Theo Tổng công ty Khí VN, năm nay nguồn gas trong nước từ hai nhà máy Dinh Cố và Dung Quất sẽ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu thị trường. Và người tiêu dùng đang kỳ vọng giá gas sẽ không còn tình trạng tăng giảm thất thường.
Kể từ khi VN có nhà máy chế biến khí hóa lỏng (gas) đến nay, đây sẽ là năm đầu tiên trong hơn một thập niên qua nguồn cung cấp trong nước không còn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu. Chủ động được 90% Còn nhớ cách đây ba năm, khi các nhà máy ở Thái Lan cắt hết nguồn cung cấp cho VN trong khi giá trên thế giới tăng đột biến, giám đốc một công ty gas nói lúc đó doanh nghiệp VN chỉ biết chấp nhận vì ở thế yếu. Còn bây giờ ông lạc quan: “Nguồn sản xuất trong nước đã vượt trội, tôi cho rằng đây là bước ngoặt của ngành gas VN vì mình không còn lép vế nữa. Nguồn cung mà chủ động được thì sẽ chủ động được các vấn đề khác!”. Theo tính toán của Tổng công ty Khí VN, qua năm tháng hoạt động, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã cung cấp cho thị trường 95.000 tấn gas. Dự kiến số này là 450.000 tấn trong năm 2010. Nhiều doanh nghiệp lạc quan, bởi nếu cộng với nguồn gas từ Nhà máy xử lý khí Dinh Cố, dự kiến khoảng 220.000 tấn, lượng gas sản xuất trong nước sẽ đáp ứng 60% nhu cầu thị trường. Cộng với việc Tổng công ty Khí VN thuê kho nổi có sức chứa 45.000 tấn để chủ động nguồn nhập khẩu, một chuyên gia trong ngành nhận định nguồn cung mà VN có thể chủ động được đến nay đã lên đến 90% nhu cầu. Tuy nhiên, nguồn cung cấp gas sản xuất trong nước lại đang bị phân tán. Tổng công ty Khí VN đóng vai trò đầu mối phân phối sỉ nhằm tạo sự ổn định cho thị trường nội địa. Nhưng nhiệm vụ này hiện rất nửa vời bởi đơn vị này vừa nhập khẩu vừa bán đấu giá 50% nguồn từ Nhà máy Dinh Cố (50% còn lại bán cho hai công ty thành viên không thông qua đấu giá là Công ty cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam và Công ty cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc). Trong khi đó, nguồn từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất lại giao trực tiếp cho hai công ty trên. Sự phân tán về đầu mối cung cấp nguồn này đã dẫn đến rối loạn giá gas trong thời gian qua. Mua bán lòng vòng đẩy giá lên cao Với nguồn cung áp đảo từ trong nước, không phải chịu thuế nhập khẩu (5%), chi phí cho bảo hiểm và vận chuyển quốc tế (khoảng 70 USD/tấn) không còn, giá gas bán lẻ trong nước có đầy đủ yếu tố để có thể thấp hơn giá thế giới. Tuy nhiên, nhiều công ty gas đều cho rằng giá không thể rẻ hơn. Các công ty gas cho biết khi mua gas từ nguồn Dinh Cố phải tính theo giá thế giới. Nghĩa là dù sử dụng nguồn trong nước để bán nhưng nhà cung cấp vẫn tính 5% thuế nhập khẩu vào cơ cấu giá. Vì thế, với giá thế giới hiện nay là 736 USD/tấn, chỉ tính riêng khoản thuế, nếu mua mỗi bình gas từ nguồn trong nước, người tiêu dùng bị “oan” đến hơn 8.000 đồng. Ngoài ra, các công ty gas cho biết mua từ nguồn trong nước nhưng phải trả các khoản chi phí vận chuyển quốc tế kèm bảo hiểm theo giá nước ngoài. Trong khi đó, Công ty cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam và Công ty cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc không chỉ được ưu tiên tiếp cận nguồn gas Nhà máy Dinh Cố mà cả từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong giai đoạn chạy thử nghiệm. Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (PetroVietnam) ưu tiên chỉ định hai đơn vị trên bao tiêu nguồn gas Dung Quất có lẽ vì muốn hai đơn vị bán lẻ này bán trực tiếp cho người tiêu dùng với giá hợp lý, thay vì qua Tổng công ty Khí - đơn vị thuần túy bán sỉ - giá sẽ bị đội lên. Nhưng thực tế nguồn gas này cũng lại chạy lòng vòng trước khi đến được tay người tiêu dùng nên không thể có giá rẻ hơn giá nhập khẩu. Giá gas hai công ty này mua từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất bao nhiêu không ai rõ, nhưng một số công ty gas phía Nam cho biết giá mua lại từ Công ty cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam thấp hơn giá thị trường đến 10 USD/tấn. Lâu nay thông tin về nguồn gas trong nước bị bán lòng vòng chỉ là tin đồn thì vừa qua Thanh tra Bộ Tài chính đã chứng minh đó là sự thật. Theo công bố mới đây của Thanh tra Bộ Tài chính, thực tế Tổng công ty Khí đã bán gas từ nguồn Dinh Cố cho các đơn vị đầu mối với giá thấp hơn giá nhập khẩu tại cùng thời điểm. Tuy nhiên, một số đơn vị mua gas sản xuất trong nước của Tổng công ty Khí VN nhưng không bán trực tiếp đến người tiêu dùng mà bán lại cho các đơn vị đầu mối kinh doanh khác gây ra hiện tượng mua bán lòng vòng đẩy giá lên cao, nhất là với Công ty cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc và Công ty cổ phần Kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam. Theo Thanh tra Bộ Tài chính, hai công ty này nhập khẩu khoảng 30% sản lượng tiêu thụ, 70% sản lượng gas mua từ Tổng công ty Khí. Thanh tra Bộ Tài chính cho rằng việc tham gia bình ổn giá của Tổng công ty Khí là hoàn toàn có thể thực hiện được nhưng trên thực tế chưa làm được. Điều đáng nói là đợt thanh tra này được tiến hành khi nguồn gas trong nước chưa có thêm nguồn từ Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Lâu nay các công ty kinh doanh gas cho rằng do không chủ động được nguồn gas, phụ thuộc nhập khẩu nên giá trong nước không bình ổn được. Vì vậy, với 60% nguồn gas được sản xuất trong nước, người tiêu dùng - người đã đóng thuế để xây những nhà máy kia - hoàn toàn có quyền được hưởng lợi từ thành quả này.
(Báo Tuổi Trẻ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com