Ngay sau khi công bố “Báo cáo xếp hạng ngân hàng 2009” của VietnamCredit, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước đề nghị “xử lý”. Ông Tạ Ngọc Hữu, Giám đốc Đối ngoại VietnamCredit chia sẻ thông tin trước phản ứng này.
Công ty có chính thức công bố bảng xếp hạng này hay không?
Có. Chúng tôi xác nhận đây là nghiên cứu của mình và muốn công bố công khai nghiên cứu đánh giá này.
VietnamCredit đánh giá thế nào về phản ứng của Hiệp hội ngân hàng và một số các ngân hàng trước bản đánh giá, xếp hạng?
Theo chúng tôi thì phản ứng của Hiệp hội ngân hàng và các ngân hàng là vội vàng và chưa chuẩn xác.
Họ cần đọc kỹ báo cáo của chúng tôi và cách thức làm việc trung thực của chúng tôi sau đó mới nên có ý kiến.
Đây là một dự án quan trọng đối với chúng tôi, chúng tôi đã nghiên cứu về mặt pháp lý và đưa ra khuyến cáo rằng, báo cáo chỉ có giá trị tham khảo.
Chúng tôi sẵn sàng đối mặt trước tòa án nếu như chúng tôi làm điều gì đó sai pháp luật.
Ngược lại, nếu ai đó vì lợi ích của một hoặc một số ngân hàng nào đó mà hồ đồ kết luận sai bản chất sự việc, sai quy định của pháp luật thì có thể bị chúng tôi kiện ra tòa theo đúng quy định của pháp luật.
Công ty có giải thích gì khi bảng xếp hạng được các ngân hàng cho là dựa trên số liệu kiểm toán từ năm 2008 trở về trước nhưng lại được công bố vào thời điểm cuối năm 2009 với tên gọi Bảng xếp hạng các ngân hàng Việt Nam 2009, gây hiểu lầm cho không ít ngân hàng cũng như cơ quan truyền thông, báo chí?
Báo cáo “Xếp hạng Ngân hàng Việt Nam 2009” là báo cáo được đưa ra vào thời điểm 2009.
Còn việc đánh giá xem xét là dựa vào các thông tin đã xảy ra từ trước năm 2008 trở về trước. Chúng tôi dự kiến công bố báo cáo này hằng năm. Ví dụ sang năm 2010 báo cáo sẽ là: “Báo cáo xếp hạng Ngân hàng Việt Nam 2010” nhưng đánh giá xếp hạng là của năm 2009 dựa vào số liệu từ cuối năm 2009.
Do muốn có thông tin đầy đủ và đã được kiểm chứng nên việc ra báo cáo ít nhất cũng phải nửa sau năm thì mới có báo cáo đánh giá của năm trước. Đây cũng là thông lệ bình thường của công tác thống kê kể cả Việt Nam và quốc tế.
Cơ sở gì để chứng tỏ rằng, những đánh giá của VietnamCredit trong bảng xếp hạng là thực sự khoa học và khách quan?
Chúng tôi không tiếp xúc với bất cứ ngân hàng nào trong suốt quá trình thực hiện dự án (từ khi xây dựng tiêu chí cho đến thời điểm này).
Chúng tôi có nhóm chuyên gia xây dựng tiêu chuẩn, về cơ bản dựa trên tiêu chuẩn quốc tế. Mỗi một tiêu chí đều có một trọng số. Lần này là xếp hạng dựa trên 18 tiêu chí trong đó 12 tiêu chí định lượng, 6 tiêu chí định tính.
Sau khi đưa các chuẩn điểm và trọng số thì phần mềm CRIS (Credit Rating Information System ) tự chạy điểm và đưa ra các mức độ từ 100 đến 1000 điểm. Tương ứng với các mức điểm là phân loại từ D đến AAA.
Các chuyên gia cũng chỉ được tham khảo để đưa ra dải số thích hợp mà không khác biệt quá với chuẩn quốc tế.
Đặc biệt chúng tôi có lưu ý đến sự ổn định và sức sống của các ngân hàng Việt Nam, nên số điểm đưa ra không quá khắt khe như một số tổ chức tổ quốc tế quy định.
