Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Trái phiếu doanh nghiệp đang trở lại

 
Năm 2009 đã chứng kiến nhiều đợt phát hành thành công, đặc biệt là các đợt phát hành của doanh nghiệp. Đây là tín hiệu đáng mừng của thị trường vốn, thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư.

Nằm im trước ảnh hưởng của khủng hoảng, nay trái phiếu doanh nghiệp dần tìm lại không khí sôi động, nhưng không dễ.

Khoảng 2 – 3 năm gần đây, thị trường vốn Việt Nam bắt đầu đón nhận sự nhập cuộc của trái phiếu doanh nghiệp (bài viết không đề cập đến trái phiếu chuyển đổi). Hay nói cách khác, trái phiếu là một công cụ gọi vốn còn khá mới mẻ, nhiều lợi ích nhưng không dễ sử dụng và không phải doanh nghiệp nào cũng có thể nắm lấy.

“Sao cứ phải vác đơn đến ngân hàng!”

Đây là câu hỏi của TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh (Đại học Ngân hàng Tp.HCM), khi trao đổi với VnEconomy về câu chuyện trái phiếu doanh nghiệp. Đúng hơn, đó là một khẳng định, khuyến khích doanh nghiệp tự tin và năng động trong việc gọi vốn, tránh lệ thuộc vào sự tiếp sức của các ngân hàng thương mại.

“Kênh ngân hàng không phải là duy nhất. Doanh nghiệp nên mạnh dạn tham gia thị trường chứng khoán nếu đủ điều kiện để gọi vốn. Hay là trái phiếu, tại sao nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận? Cân nhắc lợi ích, các điều kiện, doanh nghiệp hoàn toàn có thể linh hoạt tìm vốn để nắm bắt cơ hội sản xuất kinh doanh của mình”, TS. Dương nói.

Thực tế, từ giữa năm 2008, hoạt động phát hành trái phiếu của doanh nghiệp hầu như khựng lại trước ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới. Nội tại, sự leo thang của lãi suất sau lạm phát cũng là một trở ngại khi tính toán chi phí nếu gọi vốn qua kênh này. Còn nay, những tháng gần đây, một loạt doanh nghiệp bắt đầu tìm đến trái phiếu, khi các điều kiện đã thuận lợi hơn.

Ngày 1/9 vừa qua, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) thông báo phát hành thành công trái phiếu đợt 3, kỳ hạn 5 năm với tổng giá trị 200 tỷ đồng. Đợt liền trước, doanh nghiệp này cũng gọi thành công 300 tỷ đồng.

Tại Đồng Nai, Công ty Tín Nghĩa cũng vừa phát hành thành công trái phiếu với 500 tỷ đồng, tạo đà cho kế hoạch dự kiến gọi thêm 300 tỷ đồng thời gian tới.

Cách đây gần một tháng, Công ty Cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu cho dự án Đông Sài Gòn. Hay mới nhất, Tổng công ty Thép Việt Nam phát hành thành công 1.000 tỷ đồng trái phiếu nội tệ…

Điểm qua, có thể thấy với những lượng vốn đó, doanh nghiệp không dễ tìm đến ngân hàng, nhất là khi tăng trưởng tín dụng đang chậm lại, lĩnh vực gọi vốn là bất động sản khá “nhạy cảm” trong giải ngân. Giá trị là doanh nghiệp chủ động được nguồn vốn để triển khai các kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Lợi ích lớn…

Tham khảo ở trường hợp của Kinh Bắc, là một doanh nghiệp lớn, thương hiệu đã khẳng định, việc gọi vốn có thể cậy nhờ ngân hàng. KBC cũng là một blue-chip trên HNX, có lợi thế của một doanh nghiệp niêm yết thông qua phát hành thêm gọi vốn.

Nhưng Kinh Bắc lựa chọn kênh trái phiếu. Ngoài những yêu cầu và điều kiện thực tế, có thể ngầm hiểu KBC hạn chế việc pha loãng cổ phiếu thông qua giải pháp phát hành thêm. Bên cạnh đó, kết quả đạt được còn mang lại nhiều lợi ích.

“Việc xác định một cơ cấu vốn hợp lý giữa vốn chủ sở hữu và vốn vay sẽ giúp doanh nghiệp tận dung được các lợi thế về thuế đối với vốn vay cũng như hạn chế pha loãng cổ phiếu, do đó giảm chi phí sử dụng vốn đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, chuyên gia tài chính Mạc Quang Huy (phụ trách quản lý tài sản và nguồn vốn Ngân hàng Đầu tư Nomura Australia) bình luận.

Cũng theo phân tích của ông Huy, năm 2008 các hoạt động phát hành trái phiếu bị chững lại do ảnh hưởng trực tiếp của lạm phát và khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, năm 2009 đã chứng kiến nhiều đợt phát hành thành công, đặc biệt là các đợt phát hành của doanh nghiệp. Đây là tín hiệu đáng mừng của thị trường vốn, thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư. Trong khi việc phát hành cổ phiếu gặp khó khăn do lo ngại lượng cung lớn trong tương lai, việc các doanh nghiệp sử dụng các công cụ nợ để huy động vốn là một sự lựa chọn thông minh.

