Từ trước đến nay, do nhìn nhận vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) là nguồn viện trợ chính thức của các tổ chức nước ngoài cho vay với sự đảm bảo của nhà nước, nên việc tiếp cận nguồn vốn này chỉ trong phạm vi các cơ quan nhà nước hoặc thành phần doanh nghiệp nhà nước. Các doanh nghiệp ngoài quốc doanh bị gạt ra rìa.
Mới đây, kết luận về việc tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang đã yêu cầu đổi mới cơ chế để doanh nghiệp tư nhận được vay vốn ODA như các doanh nghiệp nhà nước khác.
Theo các chuyên gia, sau khi có chỉ đạo của Ban Bí thư, chắc chắn doanh nghiệp tư nhân sẽ được chính danh tham gia các dự án được tài trợ bằng nguồn vốn ODA. Giới chuyên gia cũng kỳ vọng, sự “mở cửa” này sẽ thúc đẩy tiêu vốn ODA hiệu quả hơn, gỡ điểm nghẽn để thúc đầy tăng trưởng kinh tế đất nước.
Trên thực tế, đến nay khu vực kinh tế tư nhân đã có đóng góp lớn cho nền kinh tế, chiếm đến 39% GDP và 1/3 tổng vốn đầu tư toàn xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động với tốc độ nhanh, số lượng lớn. Tuy nhiên, đối tượng này vẫn chưa được nhìn nhận đúng mức và có cơ chế phù hợp kích hoạt phát triển đúng tầm vóc.
Sức sống mãnh liệt của khu vực kinh tế tư nhân biểu hiện rất rõ nét sau khi đất nước đổi mới. Chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm gần đây, số doanh nghiệp tư nhân đã tăng 15 lần và có độ thích nghi khá tốt khi thị trường trong nước và thế giới biến động.
Chủ trương của nhà nước là không phân biệt các thành phần kinh tế. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn có cái nhìn khá e dè và đâu đó vẫn còn phân biệt đối xử với thành phần kinh tế này, thể hiện qua việc tiếp cận các cơ hội kinh doanh, chính sách đầu tư, phân bổ vốn và nguồn lực quốc gia.
Chính vì lẽ đó, khu vực kinh tế dân doanh “chậm lớn” so với tiềm năng và khả năng quản trị, điều hành.
Mặt khác, cũng chính vì nguyên nhân trên, doanh nghiệp dân doanh thường biểu hiện thái độ co thủ. Điều này đã làm doanh nghiệp tư nhân tự gây bất lợi cho mình, trở thành “chàng tí hon” so với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoặc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Theo các chuyên gia, để khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành một lực lượng đối trọng- trong đó bao gồm các tập đoàn kinh tế tư nhân được công nhận chính danh, có vị thế cạnh tranh trong nước và trên trường quốc tế, đòi hỏi tự thân các doanh nghiệp phải tăng cường nội lực thực sự trên thương trường, tham gia có hiệu quả vào các lĩnh vực kinh tế mang tính chiến lược của đất nước, trong đó có việc thực hiện có hiệu quả các dự án từ nguồn vốn ODA.
Làm được việc này, thái độ hoài nghi trong một bộ phận xã hội sẽ chấm dứt và các cơ hội kinh doanh ngày càng mở ra to lớn hơn.
Bên cạnh đó, nhà nước cũng cần thể chế hoá bằng chính sách trong việc tạo điều kiện thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển nhanh, mạnh và đúng hướng; thực sự xây dựng cơ chế bình đẳng trong đầu tư kinh doanh và tiếp cận các nguồn lực cũng như cơ hội phát triển.
(Báo tổ quốc)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com