Tính riêng trong 4 tháng gần đây, nhập siêu đã vào khoảng 6,4 tỷ USD. |
Báo cáo vừa công bố từ cơ quan thống kê cho hay, trong tháng 10/2009, nhập siêu của Việt Nam ước tính khoảng 1,9 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập siêu trong 10 tháng đạt 8,78 tỷ USD.
Trong đó, tính riêng trong 4 tháng gần đây, nhập siêu đã vào khoảng 6,4 tỷ USD. Diễn biến này làm gia tăng những lo ngại về tình trạng nhập siêu có thể vượt dự báo, gây áp lực lên kinh tế vĩ mô.
Xuất khẩu ước tính chỉ đạt 4,75 tỷ USD, trong khi nhập khẩu đạt 6,65 tỷ USD, tháng 10/2009 trở thành tháng có mức nhập siêu cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Diễn biến này cũng cho thấy, nhập siêu đang có xu hướng gia tăng trong những tháng gần đây (nhập siêu thực hiện tháng 8 là 1,325 tỷ USD, nhưng đến tháng 9 đã tăng lên 1,832 tỷ USD và dự kiến tháng 10 là 1,9 tỷ USD).
“Đóng góp” vào sự gia tăng của nhập siêu có nguyên nhân từ việc nhập khẩu tăng mạnh những tháng gần đây, trong khi xuất khẩu tăng giảm xen kẽ với biên độ không cao, chưa tạo xu thế rõ ràng.
Về xuất khẩu, ước tính tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 10/2009 đạt 4,75 tỷ USD (tháng 7 đạt 4,806 tỷ USD; tháng 8 là 4,523 tỷ USD; tháng 9 đạt 4,544 tỷ USD).
Tính chung từ đầu năm đến nay, xuất khẩu đã đạt khoảng 46,336 tỷ USD, tuy còn kém 13,8% so với cùng kỳ năm trước, nhưng so với những tháng trước đó, xuất khẩu vẫn đang giảm dần và rút ngắn khoảng cách so với cùng kỳ của năm 2008 (tháng 8 và 9, mức giảm kim ngạch so với cùng kỳ khoảng 14,2-14,3%).
Trong 24 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu được liệt kê tại báo cáo xuất nhập khẩu tháng 10/2009 của cơ quan thống kê, chỉ có 6 mặt hàng có kim ngạch tăng so với cùng kỳ, còn lại đều giảm về kim ngạch.
Nhiều mặt hàng, mức giảm về kim ngạch khá cao như dầu thô giảm 43%; cao su (-41,2%); sản phẩm gốm sứ(-26%); dây và cáp điện (-24,8%)... Tuy nhiên, xét về lượng, tất cả các mặt hàng được liệt kê đều cho thấy lượng tăng so với cùng kỳ, trong đó, hạt tiêu tăng 49%; gạo tăng 32,8%; chè tăng 23%...
Tuy nhiên, nếu đặt kết quả này trong tương quan so sánh với mục tiêu xuất khẩu năm 2009 đã được Quốc hội thông qua, khả năng đạt được mức tăng trưởng kim ngạch 3% trong năm nay là khó khả thi. Bởi vì, nếu có cố gắng đạt bằng năm ngoái, hai tháng còn lại, kim ngạch xuất khẩu mỗi tháng sẽ phải đạt khoảng 8,5 tỷ USD.
Bên phía nhập khẩu, có thể dễ dàng nhận thấy xu hướng tăng mạnh mà con số ước tính của tháng này là một khẳng định. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 8 đạt 5,848 tỷ USD, nhưng đến tháng 9 đã tăng tốc lên 6,376 tỷ USD và tháng 10 dự kiến sẽ đạt 6,65 tỷ USD.
Như vậy, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ đầu năm đến tháng 10/2009 đã đạt 55,119 tỷ USD, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm 2008.
Cũng tương tự với kim ngạch xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu đang rút ngắn khoảng cách so với con số đạt được cùng kỳ năm 2008. Nếu như tháng 8, kim ngạch nhập khẩu giảm khoảng 28,2% so với cùng kỳ, so sánh tương ứng của tháng 9 là 25,2% và đến tháng 10, xu hướng rút ngắn khoảng cách này đang được thể hiện khi chỉ còn giảm 21,7%.
Trong 27 mặt hàng nhập khẩu được liệt kê, chỉ có lúa mỳ và tân dược tăng về kim ngạch, lần lượt là 8,8% và 26,8%. Còn lại, 25 mặt hàng đều giảm về kim ngạch, trong đó, thức ăn gia súc và nguyên phụ liệu giảm tới 87,2%; xăng dầu giảm 47,9%; sắt thép giảm 30,7% (riêng phôi thép giảm 43,6%)…
Xét về lượng, đa số các mặt hàng xuất khẩu đều tăng, trong đó, nhập khẩu lúa mỳ 10 tháng đầu năm 2009 tăng 85,7%; phân bón tăng 30,1%; chất dẻo tăng 26,5%...
(Theo Anh Quân // VnEconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com