Trong khi hàng nhập khẩu Trung Quốc khá dễ vào Việt Nam thì hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này lại "chật vật" trước nhiều tiêu chuẩn.
Tình cảnh những dãy ô tô chở hoa quả, nông sản của thương nhân Việt Nam dồn hàng dài tại một số cửa khẩu phía Bắc chờ được xuất khẩu sang Trung Quốc không còn hiếm gặp.
Cục trưởng Hải quan Lào Cai cho biết, hàng xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai chủ yếu là nông sản, thực phẩm như hạt điều, bánh đậu xanh, sắn khô… Tất cả những mặt hàng này khi xuất sang Trung Quốc đều phải có chứng nhận xuất xứ hàng hóa (CO), phải được kiểm định khá nghiêm ngặt về chất lượng, kể cả với mặt hàng đơn giản như sắn khô. Tại khu vực cửa khẩu, hệ thống máy móc kiểm định hàng hóa đã được phía Trung Quốc đầu tư hiện đại. Như vậy, về điều kiện kỹ thuật, Trung Quốc cũng đã thiết lập được "hệ thống phòng thủ” khá chặt chẽ.
Trung Quốc sử dụng công cụ thuế quan trọng điều tiết hoạt động xuất, nhập khẩu rất hiệu quả. Mỗi mặt hàng khi xuất, nhập khẩu vào nước này có thể được áp dụng hai chính sách thuế: thuế mậu dịch (chính ngạch) do Chính phủ quy định và thuế biên mậu (tiểu ngạch) do địa phương quy định.
Do vậy, có trường hợp cùng một thời điểm, mặt hàng giày dép của doanh nghiệp Việt Nam khi xuất vào nước này theo đường chính ngạch phải chịu thuế suất trên 30% nhưng “đi” theo đường tiểu ngạch thì chỉ phải chịu thuế suất chưa đầy 5%
Hoặc tùy vào chủ trương khuyến khích hay không khuyến khích xuất, nhập khẩu một mặt hàng nào đó mà nước này cũng có sự điều chỉnh thuế suất rất nhanh và mạnh tay. Đơn cử như với mặt hàng phân bón, thuế xuất khẩu trước 30/6 đã bị Chính phủ Trung Quốc đánh thuế tới 130% nhằm hạn chế xuất khẩu trong vụ sản xuất nông nghiệp. Nhưng ngay khi mùa vụ kết thúc, đã được hạ còn 10%.
So với Việt Nam, chính sách liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu của Trung Quốc thường biến động nhanh, mạnh. Do vậy, doanh nghiệp, thương nhân Việt Nam không linh hoạt sẽ khó tránh thua thiệt.
Phải thay đổi cách thức kinh doanh:
Xung quanh việc Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm soát mậu dịch, bà Phạm Thị Hồng Thanh, Phó Vụ trưởng thị trường châu Á - Thái Bình Dương, Bộ Công thương, nhận định: “Trung Quốc khó đưa hàng vào các thị trường lớn do suy giảm kinh tế tất yếu sẽ chuyển sang kêu gọi người dân trong nước sử dụng hàng nội địa nên sẽ hạn chế hàng nhập khẩu, nhất là các nước có chung đường biên giới như Việt Nam”.
Chẳng hạn với mặt hàng thủy sản, nước này đưa ra các quy định mới tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên hàng thủy sản nhập khẩu có nguyên nhân từ việc chính thủy sản Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ bị đình lại do có dư lượng thuốc thú y vượt mức an toàn. Mặt khác, quy định nhập khẩu hàng hóa ngặt nghèo hơn cũng là cách để Trung Quốc điều chỉnh lại cán cân thương mại, hạn chế hàng chất lượng chưa cao vào thị trường nội địa.
Thiệt hại có thể nhìn thấy trước mắt là kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam sang Trung Quốc sẽ sụt giảm. Mức sụt giảm bao nhiêu còn phụ thuộc vào việc đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của hàng Việt Nam, mức độ thắt chặt giám sát hàng hóa của phía Trung Quốc. Tuy nhiên, nhìn ở mặt tích cực, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam nhìn lại mình, nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu, sửa đổi cách thức giao dịch tự phát theo kiểu buôn bán nhỏ lâu nay với các nhà nhập khẩu Trung Quốc.
Theo một chuyên gia kinh tế cao cấp, việc Trung Quốc tăng cường các biện pháp kiểm soát nhập khẩu thời điểm này cho thấy nước này đã vận dụng rất nhanh nhạy, linh hoạt công cụ pháp lý của WTO để bảo vệ sản xuất trong nước. Hiện có 17 - 20 nước áp dụng các biện pháp tương tự để giám sát hàng nhập khẩu. Đáng tiếc, dường như Việt Nam lại lơi lỏng công cụ này.
Theo tổ Trung Quốc của Vụ thị trường châu Á - Thái Bình Dương, những năm gần đây, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương (bao gồm Trung Quốc) luôn chiếm tới hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
(Vinanet)