Giá dầu, đồng, đường giảm; Giá vàng tiến sát mức kỷ lục; chứng khoán tiếp tục giảm.
Giá kim loại, năng lượng và nông sản hồi phục vào cuối phiên giao dịch đêm qua sau khi Đức công bố dữ liệu sản xuất tháng 4 tốt hơn dự đoán giúp Euro hồi phục phần nào so với USD, dù vậy thiếu các thông tin tốt khác vẫn giữ người mua đứng ngoài thị trường hàng hoá.
Cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu và nỗi lo tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc và Mỹ đã khiến các nhà đầu tư tìm đến các tài sản an toàn khác như đồng USD và vàng. USD leo lên mức cao nhất hơn 4 năm so với Euro, khiến cho giá các hàng hoá tính theo đồng USD như đồng, dầu và đường tiếp tục giảm.
Các nhà phân tích cho biết thị trường đang chờ đợi thông tin tiếp theo về tình hình bán lẻ ở Mỹ và doanh số bán ôtô tháng 5, sẽ công bố vào thứ 6, để có các động thái tiếp theo, cũng như có cái nhìn khái quát hơn về khả năng hồi phục của kinh tế Mỹ.
Trên thị trường New York, giá đồng giao tháng 7 giảm 5,35 cent, tương đương 2% xuống 2,7660 USD/lb. Giá đồng tại LME giảm 180 USD xuống 6.100 USD/tấn.
Giá đồng trên thị trường thế giới đã giảm 17% kể từ đầu năm nay, chủ yếu bởi nỗi lo cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu sẽ làm giảm nhu cầu kim loại đỏ.
Giá dầu thô ngọt nhẹ tại New York giảm 7 cent xuống 71,44 USD/thùng vào lúc đóng cửa, sau khi chạm mức thấp 69,51 USD giữa phiên. Giá dầu đã giảm khoảng 10% kể từ cuối năm 2009 tới nay, chủ yếu bởi nỗi lo tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại và dự trữ xăng dầu gia tăng tại Mỹ - quốc gia tiêu thụ năng lượng nhiều nhất thế giới.
Giá đường thô giảm 0,19% trong phiên đêm qua xuống 14,33 cent/lb. Mặt hàng này đã giảm 47% kể từ cuối năm ngoái, bởi nỗi lo kinh tế toàn cầu hồi phục chậm và vụ mùa bội thu ở các nước như Braxin và Ấn Độ.
Giá vàng - mặt hàng được lợi nhiều nhất từ khủng hoảng nợ ở châu Âu, vẫn đứng vững ở mức trên 1.200 USD/ounce trong các phiên vừa qua, và trong đêm qua chỉ còn cách chưa đầy 10 USD so với mức kỷ lục gần 1.250 USD/ounce.
Giá vàng giao tháng 8 tại New York tăng 23,10 USD lên 1.240,80 USD/ounce vào lúc đóng cửa phiên giao dịch 7/6. Kể từ đầu năm tới nay, giá vàng đã tăng 14%.
Trên thị trường tài chính, chứng khoán Mỹ giảm phiên thứ hai liên tiếp trong phiên giao dịch đêm qua bởi niềm tin vào khả năng hồi phục của kinh tế toàn cầu giảm sút sau khi Mỹ công bố tình hình việc làm tháng 5 dù Đức công bố dữ liệu sản xuất tháng 4 tốt hơn mong đợi .
Đồng tiền chung châu Âu giảm xuống mức thấp mới của 4 năm qua, chỉ 1,19 USD, trong khi nhu cầu đầu tư vào các tài sản an toàn như Trái phiếu Mỹ tăng, giá vàng cũng tăng khi chỉ còn cách mức cao kỷ lục 10 USD.
Cuối tuần trước, chính phủ Mỹ công bố giới chủ nước này đã tạo ra ít việc làm hơn dự kiến trong tháng 5, trong khi đó nỗi lo Hungari sẽ nối tiếp Hy Lạp và Tây Ban Nha rơi vào khủng hoảng nợ công, đã khiến thị trường hàng hoá và chứng khoán giảm sâu.
Ngày 07/6, chính phủ Đức công bố các đơn đặt hàng tháng 4 đã tăng vượt mong đợi, và cho thấy nhu cầu hàng hoá lâu bền tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang trên đà tăng trở lại, dấy lên hy vọng về khả năng hồi phục chung của kinh tế toàn khu vực.
Khối lượng giao dịch trên thị trường phố Wall giảm trong phiêm đêm qua, đứng đầu là cổ phiếu của ngành công nghiệp và công nghệ thông tin, khi các nhà đầu tư vẫn đứng ngoài thị trường sau khi thông tin việc làm công bố tuần trước không khuyến khích mua vào.
Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 115,48 điểm, tương đương 1,16% xuống 9.816,49 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 14,41 điểm, tương đương 1,35% xuống 1.050,47 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 45,27 điểm, tương đương 2,04%, còn 2.173,90 điểm.
Chỉ số MSCI của tất cả các chỉ số chứng khoán toàn cầu giảm 2%, chỉ số của các nền kinh tế mới nổi giảm 2,7%.
Chỉ số FTSE của thị trường Anh giảm 1,1%, chỉ số DAX của thị trường Đức hạ 0,6%; chỉ số CAC – 40 của thị trường Pháp hạ 1,2%. Chỉ số Nikkei 225 của thị trường Nhật giảm 3,8%.
Hôm qua, Bà Joseph Cohen, chuyên gia phân tích tại Goldman Sachs, cho rằng những nhà đầu tư vẫn còn lo lắng về kinh tế toàn cầu có thể lạc quan rằng kinh tế Mỹ hiện tốt hơn phần lớn các nước phát triển khác trong đó có các nước tại Tây Âu hoặc Nhật.
Dù bà Cohen cho rằng nhà đầu tư cần theo dõi chặt chẽ những gì đang diễn ra trên khắp thế giới, đặc biệt là diễn biến tại các nền kinh tế châu Âu như Hy Lạp và Hungary, bà khẳng định phần lớn thiệt hại đều đã được tính đến.
Trong bài phỏng vấn gần đây với CNBC, bà Cohen dự báo chỉ số S&P 500 sẽ tăng 17% trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm 2010.
Bà nói: “Những tin xấu và bối cảnh tồi tệ nhất cũng đã được phản ảnh vào giá cổ phiếu tại Mỹ và châu Âu.”
Thay cho việc chỉ quan tâm vào những thông tin chi tiết như báo cáo về thị trường việc làm, bà khuyên nhà đầu tư chú ý đến bức tranh toàn cảnh: “Chúng tôi tin rằng nên nhìn vào sức khỏe thực của nền kinh tế nơi tăng trưởng GDP sẽ tiếp tục, việc làm sẽ tiếp tục được tạo rao. Đó mới chính là cái chúng ta cần chú ý đến trong những quý tới.”
(Vinanet - N.H)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com