Có thông tin, doanh nghiệp tránh những rủi ro khi xuất khẩu. Ảnh: ST |
Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Giám đốc Dự án EU - Việt Nam MUTRAP III cho biết, Dự án MUTRAP III có tổng trị giá tài trợ là 10.670.000 euro. Trong đó, Dự án “Tăng cường năng lực về chính sách thương mại cho các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam” sẽ hỗ trợ 6 đơn vị, gồm 2 trường đại học, 4 hiệp hội doanh nghiệp.
Bà Thúy cho biết thêm, dự án trên không thể hỗ trợ đồng loạt các hiệp hội, mà chỉ chọn ra một số hiệp hội có đề xuất dự án phù hợp với mục tiêu của MUTRAP III. Các dự án này đã chính thức bắt đầu có hiệu lực từ đầu năm 2010 và kéo dài đến năm 2015.
Có thể nói, sự hỗ trợ của Dự án MUTRAP III đối với các hiệp hội tại thời điểm hiện nay, khi Việt Nam hội nhập ngày một sâu rộng với thế giới, là hết sức cần thiết. Ông Sean Doyle, Đại sứ Phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng, chẳng bao lâu nữa, Việt Nam sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình. Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn.
“Việt Nam cần tránh “bẫy” thu nhập trung bình. Điều này đòi hỏi bản thân các doanh nghiệp phải chuyên nghiệp hóa, doanh nghiệp cần tìm kiếm thông tin về môi trường kinh doanh để biết mình biết người”, ông Doyle nói.
Đồng quan điểm, ông Hans Farnhammer, Bí thư thứ nhất Phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động nắm bắt thông tin về thị trường EU. Cụ thể, doanh nghiệp nên tìm kiếm thông tin từ công cụ hỗ trợ xuất khẩu từ các nước đang phát triển sang EU thông qua website: http://exporthelp.europa.eu.
Ở góc độ hiệp hội, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, Dự án MUTRAP III tổ chức các hoạt động hỗ trợ hiệp hội như hiện nay là hết sức cần thiết, vì nó tạo ra sự phản biện nhiều chiều với các chính sách của Nhà nước, phù hợp với xu thế hội nhập.
“Chúng tôi đánh giá cao dự án này và sẽ tiếp tục cùng với Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) đẩy mạnh hoạt động đào tạo để giúp doanh nghiệp có thể tham gia vận động chính sách hiệu quả hơn đối với hoạt động xuất khẩu”, ông Hòe nói.
Trao đổi với Phóng viên Báo Đầu tư về việc Dự án MUTRAP III sẽ hỗ trợ gì cho doanh nghiệp Việt Nam khi EU gia hạn thêm 15 tháng thuế chống bán phá giá đối với giày mũ da của Việt Nam, đồng thời áp dụng quy định mới đối với doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản (IUU), bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy cho biết, mục tiêu chính của Dự án là hỗ trợ tập huấn, cung cấp thông tin để cảnh báo giúp doanh nghiệp tránh những rủi ro khi xuất khẩu, chứ không trực tiếp tham gia vào đấu tranh bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp.
“Hiện chúng tôi hỗ trợ tập huấn cho đầu mối là các hiệp hội, sau đó các hiệp hội sẽ phổ biến đến các hội viên của mình. Chúng tôi đã phối hợp với EU dành khoảng 1,7 triệu euro để nâng cao năng lực của các hiệp hội của Việt Nam, để bản thân các hiệp hội có thể điều phối, liên kết giữa các doanh nghiệp, đồng thời có sự liên kết giữa các hiệp hội”, bà Thúy cho biết thêm.
Được biết, Dự án “Tăng cường năng lực về chính sách thương mại cho các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam” gồm các hoạt động: đánh giá nhu cầu đào tạo cho các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam; phát triển giáo trình đào tạo cho các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam; tổ chức 6 khóa đào tạo cho đại diện các hiệp hội doanh nghiệp tại TP.HCM và 8 hội thảo tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng... cho các hiệp hội doanh nghiệp hội viên; xuất bản sách trắng về các vấn đề thương mại với đề xuất từ phía các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam và các thành viên; thành lập Trung tâm Thông tin châu Âu tại TP.HCM.
(Theo Thanh Vũ // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com