Trước tình hình trì trệ của ngành sản xuất và thị trường các sản phẩm rèn và đúc ở EU, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu những mặt hàng này sang EU đang chịu nhiều tác động bất lợi. Năm 2010, cơ hội bắt đầu hé mở cho các doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường thiết bị điện.
Theo nhiều chuyên gia, cạnh tranh gay gắt tại EU sẽ dẫn đến áp lực về giá và lợi nhuận nhỏ hơn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng cần tính toán cơ cấu lại mô hình tổ chức để giảm thiểu chi phí hoạt động, tuy nhiên đây chưa phải là vấn đề thực sự cấp bách trong giai đoạn hiện nay do thị trường nội địa vẫn là thị trường chính của doanh nghiệp Việt Nam. Nhưng ở Ấn Độ, do xuất khẩu mạnh các sản phẩm rèn và đúc sang EU nên thực tế cho thấy nhiều nhà sản xuất của nước này đã phải tổ chức lại doanh nghiệp bằng cách sáp nhập để kết hợp và tăng cường nguồn lực.
Các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm rèn và đúc sang EU cũng phải đối mặt với sức ép tài chính do khách hàng EU muốn kéo dài thời hạn thanh toán. Tuy nhiên, thách thức chính vẫn là việc nhiều khách hàng EU đang đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng sản phẩm và không chấp nhận sản phẩm chất lượng kém. Đã có nhiều trường hợp, các nhà sản xuất ở nước đang phát triển khác phải đến thăm khách hàng EU tới 3 lần trong 1 năm để giải quyết các vấn đề rắc rối đối với chất lượng đúc của sản phẩm. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải hết sức chú trọng đến vấn đề này.
Khách hàng EU ngày nay ít kiên nhẫn hơn. Họ không muốn đầu tư thời gian và tiền bạc vào một nhà cung cấp mới không có khả năng bảo đảm 100% hàng có chất lượng. Thêm vào đó, thời gian yêu cầu giao hàng ngắn tạo nên rào cản thực sự cho các doanh nghiệp Việt Nam, khiến doanh nghiệp Việt Nam ít có lợi thế cạnh tranh hơn về điểm này so với các doanh nghiệp ở Trung Đông hoặc Bắc Phi.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm rèn và đúc của Việt Nam sang EU vẫn có thể lạc quan về những cơ hội nảy sinh trong khủng hoảng nếu nỗ lực tìm ra những cách đi khác giúp xuất khẩu vượt qua con đường khó. Khách hàng EU đang tăng mức độ tập trung vào việc giảm chi phí và sẵn sàng làm việc với các nhà cung cấp mới, nhất là những nhà cung cấp có sản phẩm chất lượng tốt, nhất quán và giá cả hợp lý. Do có chi phí nhân công rẻ hơn so với nhân công tại EU nên các doanh nghiệp Việt Nam đang có lợi thế so sánh về giá. Như vậy, về mặt lý thuyết, kinh tế suy thoái có thể làm gia tăng nhu cầu với nhóm hàng giá rẻ như sản phẩm thay thế do khách hàng EU có xu hướng thắt chặt hầu bao bằng cách chuyển đổi nhà cung cấp. Đồng thời, để doanh nghiệp bớt khó khăn, Nhà nước cũng đã và đang hỗ trợ giúp cá doanh nghiệp xuất khẩu như giảm lãi suất cho vay, điều chỉnh mức tỷ giá hợp lý để kích thích xuất khẩu…
Những phân đoạn hứa hẹn nhất trên thị trường EU mà các doanh nghiệp Việt Nam nên nhắm tới là thị trường mô-tơ điện và thiết bị điện (tuốc-bin). Rõ ràng, nhu cầu cao cho các giải pháp điện hiệu quả về năng lượng đang tiếp diễn ở EU, và xu hướng dài hạn ở nhiều ngành công nghiệp do những giải pháp này cung cấp không chỉ ở việc giảm chi phí mà còn giảm lượng khí CO2 thải ra môi trường. Những phân đoạn thị trường quan trọng khác cho sản phẩm rèn và đúc hiện vẫn đang phát triển tốt ở EU là máy nông nghiệp, thiết bị thực phẩm, thiết bị y tế và các sản phẩm với thời gian giao hàng tương đối dài như sản phẩm cho ngành đường sắt (trong quý đầu năm 2009, nhu cầu của phân đoạn thị trường này đã tăng lên 5%), những sản phẩm đúc khuôn lớn và các sản phẩm đúc bằng thép không gỉ.
Khủng hoảng hiện nay cũng sẽ tạo ra những cơ hội mới cho các nhà xuất khẩu trong trung và dài hạn. Đầu tiên, sự phá sản dự tính của một số nhà sản xuất sản phẩm rèn và đúc ở EU sẽ tạo chỗ trống về nguồn cung trên thị trường cho các doanh nghiệp ở các nước đang phát triển nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Tiếp theo, trong những năm tới, khi triển vọng thị trường sáng sủa hơn, nhiều hãng sản xuất của EU thay vì việc tái mở rộng sản xuất sẽ chuyển sang thuê ngoài sản xuất ở các nước đang phát triển và Việt Nam là một trong những đích đến rất tiềm năng.
(Vinanet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com