Quang cảnh lễ ký hợp đồng tài trợ tín dụng giữa UOB và PV Power Nhơn Trạch II. Ảnh: Lê Toàn. |
Thị trường tài chính Việt Nam đang tích lũy - ông Thng Tien Tat, Giám đốc khu vực Việt Nam và Myanmar của Ngân hàng UOB (United Overseas Bank), chi nhánh TPHCM, nhận xét bên lề lễ ký kết hợp đồng tín dụng bắc cầu trị giá 40 triệu đô la Mỹ do UOB tài trợ cho PV Power Nhơn Trạch II mới đây.
Một trong những điểm nhấn của sự tích lũy ấy có thể là sự sáp nhập các ngân hàng nội địa, nhất là những ngân hàng không có khả năng nâng vốn điều lệ lên 3.000 tỉ đồng vào cuối năm nay. Theo ông, khi các ngân hàng mạnh được tạo ra từ quá trình sáp nhập, hạn mức cho vay đối với một khách hàng sẽ tăng lên. Điều này, đến lượt nó sẽ thúc đẩy tín dụng tăng trưởng, vòng quay luân chuyển vốn và ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế. Tuy nhiên, các ngân hàng nhỏ liệu có đủ tự tin và tin cậy lẫn nhau để sáp nhập? Và sáp nhập theo phương thức nào? mất thời gian bao lâu? là những câu hỏi khó. “Ở các nước, các thương vụ sáp nhập đều cần có vai trò của các tổ chức môi giới. Đó là những ngân hàng đầu tư có khả năng bảo lãnh, thu xếp các vụ sáp nhập. Nhưng ở Việt Nam, vai trò cũng như vị trí của ngân hàng đầu tư còn mờ nhạt. Quy mô cũng như uy tín, ảnh hưởng của nó còn ở mức độ thấp hơn chính các ngân hàng thương mại. Sự thiếu vắng những tổ chức môi giới chuyên nghiệp và kinh nghiệm sẽ khiến quá trình sáp nhập ngân hàng trở nên khó khăn và thị trường vẫn đang thiếu động lực để tiến lên phía trước” - ông Thng Tien Tat bình luận. UOB đang tập trung cho hoạt động bán buôn, cho vay các khách hàng doanh nghiệp. Khoản tín dụng 40 triệu đô la Mỹ cung cấp cho PV Power Nhơn Trạch II là khoản tài trợ mới nhất, nhưng không phải là lớn nhất của UOB. Với thời hạn cho vay một năm, lãi suất khá cạnh tranh do được sự bảo lãnh của tập đoàn Dầu khí PetroVN. Khoản vay này có thể được hai bên gia hạn thêm sau khi đã thỏa thuận được các điều kiện. Có lẽ UOB đã không đặt nặng lãi suất thương mại của khoản cho vay lên đầu. Với họ, quan trọng là xây dựng mối quan hệ với những khách hàng tầm cỡ như PetroVN và các công ty trực thuộc. Trong năm nay, họ cũng đã tham gia trong khoản cho vay hợp vốn dành cho một doanh nghiệp nhà nước khác là Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Nói như ông Thng Tien Tat, “xây dựng mối quan hệ, đàm phán cho những khoản tín dụng đầu tiên bao giờ cũng mất thời gian. Song một khi thương lượng xong, chúng tôi giải ngân, cùng khách hàng đi tiếp những bước đường tiếp theo suôn sẻ”. Hoạt động bán buôn đang ngày một cạnh tranh. Xét ở khía cạnh người đi vay, cạnh tranh đang tạo lợi thế để họ vay được vốn giá thấp và hưởng dịch vụ tốt hơn. Trong khi đó người cho vay lại chịu áp lực phải tạo ra lợi nhuận nhiều hơn trên nền dịch vụ cao hơn và lãi suất thấp hơn. Muốn thế, ngoài gia tăng số lượng khách hàng, tìm các doanh nghiệp lớn, ngân hàng cần đẩy nhanh dư nợ. UOB chọn cách cung ứng cho người vay dịch vụ trọn gói. Chẳng hạn bán ngoại tệ các loại cho doanh nghiệp vay vốn nhập khẩu thiết bị, hàng hóa, nguyên liệu. UOB cũng cho vay tiền đồng, nhưng rõ ràng là nguồn vốn không dồi dào như cho vay ngoại tệ. Bên cạnh đó, việc kinh doanh ngoại tệ của UOB cũng như của khối ngân hàng ngoại năm nay không thuận lợi như những năm trước do lợi nhuận biên có phần giảm xuống. Tuy nhiên, đây cũng là tín hiệu tích cực cho một đồng nội tệ ổn định. Khách hàng của UOB bao gồm các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp quốc doanh, doanh nghiệp Singapore và các nước trong khu vực. Với UOB, việc huy động vốn ở đảo quốc sư tử và cho vay để đầu tư vào Việt Nam dễ dàng hơn việc huy động ở chính Việt Nam để cho vay. Bản thân UOB đã đầu tư mua 15% cổ phần của Ngân hàng Phương Nam từ ba năm trước. Việc đầu tư đó không đơn thuần mang tính thương mại, mà nhắm tới làm quen với khách hàng nội địa và tận dụng mạng lưới chi nhánh của đối tác Việt Nam. Ngân hàng Phương Nam có khoảng một trăm chi nhánh và phòng giao dịch trên khắp Việt Nam, điều mà UOB hướng tới và cần rất nhiều thời gian để tiệm cận. Là một đối tác lâu dài, UOB vẫn liên tục gia tăng các hoạt động và đóng góp của mình vào sự phát triển của nền tài chính Việt Nam trong suốt 15 năm qua. Để phục vụ tốt hơn các khách hàng của mình tại Việt Nam, họ cần phải theo bước những ngân hàng như ANZ và HSBC để nâng cấp hoạt động từ mô hình một chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành một ngân hàng con 100% vốn nước ngoài. Có như thế họ mới có thể cung cấp các sản phẩm dịch vụ của mình đến các khách hàng trên toàn quốc. Ngoài các hoạt động về kinh doanh ngoại hối và phát triển tín dụng doanh nghiệp (corporate banking), UOB cũng tham gia đầu tư trái phiếu chính phủ (không đầu tư trái phiếu doanh nghiệp), mua và nắm giữ chứ không giao dịch hàng ngày trên thị trường. Nghiệp vụ trái phiếu có phần kém sôi động, theo UOB, là do lợi tức trái phiếu Việt Nam ở thời điểm hiện tại chưa thực sự hấp dẫn để giao dịch thường xuyên.
(Theo Lưu Hảo // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com