Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dồn sức cải cách thủ tục thuế

Năm 2010, ngành tài chính sẽ loại bỏ tất cả thủ tục về thuế không cần thiết - tinkinhte.com
Năm 2010, ngành tài chính sẽ loại bỏ tất cả thủ tục về thuế không cần thiết
Cộng đồng doanh nghiệp (DN) đang đặt nhiều hy vọng vào việc ngành tài chính quyết tâm thực hiện các cam kết về cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nhất là thủ tục về thuế.
 
Các chuyên gia kinh tế, các nhà hoạch định chính sách, tổ chức tài chính trong và ngoài nước đều coi TTHC phiền hà, phức tạp là 1 trong 3 trở ngại, điểm nghẽn hạn chế sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Trong giai đoạn phát triển mới, nếu TTHC không được cải cách triệt để thì Việt Nam khó có thể đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 7 - 8%/năm.

TTHC nhiêu khê, phức tạp không chỉ gây phiền hà cho cá nhân, DN, mà còn được xem là bạn đồng hành của nạn nhũng nhiễu, tiêu cực trong một bộ phận công bộc của nhân dân, gây lãng phí rất lớn cho xã hội. Nhận thức rất rõ vấn nạn này, nên ngay từ khoá trước, Chính phủ đã hết sức quan tâm đến việc cải cách TTHC. Cụ thể, ngay từ năm 1994, Chính phủ đã ra Nghị quyết về việc cải cách TTHC. Từ đó đến nay, Chính phủ rất nỗ lực trong việc đơn giản hoá, loại bỏ những TTHC không cần thiết, song theo ông Nguyễn Minh Mẫn, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Văn phòng Chính phủ), sau 15 năm thực hiện, kết quả đạt được không nhiều. "Cải cách TTHC đạt kết quả thấp, không phải vì chúng ta thiếu quyết tâm, mà do cách làm chưa phù hợp", ông Mẫn nhận định.

Nhận định về TTHC hiện nay, một thành viên Tổ công tác chuyên trách cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ đã phải thốt lên rằng: "Cộng đồng DN không còn lạ bức tranh TTHC của nước ta". Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh toàn cầu do Công ty Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, xét về thủ tục thuế, Việt Nam đứng thứ 140 trong 182 nền kinh tế. "Một thứ hạng quả là đáng phải suy nghĩ nếu so với các nước trong khu vực ASEAN, như Singapore đứng thứ 5, Malaysia đứng thứ 21, Thái Lan đứng thứ 22, Indonesia đứng thứ 116", vị này nói.

Cũng theo báo cáo trên, nếu ở Singapore, bình quân mỗi DN chỉ mất 84 giờ/năm để thực hiện các nghĩa vụ với ngân sách, Malaysia mất 145 giờ/năm, Thái Lan 264 giờ/năm và Indonesia mất 266 giờ/năm, thì tại Việt Nam, bình quân mỗi DN phải mất tới 1.050 giờ/năm chỉ để làm các thủ tục về thuế và các nghĩa vụ về tài chính với ngân sách. Điều đáng lưu ý là, kết quả này hầu như không giảm so với điều tra năm 2007.

TTHC nhiêu khê, phức tạp tác động đến người dân bình thường ra sao, thì hiện chưa có khảo sát, đánh giá cụ thể, nhưng nếu bất cứ người dân nào phải "chạy" thủ tục đều phải nếm trải nhiều bức xúc và đành "móc ví" để "bôi trơn thủ tục", hoặc phải nộp tiền oan vào ngân sách.

Đơn cử, theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất được miễn thuế. Song để được miễn thuế, người dân phải mất ít nhất hàng năm để cơ quan nhà nước có thời gian xác nhận họ chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất. Vì vậy, để khỏi mất thời gian chờ đợi, tuyệt đại đa số người dân đành chấp nhận mất ít nhất 5-10 triệu đồng đóng thuế mà lẽ ra họ được hưởng.