Trong báo cáo, chúng tôi cũng nêu rằng, chúng tôi không chịu trách nhiệm về những sai sót và tính toán của kiểm toán vì chúng tôi chỉ dựa vào số liệu công khai theo luật định (Quy định 1407/2004/QĐ-NHNN) và đồng thời nói rõ rằng đó ý kiến riêng của chúng tôi và chỉ có giá trị tham khảo.
Nhiều ngân hàng cho rằng, việc xếp hạng ngân hàng chỉ được phép thực hiện bởi các cơ quan thanh tra, giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước. "Còn Vietnam Credit là doanh nghiệp tư nhân, không thể có đầy đủ số liệu, thống kê về các ngân hàng thương mại mà tự động xếp hạng ngân hàng là sai quy định"?
Chúng tôi không đồng ý với quan điểm đó. Hiện nay chưa có một văn bản nào cấm việc công ty tư nhân đưa ra nhận xét của riêng mình về một doanh nghiệp. Đặc biệt là công ty cổ phần đại chúng càng cần phải có sự đánh giá, xem xét của công chúng.
Ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, họ thường khuyến khích các công ty xếp hạng tín nhiệm như công ty chúng tôi bỏ tiền ra đánh giá, khuyến cáo để hệ thống ngân hàng tham khảo, điều chỉnh chính mình tránh việc dẫn đến khủng hoảng như ở Mỹ vừa rồi.
Với kinh nghiệm hơn 8 năm làm việc với các tổ chức quốc tế, chúng tôi rất tự tin vào tinh thần và trí tuệ Việt Nam.
Trên thực tế, một số tổ chức xếp hạng lớn như Moody's, S&P... đã xếp hạng rủi ro tín dụng các ngân hàng Việt Nam, thậm chí thấp điểm hơn chúng tôi nhưng không có ngân hàng nào lên tiếng.
Phản ứng của một số ngân hàng sau khi “bị” VietnamCredit xếp hạng:
Ông Trần Xuân Huy, Tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank
Ngân hàng không đăng ký và do Công ty Vietnam Credit tự xếp. Theo tôi, để có được một kết quả xếp hạng đúng với thực tế và sát thực về hoạt động cũng như năng lực của các ngân hàng thì tổ chức xếp hạng đó được quốc gia công nhận ở mức độ nào, các tiêu chí xếp hạng được thông qua bởi ai và uy tín ra sao? Còn nếu Vietnam Credit là đơn vị tư nhân và tự đặt ra tiêu chí sẽ khó có thể mang tính chuẩn xác cao. Tôi cho rằng, để xếp loại năng lực của các ngân hàng thì NHNN là đơn vị có quyền đánh giá từng ngân hàng, đồng thời NHNN có bộ tiêu chí theo chuẩn quốc tế.
Ông Nguyễn Duy Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng VietBank
Tôi cho rằng, các công ty tư nhân có thể tự phán xét về khả năng hoạt động của các ngân hàng. Song, khi kết quả đã được công bố rộng rãi và đăng lên báo thì việc này là vi phạm pháp luật. Bởi tiêu chí xếp hạng của các ngân hàng phải có quy định cụ thể.
Ông Trương Hoàng Lương, Tổng giám đốc Ngân hàng KienLong Bank
Chúng tôi không được biết đến việc xếp hạng ngân hàng năm 2009 của Vietnam Credit. Do đó, với kết quả xếp hạng mà công ty này vừa công bố, theo tôi, chưa hẳn là căn cứ để đánh giá năng lực, hoạt động của các ngân hàng. Bản thân KienLong Bank trong những năm qua vẫn hoạt động tương đối khả thi, kể cả năm mà diễn biến thị trường có nhiều khó khăn nhất là 2008 vừa qua khi khủng hoảng tài chính xảy ra.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng MaritimeBank
Việc xếp hạng ngân hàng năm 2009 của Vietnam Credit là chưa thực sự đủ độ tin cậy. Bởi để xếp hạng được hoạt động của các ngân hàng phải có đầy đủ thông tin và dữ liệu xác đáng, không thể chỉ dựa trên báo cáo tài chính kiểm toán. Nhưng để có được điều này, chỉ có Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc NHNN mới có được. Mặt khác, xếp hạng các ngân hàng không phải là chuyện đơn giản, chẳng hạn như việc xếp hạng tín dụng của Moody’s đối với các ngân hàng Việt Nam luôn được thực hiện một cách có bài bản và uy tín. Trước khi đi đến quyết định xếp hạng cho ngân hàng nào, Moody’s cử một kiểm toán riêng theo chỉ định của Moody’s, chứ không phải kiểm toán do ngân hàng chọn. Đồng thời, việc giám sát của Moody’s còn sát sao hơn cả cơ quan thanh tra. Sau hơn 3 tháng, xem xét và kiểm tra các số liệu, Moody’s mới quyết định (dưới sự đồng ý của ngân hàng đó) triển khai việc xếp hạng. Đặc biệt, sau khi có kết quả xếp hạng, Moody’s cũng không phải là người công bố thông tin, mà quyền này thuộc về các ngân hàng, thay vì kết quả được Vietnam Credit công bố rộng rãi hiện nay.
