Có nghiệp vụ huy động và cho vay như một ngân hàng, các công ty tài chính đang cố gắng đầu tư dịch vụ nhằm dành thị phần tín dụng cá nhân từ tay các ngân hàng. Theo các chuyên gia, vì “miếng bánh” béo bở này mà năm 2010 sẽ có cuộc chạy đua cạnh tranh quyết liệt.
Hiện, Việt Nam có khoảng 17 công ty tài chính do các tập đoàn, tổng công ty và doanh nghiệp nước ngoài thành lập, với chức năng thu xếp vốn cho các dự án của công ty mẹ. Nhưng vì thị trường tín dụng cá nhân rất lớn, hệ thống ngân hàng không thể đáp ứng nhu cầu, nên nhiều công ty tài chính tìm cách “lấn sân”.
Mảnh đất màu mỡ
Đầu năm 2010, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại ưu tiên vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong khi ngồn vốn hạn hẹp nên ngân hàng thắt chặt cho vay tiêu dùng. Ngược lại, nhu cầu vay vốn của khách hàng dịp cuối năm để sửa nhà, tậu xe… rất lớn. Chớp lấy cơ hội này, các công ty tài chính tìm cách thu hút khách hàng cá nhân. Trên các diễn đàn mạng, trang rao vặt… nhân viên tín dụng của công ty tài chính chào vay với lãi suất 1,02 - 1,25% một tháng. Thời hạn vay có thể trên 10 năm, hạn mức rộng hơn các ngân hàng, dao động 100 triệu đồng - 8 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Trọng Chinh, ngụ quận 9, TP HCM, cho biết, có nhu cầu vay 100 triệu đồng để sắm đồ đón Tết, nhưng không ngân hàng nào cho vay hoặc có cho vay thì lãi suất lên đến 20% một năm, thời hạn vay chỉ 12 tháng. Tình cờ anh được một nhân viên tín dụng của Công ty tài chính Prudential tư vấn cho vay tín chấp, thủ tục đơn giản, chỉ cần bản sao CMND, hộ khẩu và chứng minh nguồn thu nhập, trong vòng một giờ thì được giải ngân.
Nhiều khách hàng cho biết, công ty tài chính có lãi suất rẻ hơn ngân hàng, thủ tục vay nhanh gọn lại có nhiều dòng sản phẩm phong phú. Thời gian gần đây, các công ty tài chính có nhiều sản phẩm liên kết với các nhà cung cấp sản phẩm như siêu thị, đại lý ô tô, xe máy, các công ty bất động sản… để gia tăng giá trị cộng thêm cho khách hàng. Với cách này, công ty tài chính đang ngày càng tăng dư nợ cho vay tiêu dùng cá nhân và chứng tỏ được ưu thế cạnh tranh so với ngân hàng. “Mảnh đất màu mỡ” tín dụng cá nhân sẽ không còn là sân chơi riêng của các ngân hàng như trước đây.
Sẽ khó cho các ngân hàng
Theo ông Trần Bình Hậu, Phó giám đốc Sở giao dịch II BIDV, trong khi các ngân hàng đang bị khống chế trần lãi suất huy động thì các công ty tài chính lại dễ dàng huy động từ các công ty thành viên, công ty mẹ… mà không vướng trần nào cả. Hơn thế, việc kiểm tra, giám sát, thẩm định cho vay của công ty tài chính cũng dễ dàng hơn. Rõ ràng lợi thế để phát triển tín dụng cá nhân của các doanh nghiệp này hơn hẳn ngân hàng, nhất là dự thảo sửa đổi của Ngân hàng Nhà nước sắp tới sẽ cho phép các công ty tài chính huy động vốn ngắn hạn (trước đây là 12 tháng) thì chắc chắn ngân hàng sẽ càng lép vế, do không thể cạnh tranh lãi suất với công ty tài chính.
Nhiều ngân hàng chuyên bán lẻ rất lo lắng trước áp lực cạnh tranh với công ty tài chính. Ông Đàm Thế Thái, Phó giám đốc AnBình Bank, cho biết, các công ty tài chính không chỉ lấn sân ở mảng tín dụng cá nhân mà từng bước tiếp cận tín dụng doanh nghiệp. Trong giai đoạn khó khăn về vốn này, nhiều doanh nghiệp đi gõ cửa công ty tài chính. Nếu dịch vụ họ tốt, có thể các doanh nghiệp sẽ “neo đậu” ở đó. Để giữ vững thị phần, nhiều ngân hàng đang lên kế hoạch thành lập công ty tài chính trong năm 2010. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhận định việc cạnh tranh với các công ty tài chính nước ngoài không đơn giản. Ngoài khả năng huy động vốn mạnh vì mạng lưới hoạt động rộng, các công ty tài chính còn có nhiều mối quan hệ với tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới để thương thảo, đàm phán cho việc tài trợ tín dụng số lượng lớn.
(Đất Việt)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com