Thống đốc Nguyễn Văn Giàu - Ảnh: Thủy Triều. |
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội trong phiên chất vấn ngày 17-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết với tình hình kinh tế như hiện nay thì trong những tháng tới sẽ chưa thực hiện việc thắt chặt tiền tệ mà là nới lỏng có kiểm soát.
Đại biểu Phạm Thị Loan của đoàn đại biểu Hà Nội cho rằng việc tăng trưởng tín dụng nóng cho thấy dường như Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không kiểm soát được tăng trưởng tín dụng. Giải thích vấn đề bà Loan nêu, ông Giàu nói giải pháp quản lý nhanh nhất đó là thắt chặt tiền tệ, như vậy lượng cung tiền lẫn tín dụng sẽ không tăng, tài khóa không tăng, nhu cầu nhập khẩu không tăng. Nhưng cách giải quyết này lại mâu thuẫn với mục tiêu tăng trưởng vì vậy NHNN phải cân nhắc. Liên quan đến vấn đề tỷ giá, các đại biểu đã chất vấn NHNN về những biện pháp căn cơ giải quyết tình trạng cung và cầu ngoại tệ không gặp nhau như hiện nay, cũng như tình trạng doanh nghiệp găm giữ ngoại tệ đang diễn ra khiến các ngân hàng không thể mua ngoại tệ vì giá thu mua thấp hơn so với giá thị trường chợ đen. Để trả lời cho phần chất vấn về tỷ giá, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Giàu trình bày khá dài về tình hình thị trường ngoại hối hiện nay. Ông Giàu cho biết năm 2007 nguồn vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) vào rất nhanh với 6,3 tỉ đô la Mỹ, cùng với nguồn này là kiều hối với 2,6 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, sang năm 2008, do khủng hoảng tài chính thế giới nên tình hình đã đảo ngược. Những tháng cuối năm 2008, luồng tiền FII chảy ngược ra nước ngoài là 578 triệu đô la Mỹ. Trong 10 tháng đầu năm nay, dòng tiền FII tiếp tục chảy ra khoảng 500 triệu đô la Mỹ. Trong khi đó, ông Giàu cho rằng tình trạng nhập siêu đang kéo dài trong nhiều năm. Nhập siêu năm 2007 là 12,4 tỉ đô la Mỹ, sang năm 2008 con số này tăng lên 18 tỉ đô la Mỹ, và 10 tháng đầu năm nay nhập siêu là 8,9 tỉ đô la Mỹ. Hai tháng còn lại nhập siêu sẽ vào khoảng 3,5 tỉ đô la Mỹ. "Điều này đang tạo ra sức ép lên thị trường ngoại hối", ông Giàu nói. Ngoài ra, một số chính sách khác cũng tác động lên thị trường ngoại hối, chẳng hạn như nới lỏng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Vì tăng tài khóa nên dẫn đến tăng đầu tư và điều này dẫn đến tăng nhập khẩu. Tương tự, tăng trưởng tín dụng dự kiến hồi đầu năm là 21% đến 23%. Tuy nhiên do khủng hoảng kinh tế mức này đã tăng dần lên 30% và hiện nay tăng hơn 30%. Ông Giàu cho biết từ đầu năm đến nay đồng tiền Việt Nam đã mất giá 5,18%, lớn hơn chỉ số giá tiêu dùng trong 10 tháng năm nay là 4,49%. Bà Lê Thị Nga, đại biểu đoàn Thái Nguyên, chất vấn rằng chức năng của NHNN là ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam. Tuy nhiên việc mất giá đồng tiền như vậy đã làm ảnh hưởng đến đời sống của rất nhiều người, vậy trách nhiệm của người điều hành ra sao và giải pháp nào để không làm mất giá tiền đồng. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng vì sao NHNN không phá giá đồng tiền để giúp nguồn cung và cầu ngoại tệ cân bằng hơn. Ông Giàu cho rằng việc phá giá đồng tiền Việt Nam có thể sẽ làm tăng các nguy cơ, trong đó có nợ quốc gia hiện đang rất lớn. Ông cho rằng nợ nước ngoài của các doanh nghiệp trong nước hiện cũng không phải là nhỏ. “Chỉ riêng trong nước nợ bằng ngoại tệ đã là 17 tỉ đô la Mỹ”, ông Giàu nói. Theo ông Giàu, việc ổn định giá trị đồng tiền là mục tiêu để vươn tới, tuy nhiên để thực hiện còn lệ thuộc vào nhiều yếu tố. Do vậy NHNN sẽ phối hợp với các bộ ngành khác để thực hiện.
(Theo Đình Dũng // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com