Đại diện, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Trước những bức xúc của các ngân hàng về kết quả xếp hạng ngân hàng Việt Nam năm 2009 do Vietnam Credit vừa công bố, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã có Công văn số 339/HHNH gửi Thống đốc NHNN trong ngày cuối tuần qua. Hiệp hội cho rằng, trong kết quả xếp hạng có một số vấn đề chưa hợp lý. Thứ nhất, hoạt động của ngân hàng thương mại là hoạt động kinh doanh có điều kiện đã được pháp luật quy định. Vì vậy, mọi hoạt động liên quan đến ngân hàng phải được NHNN cho phép. Đặc biệt, việc xếp hạng ngân hàng thương mại hiện chỉ có Cơ quan Thanh tra, giám sát thuộc NHNN được phép thực hiện, vì họ có đầy đủ chức năng và thông tin, số liệu chính xác về hoạt động của từng ngân hàng. Do đó, theo VNBA, việc một công ty tư nhân đứng ra xếp loại, đánh giá các ngân hàng Việt Nam năm 2009 mà chỉ dựa trên các báo cáo kiểm toán của năm 2008 trở về trước là chưa đầy đủ, chưa đủ căn cứ để xếp loại ngân hàng.
Hơn nữa, năm 2008 là năm có diễn biến kinh tế vô cùng phức tạp và đó là năm các ngân hàng phải hoạt động trong điều kiện kinh tế bất thường. Vì vậy, không thể lấy cái “bất thường” để xếp loại cái “bình thường” cho năm 2009. VNBA cho rằng, để đánh giá được chính xác hoạt động của một ngân hàng phải căn cứ trên nhiều tiêu chí, cả định lượng và định tính. Chẳng hạn như bảng cân đối tài sản chi tiết đến bậc IV, chất lượng tài sản, năng lực quản trị điều hành, khả năng thanh khoản, việc chấp hành nghiêm túc quy trình, quy phạm nghiệm vụ của NHNN… Và những thông tin này chỉ có Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng của NHNN mới có đủ tư liệu xác đáng và đầy đủ để xếp loại ngân hàng. Bên cạnh đó, VNBA cho rằng, Vietnam Credit đánh giá hoạt động của các ngân hàng dựa trên số liệu đã cũ, không đầy đủ, sau đó còn công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, gây ra bất lợi cho ngân hàng, nhất là cho những ngân hàng được xếp loại C trở xuống.
Ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM
Theo tôi, kết quả xếp hạng này không đáng để tin cậy. Đây là vấn đề khá nhạy cảm và nếu kết quả xếp hạng này ảnh hưởng đến uy tín của các ngân hàng thì các ngân hàng kiện Vietnam Credit cũng là chuyện khó tránh. Thực tế, các ngân hàng đều tỏ ra không đồng tình với kết quả xếp hạng của Vietnam Credit. Mặt khác, Vietnam Credit là một công ty tư nhân nên không thể xếp hạng các ngân hàng. Trong khi đó, để xếp hạng các ngân hàng thương mại đòi hỏi phải có rất nhiều yếu tố, chứ không chỉ dựa chủ yếu vào các bản báo cáo tài chính
(Đầu tư Chứng khoán điện tử)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com