Nhận thức rõ hệ lụy của TTHC hiện hành, năm 2009, Chính phủ đã đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án Đơn giản hoá TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010 (Đề án 30). "Trong gần 65 năm giành được độc lập, chưa bao giờ Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính như năm 2009. Kết quả là, chúng ta đã hoàn thành giai đoạn 1 (thống kê các TTHC hiện hành) và để bước vào giai đoạn 2 là loại bỏ tất cả thủ tục, giấy tờ, mẫu biểu không cần thiết, hoặc trùng lắp với sự tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là tiếng nói của người dân và DN trực tiếp chịu sự tác động của vấn nạn TTHC", ông Mẫn cho biết.

Vẫn theo ông Mẫn, để bảo đảm tính bền vững của công cuộc cải cách trường kỳ này, Chính phủ chủ trương ban hành hẳn một Nghị định về kiểm soát TTHC nhằm sàng lọc, loại bỏ các văn bản quy phạm pháp luật ngay khi mới manh nha hình thành nếu thấy không phù hợp. "Khi nghị định này có hiệu lực, thì tất cả các văn bản của cơ quan quản lý nhà nước khi xây dựng phải trả lời được 3 câu hỏi: có hợp pháp hay không? Có cần thiết hay không? Có hợp lý hay không? Nếu hợp pháp, nhưng không hợp lý, thì dứt khoát ngăn chặn; nếu hợp lý, hợp pháp nhưng không cần thiết, không được xã hội đồng tình, thì dứt khoát đình chỉ ngay từ giai đoạn xây dựng", ông Mẫn cho biết.

Mặc dù rất nỗ lực trong việc cải cách TTHC, song ngành tài chính vẫn là một trong những ngành bị người dân, đặc biệt là DN than phiền nhiều nhất. Như chính lãnh đạo Bộ Tài chính thẳng thắn thừa nhận, việc cải cách TTHC không như ý muốn là do hiện vẫn còn một bộ phận cán bộ, công chức không theo kịp yêu cầu cải cách, năng lực trình độ còn chưa đạt yêu cầu; một số ít cán bộ không rèn luyện, vi phạm đạo đức ngành thuế, hải quan, gây khó khăn cho DN, người nộp thuế... Và đây chính là nguyên nhân khiến DN vẫn mất tới 1.050 giờ mỗi năm để làm các thủ tục về thuế.

"Năm 2010, ngành tài chính phải phấn đấu nâng thứ hạng trong Báo cáo Môi trường kinh doanh toàn cầu của IFC lên 120. Trong đó, số giờ làm thủ tục về thuế phải giảm từ 1.050 giờ hiện nay xuống còn 600 giờ và giảm thời gian làm thủ tục hải quan, thời gian thông quan, thời gian kiểm tra thực tế hàng hoá xuất, nhập khẩu xuống còn 1,5 lần so với bình quân của các nước trong khu vực", Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo.

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính đặt quyết tâm trong việc thực hiện giai đoạn 2 của Đề án 30 khi cam kết,  năm 2010, ngành tài chính sẽ loại bỏ tất cả thủ tục về thuế không cần thiết, gộp và đơn giản các thủ tục để gọn nhẹ, giảm thời gian thực hiện, phấn đấu giảm ít nhất 30% trên tổng số 330 thủ tục thuế và 239 thủ tục hải quan, nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho người dân.

Cộng đồng DN đang hy vọng sẽ giảm được chi phí đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh nhờ vào việc ngành tài chính quyết tâm thực hiện các cam kết về cải cách TTHC.

(Theo Mạnh Bôn // Báo đầu tư)

  • Kết luận từ Thanh tra Chính phủ: Nhiều sai phạm tại Kho bạc Nhà nước
  • “Siêu tổng công ty” đang ngắm cổ phiếu ngân hàng nào?
  • WB cho Việt Nam vay ưu đãi 876 triệu USD
  • Tổng kết Dự án Tài chính nông thôn III WB tài trợ cho Việt Nam
  • Nợ xấu của các ngân hàng tại Hà Nội có xu hướng tăng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!