Chỉ tiêu xuất khẩu của năm 2009 đã được Quốc hội điều chỉnh ở mức tăng 3% so với năm 2008 (so với dự kiến tăng 13% từ cuối năm ngoái). Đây là sự điều chỉnh cần thiết, phù hợp với tình hình, song để đạt được chỉ tiêu này là điều hoàn toàn không dễ dàng.
Rất dễ nhận thấy áp lực của xuất khẩu 6 tháng cuối năm, bởi theo con số chính thức mà Tổng cục Thống kê vừa công bố, xuất khẩu 6 tháng đầu năm mới đạt 27,6 tỷ USD, giảm 10,1% so với cùng kỳ năm 2008.
Nếu tính theo cách cơ học, 6 tháng cuối năm cả nước phải xuất khẩu đạt 36,97 tỷ USD để kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 64,57 tỷ USD theo chỉ tiêu tăng 3% mà Quốc hội đã đề ra.
Như vậy, phần việc mà cơ quan quản lý và các DN phải thực hiện còn tới 57,3% và đây là con số thực sự rất lớn, bởi kinh nghiệm trong nhiều năm qua cho thấy, khả năng xuất khẩu 6 tháng cuối năm thường đạt 53-55% kế hoạch năm.
Áp lực này còn lớn hơn khi các chuyên gia trong và ngoài nước vẫn đưa ra những dự đoán khác nhau về tình hình
kinh tế thế giới, nhưng lại tựu trung ở một luận điểm: thị trường xuất khẩu chưa thể hồi phục sức mua ngay lập tức.
Nhìn mức sụt giảm xuất khẩu vào những thị trường trọng điểm trong 6 tháng đầu năm như Nhật Bản (giảm tới 40% so với cùng kỳ), EU giảm 16%, Hàn Quốc giảm 11%..., cộng với chưa có dự đoán nào về sức mua tăng trở lại từ những thị trường này trong 6 tháng tới được đưa ra, thì DN vẫn có lý do để mà lo lắng.
Bên cạnh đó, đã có dấu hiệu cho thấy giá nguyên liệu đầu vào của sản xuất đang tăng lên (dầu thô, phôi thép là những ví dụ điển hình) khiến cho áp lực càng đè nặng lên các DN sản xuất hàng xuất khẩu.
Tuy nhiên, cũng đã xuất hiện một số động thái tích cực hơn tại một số thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Đơn cử như các cơ quan thương vụ tại Chi Lê, Hồng Kông... vẫn liên tục đưa ra những thông báo cho các DN trong nước về nhu cầu nhập khẩu cụ thể từng mặt hàng của các DN tại những thị trường bên ngoài.
Điều này cho thấy, mặc dù sức mua trên các thị trường giảm, song vẫn có những mặt hàng có thể xuất khẩu trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Bên cạnh đó, từ đầu tháng 7 này, Hiệp định Đối tác
Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA) chính thức có hiệu lực, với việc xoá bỏ 2.586 dòng thuế, sẽ tạo điều kiện cho hàng hoá Việt Nam tăng sức cạnh tranh khi xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Mức tăng sẽ không đột biến song có thể đảm bảo cho DN đẩy mạnh xuất khẩu nhiều nhóm sản phẩm thuộc nội dung cam kết cắt giảm thuế quan.
Một điểm nữa là trong bối cảnh thị trường xuất khẩu suy giảm, công tác xúc tiến thương mại mở rộng thị trường đã được quan tâm mạnh mẽ. Điều này được thể hiện thông qua việc Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 80/2009/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ cho DN thực hiện xúc tiến thương mại cũng như mở rộng đối tượng được hưởng kinh phí từ nguồn ngân sách dành cho xúc tiến thương mại.
Sự chủ động của DN trong việc xúc tiến được đề cao trong giai đoạn này sẽ giúp cho các DN tự xây dựng được chương trình xúc tiến mở rộng thị trường và nhận được sự hỗ trợ khi những chuyến đi này có hiệu quả.
Nhiệm vụ xuất khẩu 6 tháng cuối năm là rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực lớn của cả các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng DN trong sản xuất và xuất khẩu hàng hoá, nhất là việc khai thác các yếu tố tích cực mới xuất hiện.