chỉnh, đánh bóng rồi đưa lên sàn bán. Cho nên vấn đề hai bên phải xác định là cùng thắng. Mình có thể trả giá cao nhưng công ty đó cũng phải tăng trưởng cao, phát triển mạnh...” - ông Andy Ho chia sẻ. Kinh nghiệm của nhiều chuyên viên đầu tư của các quỹ cũng cho thấy rất khó đầu tư vào các công ty con được cổ phần hóa của những doanh nghiệp nhà nước. Theo ông Andy Ho: “Ban đầu thì rất hồ hởi bởi các công ty này nhiều tiềm năng phát triển, nhưng khá rủi ro khi những công ty mẹ thay đổi chiến lược kinh doanh đối với những công ty con đó. Chẳng hạn: năm nay họ sản xuất ly, thị trường gặp khó khăn, lập tức công ty mẹ thay đổi chiến lược, chuyển sang sản xuất chén... thế là các quỹ đầu tư gặp rủi ro. Vì vậy, chúng tôi chỉ đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước lớn đã cổ phần hóa”. Thêm dòng tiền mới Vừa trở về từ châu Âu và Nhật Bản để gặp các nhà đầu tư, ông Andy Ho nhận định các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục tin tưởng vào thị trường VN. “So với các thị trường khác, khoản đầu tư của họ vào VN thông qua các quỹ của chúng tôi vẫn có lãi” - ông Andy Ho nói. Đây cũng là một trong những lý do khiến VinaCapital tự tin lập thêm hai quỹ mới là Vinaland 2 và VOF 2. Theo ông Andy Ho, cả hai quỹ này sẽ đều là quỹ thành viên thay vì quỹ niêm yết. Nguồn vốn huy động chủ yếu từ các tổ chức như quỹ hưu trí ở Nhật và quỹ từ thiện ở Mỹ. Quy mô của quỹ khoảng 150-250 triệu USD. Sau VinaCapital, mới đây chủ tịch quỹ đầu tư mạo hiểm IDG khi sang VN cũng cho biết sẽ mở thêm hai quỹ đầu tư mới với quy mô khoảng 400 triệu USD. Những tín hiệu lạc quan trên cũng khá phù hợp với báo cáo khảo sát quý 2-2010 về đầu tư vào doanh nghiệp tư nhân ở VN do Công ty nghiên cứu thị trường Grant Thornton VN công bố. Ông Matthew Lourey, giám đốc bộ phận tư vấn tài chính doanh nghiệp công ty, nhận xét: “Chúng ta đang ở trong giai đoạn được các nhà đầu tư đánh giá rất tích cực về triển vọng kinh tế và mức độ thu hút đầu tư”. Khảo sát thực hiện với 200 người có khả năng ra quyết định đầu tư vào VN hoặc có quan tâm đến đầu tư vào VN, có đến 87% tin rằng VN hấp dẫn hơn địa chỉ đầu tư khác, tăng 20% so với năm ngoái và 67% nhà đầu tư xác định sẽ gia tăng đầu tư vào VN. Số người tin tưởng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế VN cũng tăng lên 81% so với tỉ lệ 59% và 36% của hai kỳ khảo sát quý 2 và quý 4 năm ngoái. Theo Grant Thornton VN, các nhà đầu tư đánh giá các lĩnh vực bán lẻ, y tế, dược phẩm và giáo dục là những nơi được các nhà đầu tư quan tâm nhất. LÊ NGUYÊN MINHSản xuất tại một nhà máy của Prime Group, nơi nhận vốn đầu tư từ Quỹ VinaCapital - Ảnh: P.B.THỦY
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com