Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tiền gửi ngân hàng có khuynh hướng giảm

Đã không còn thời kỳ lãi suất huy động của ngân hàng cổ phần luôn cao hơn hẳn lãi suất của các ngân hàng quốc doanh. Sau lần Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất cơ bản ngày 20-11, lãi suất đầu vào của các ngân hàng cổ phần đã bằng và thậm chí thấp hơn khối quốc doanh.

Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), cho bết do ACB dự đoán rằng lãi suất cơ bản sẽ còn tiếp tục giảm nên từ bây giờ đã thiết kế lãi suất thấp.
 
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Tâm, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), cho rằng nguyên nhân nằm ở chỗ nguồn vốn của các ngân hàng hiện khá dồi dào trong khi khó cho vay do các doanh nghiệp không muốn vay vốn thêm vì ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới.
 
“Dư nợ đang giảm mạnh trong khi vốn vẫn còn dồi dào do Ngân hàng Nhà nước đã nới lỏng chính sách tiền tệ, cho nên ngân hàng không cần thiết phải huy động với lãi suất cao như trước nữa”, bà Tâm nói. Bà cũng thừa nhận khi giảm lãi suất, vốn huy động của ngân hàng có giảm theo nhưng vẫn chưa ở mức đáng lo.
 
Hiện có hai dạng thiết kế biểu lãi suất tại các ngân hàng, một là lấy kỳ hạn ngắn (3-4 tháng) làm chủ đạo, và hai là lấy kỳ hạn 12 tháng làm chủ đạo với lãi suất cao hơn các kỳ hạn khác. Tuy nhiên, chỉ vài ngân hàng ở trong nhóm một - nhóm lấy kỳ hạn ngắn làm chủ đạo, trong đó có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). 
 
Ngày 26-11, có thêm hai ngân hàng cổ phần điều chỉnh giảm lãi suất là Nam Việt và HDBank đều thuộc nhóm một. Lãi suất cao nhất tại Ngân hàng Nam Việt chỉ còn 12,45%/năm cho kỳ hạn 3 tháng, và các kỳ hạn dài hơn thì lãi suất thấp hơn, đặc biệt kỳ hạn 12 tháng lãi suất chỉ còn 9,5%/năm.
 
Trong khi đó, HDBank có lãi suất các kỳ hạn 3, 4, 5 và 6 tháng đều là 12,5% trong khi kỳ hạn 12 tháng là 12%. Cũng nằm trong nhóm này, Agribank có lãi suất huy động cao nhất là 12,5% cho kỳ hạn từ 1-6 tháng, và 12% kỳ hạn từ 7-12 tháng. 
 
Ở nhóm còn lại, Ngân hàng Á Châu (ACB) và Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) đã điều chỉnh giảm tiếp lãi suất từ đầu tuần, cùng với Vietcombank giảm từ cuối tuần trước, hiện ba ngân hàng này có lãi suất huy động được xem là thấp nhất hiện nay.
 
Đối với tiền gửi lãnh lãi cuối kỳ của kỳ hạn 12 tháng, lãi suất của ACB và BIDV bằng nhau là 11%/năm (mức cao nhất của hai ngân hàng này) trong khi Vietcombank là 10,92%. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng của Vietcombank vẫn là 10,92% trong khi của ACB và BIDV là 10,4% và 9,9%. Ở các ngân hàng khác, lãi suất cũng dao động trong khoảng 11-12,5%. 
 
Đại diện một số ngân hàng cho biết do lãi suất cho vay giảm mạnh nên ngân hàng buộc phải giảm lãi suất huy động để đảm bảo hiệu quả hoạt động của mình. Khi tiến hành cắt giảm lãi suất huy động, ngân hàng Vietcombank cũng đã dự báo trước tiền gửi sẽ giảm mạnh nên đã xin ý kiến cổ đông không tăng trưởng huy động trong năm nay. 
 
Ông Nguyễn Quốc Sỹ, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Miền Tây, cho biết tiền gửi tại ngân hàng đã giảm thấy rõ sau khi hạ lãi suất và nếu tiền gửi tiếp tục giảm mạnh ngân hàng sẽ phải điều chỉnh lãi suất huy động tăng cao hơn để đảm bảo nguồn vốn của mình. 
 
Không chỉ Ngân hàng Miền Tây lo chuyện tiền gửi giảm, Ngân hàng Phương Đông (OCB) từ ngày 26-11 đã phải tăng trở lại lãi suất huy động của mình. Theo đó, OCB tăng lãi suất từ 0,4 đến 2 điểm phần trăm ở các kỳ hạn so với lãi suất vừa áp dụng ngày 22-11. Lãi suất mới từ 3 đến 12 tháng của OCB đều là 12,5%/năm. 
 
Một cán bộ của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết trong mấy ngày vừa qua, các ngân hàng tại TPHCM đến rút một lượng tiền mặt lớn từ Ngân hàng Nhà nước với lý do là khách hàng muốn rút tiền về để kinh doanh vàng khi lãi suất huy động giảm thấp. 
 

(Theo Vinanet)

  • Kết luận từ Thanh tra Chính phủ: Nhiều sai phạm tại Kho bạc Nhà nước
  • “Siêu tổng công ty” đang ngắm cổ phiếu ngân hàng nào?
  • WB cho Việt Nam vay ưu đãi 876 triệu USD
  • Tổng kết Dự án Tài chính nông thôn III WB tài trợ cho Việt Nam
  • Nợ xấu của các ngân hàng tại Hà Nội có xu hướng tăng
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!