Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phiên họp 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XII: Không đánh thuế nhà, đất lấn chiếm phải nộp thuế

Hôm nay 15/3 mở đầu phiên họp thứ 29, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật thuế nhà, đất. UBTVQH đồng tình cao với đề nghị trước mắt không đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế, trong khi đó việc có hay không thu thuế đất lấn chiếm vẫn đang gây tranh cãi.

UBTVQH đồng tình cao với đề nghị trước mắt không đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế. - tinkinhte.com
UBTVQH đồng tình cao với đề nghị trước mắt không đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế. Ảnh : Minh Tuấn

Cùng dự có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh.

Không đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế

UBTVQH đồng tình cao với đề nghị trước mắt không đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế với những lý do như: Nhà là tài sản gắn liền với công sức, sự tích lũy lâu dài của người dân. Trước khi có được số tiền xây dựng nhà, người dân đã phải thực hiện nghĩa vụ thuế và trong quá trình xây dựng nhà ở, người dân đã phải thực hiện nghĩa vụ thuế khi mua nguyên vật liệu xây dựng, thi công.

Việc thu thuế sẽ dẫn đến thuế chồng lên thuế. Mặt khác, tại thời điểm hiện nay, khi nền kinh tế chưa thực sự ổn định, đời sống người dân trong nước còn nhiều khó khăn, việc áp dụng thuế nhà sẽ tác động đến đời sống và tăng thêm nghĩa vụ tài chính đối với một bộ phận người dân.

Bên cạnh đó, việc tổ chức thực thi luật có thể gặp khó khăn do nhiều điều kiện bảo đảm thực thi chưa đầy đủ, đồng bộ; số thu từ thuế nhà cho NSNN ước tính không đáng kể trong khi đó, chi phí cho công tác hành thu lại không nhỏ…

Theo Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, giá nhà ở Việt Nam thực chất là giá đất. Nhà ở là tài sản của cá nhân hoặc tổ chức, trong khi đó nước ta chưa có thuế tài sản, mà thay vào đó là thuế thu nhập cao, thuế chước bạ để "đánh vào" các tài sản lớn.

Nếu đưa nhà vào đối tượng chịu thuế thì các tài sản khác có giá trị cao có phải là đối tượng chịu thuế không? Đồng tình với ý kiến này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng giá trị của nhà không phải là lớn. Thuế chỉ "đánh vào" giá trị xây dựng của nhà trong khi nhà xây dựng ở những vị trí khác nhau sẽ có giá trị khác nhau.

Như thế, thực chất là thuế "đánh vào" đất. Giá trị của nhà thực chất là ở vị trí của đất. Do đó nếu nhằm mục đích để quản lý cũng như hạn chế đầu cơ là không hiệu quả.

Thu hay không thu thuế phần diện tích đất lấn chiếm?

Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, dự thảo quy định mức thuế suất chung áp dụng với đất lấn chiếm là 0,15%, cao hơn so với thuế thu phần diện tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Do lấn chiếm là hành vi bất hợp pháp nên cùng với áp dụng mức thuế suất cao nhất, cần tăng cường các biện pháp xử lý nhằm sớm ngăn chặn.

Một số ý kiến cho rằng, thu thuế phần diện tích chênh lệch cũng đồng nghĩa với việc thừa nhận hành vi vi phạm. Nếu quy định như dự thảo sẽ phá vỡ quy định của Luật đất đai (xử lý mọi hành vi lấn chiếm, thu hồi phần đất chiếm dụng).

Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn cho rằng, chỉ thu thuế theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không nên đặt vấn đề thu thuế phần đất lấn chiếm, sẽ tạo kẽ hở vi phạm. Theo Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai, Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, khái niệm đất lấn chiếm trong dự thảo là chưa rõ ràng. Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền cũng đồng tình quy định trong luật phải thu theo giấy chứng nhận.

Tuy nhiên, ý kiến của ông Nguyễn Văn Thuận cho rằng việc thu thuế không phải là hình thức công nhận tính hợp pháp của lấn chiếm. Ông Thuận lấy ví dụ về việc xử lý phần đất lưu không ở các khu tập thể để chứng minh cho việc thu không có nghĩa là thừa nhận quyền sử dụng; cần phải tính toán thêm nhưng không thể bỏ qua vấn đề này.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng cho biết, phần đất đai lấn chiếm nhiều, trên thực tế đang thu nhưng không có nghĩa là công nhận quyền sử dụng hợp pháp. Người dân đang ở trên phần đất lấn chiếm rất mong được đóng thuế và coi đó là bằng chứng quyền sử dụng hợp pháp. Do đó không nên thu nhưng phải có hướng xử lý vấn đề này.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nêu rõ: Về nguyên tắc, tất cả các loại đất có giấy hay không có giấy chứng nhận, đã sử dụng đều phải có nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước. Đất ngoài phạm vi giấy chứng nhận nếu không thu thuế thì không thực tế, nhưng thu như thế nào để nêu cao trách nhiệm và ý thức thực thi pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và của người dân.

Quan điểm của Phó Chủ tịch là phải thu và coi đây là một hình thức phạt, cùng với đó là thực hiện nghiêm các quy định khác của pháp luật có liên quan. Không phải vì thu mà thừa nhận đất đó là đất hợp pháp, thuộc quyền sử dụng của người lấn chiếm.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng đây là hiện tượng phổ biến, nhất là ở các đô thị, không chỉ ở các chung cư mà còn ở cả các ngõ phố. Nếu không thu sẽ không công bằng, còn tổ chức, cá nhân nào đứng ra hợp thức hóa, cấp giấy chứng nhận cho người dân thì không phải dễ. Tới đây, cần xem xét từng trường hợp cụ thể để xác định như thế nào là đất lấn chiếm.

(TTXVN)

  • Kết luận từ Thanh tra Chính phủ: Nhiều sai phạm tại Kho bạc Nhà nước
  • “Siêu tổng công ty” đang ngắm cổ phiếu ngân hàng nào?
  • WB cho Việt Nam vay ưu đãi 876 triệu USD
  • Tổng kết Dự án Tài chính nông thôn III WB tài trợ cho Việt Nam
  • Nợ xấu của các ngân hàng tại Hà Nội có xu hướng tăng
  • Kinh tế, tài chính trong nước ngày 16/3/2010
  • 1 tỷ USD cho đường ống dẫn khí dài nhất
  • Có thể giảm bội chi ngân sách trong năm nay
  • Tín dụng tăng trưởng chậm
  • Gỡ chậm tiến độ
  • Sắp được thỏa thuận lãi suất huy động?
  • Khi tư nhân được vay vốn ODA
  • Giảm mạnh vốn ngân sách trong xây dựng cơ bản
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!