Trở lại với những lợi ích, ngoài những phân tích trên, Kinh Bắc hay Công ty Cổ phần Đầu tư Nhơn Trạch còn có sự chủ động và xét tính về chi phí gọi vốn. Kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, việc hỗ trợ lãi suất 4% khó được hưởng, nếu không nói là thuộc diện “ngoài vùng phủ sóng”, doanh nghiệp phải tính toán giữa chi phí vay ngân hàng và gọi vốn qua trái phiếu. Có thể thấy lãi suất trái phiếu phổ biến 12,5%/năm tương đối cân bằng với lãi vay ngân hàng, thậm chí có thể thấp hơn.

Về lãi suất, chuyên gia Mạc Quang Huy nhận định: “Lãi suất của các doanh nghiệp phát hành thành công gần đây phản ánh đúng quan hệ cung – cầu trên thị trường, và là một mức lãi suất hợp lý trong hoàn cảnh hiện nay. Với sự hồi phục của nền kinh tế thì mức lãi suất này không quá thấp. Đồng thời, xét về mức độ rủi ro của từng doanh nghiệp và kỳ hạn huy động thì mức lãi suất này cũng không quá cao. Tôi tin là khoảng lãi suất trái phiếu sẽ tiếp tục ổn định trong quý 4/2009”.

Ông Huy cũng phân tích thêm, đối với trái phiếu Chính phủ, mức trần lãi suất quá thấp (ví dụ 9%/năm cho kỳ hạn 3 năm) đã không đáp ứng được nhu cầu kỳ vọng của nhà đầu tư, và là nguyên nhân chính dẫn đến thất bại trong các lần phát hành gần đây.

Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp, khoảng 12,5%/năm ở các đợt thành công vừa qua, cũng là địa chỉ hấp dẫn đối với các tổ chức, khi so sánh với lãi suất trái phiếu Chính phủ, lãi suất huy động của ngân hàng. Tất nhiên, mọi so sánh đều khập khiễng, bởi ở đây còn liên quan đến một số yếu tố như độ tín nhiệm doanh nghiệp, tính khả thi và hiệu quả của dự án gọi vốn… Và không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được những yếu tố đó.

…nhưng không dễ

Để phát hành thành công, theo tư vấn của ông Mạc Quang Huy, doanh nghiệp cần đảm bảo những yêu cầu chính sau:

Về cơ bản, trước hết, chủ thể phát hành cần chú trọng vấn đề minh bạch thông tin trong hồ sơ phát hành, đặc biệt tình hình tài chính cũng như kế hoạch sử dụng vốn huy động từ đợt phát hành. Trái phiếu có thời hạn càng dài thì rủi ro càng lớn, và do đó vấn đề minh bạch thông tin càng quan trọng.

“Trong tương lai, hy vọng các chủ thể phát hành tại Việt Nam sẽ tiến hành định mức tín nhiệm (credit rating) trước khi phát hành nhằm minh bạch hóa rủi ro tín dụng cho nhà đầu tư”, chuyên gia này khuyến nghị.

Vấn đề thứ hai doanh nghiệp cần chú ý là giá cả (định giá lãi suất). Thực tế cho thấy các đợt phát hành trái phiếu Chính phủ hoặc trái phiếu Chính phủ bảo lãnh liên tục thất bại từ đầu năm 2009 là do trần lãi suất bị khống chế quá thấp, không đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp lại phát hành thành công với khối lượng lớn, chủ yếu do vấn đề giá cả được giải quyết một cách thỏa đáng.

Vấn đề thứ ba là các doanh nghiệp phải có sự nghiên cứu thị trường, đưa ra cơ cấu và khối lượng phát hành phù hợp để thị trường có thể hấp thụ được, đồng thời duy trì một cơ cấu vốn hợp lý. Việc lựa chọn thời điểm phát hành cũng như cách thức phát hành cũng là các vấn đề quan trọng, ảnh hưởng đến mức độ của thành công.

Và một ý kiến tham khảo mà ông Huy đưa ra là các doanh nghiệp nên sử dụng dịch vụ chuyên nghiệp về tư vấn và quản lý, bảo lãnh phát hành từ các ngân hàng đầu tư. Các ngân hàng đầu tư với mạng lưới quan hệ sẽ có thể hỗ trợ việc phân phối được thực hiện thành công.

(Theo Minh Đức // VnEconomy)

  • Kết luận từ Thanh tra Chính phủ: Nhiều sai phạm tại Kho bạc Nhà nước
  • “Siêu tổng công ty” đang ngắm cổ phiếu ngân hàng nào?
  • WB cho Việt Nam vay ưu đãi 876 triệu USD
  • Tổng kết Dự án Tài chính nông thôn III WB tài trợ cho Việt Nam
  • Nợ xấu của các ngân hàng tại Hà Nội có xu hướng tăng
  • Khi doanh nghiệp và ngân hàng đều phải tính!
  • Doanh nghiệp kêu khó vay vốn kích cầu
  • Dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt xấp xỉ 400.000 tỷ đồng
  • Mục tiêu trên con đường dài
  • Trên 122 tỷ đồng vốn vay ưu đãi sai đối tượng
  • Ngân hàng vào đợt báo lãi
  • Thí điểm đấu thầu qua mạng
  • Ngân hàng vẫn “khát” vốn
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!