Năm 2010, song song với mục tiêu tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trên 6% so với năm 2009, tương đương 59,9 tỷ USD, Quốc hội cũng đặt ra yêu cầu phải có cơ chế kiểm soát nhập siêu hiệu quả, tiến tới cải thiện cán cân thương mại.
Mặc dù đã lên phương án khá cụ thể để đối phó với tình trạng nhập siêu theo hướng kiểm soát nhập khẩu những mặt hàng trong nước sản xuất được, kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu hàng tiêu dùng... nhưng thực tế nhiều năm qua cho thấy nhập khẩu thường tăng trưởng cao hơn XK. Năm 2009, tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu là 20,7%, giảm 8,1% so với năm 2008 (28,8%) nhưng nhập siêu cả năm 2009 vẫn ở mức cao, gần 12 tỷ USD.
Theo phân tích của Bộ Công Thương, nhập siêu gia tăng chủ yếu do nhập hàng tiêu dùng. Một số nguyên nhân được cho là đã kích thích hàng tiêu dùng nhập khẩu tăng: đồng USD mất giá so với các đồng ngoại tệ khác như yên Nhật, euro, nhân dân tệ... dẫn đến giá nhập khẩu từ các thị trường này tăng; tác động tích cực từ gói kích cầu của Chính phủ đã làm tăng sức mua và tiêu dùng của xã hội. Đồng thời, nền kinh tế đã bước qua giai đoạn khó khăn và người tiêu dùng nới lỏng chi tiêu đối với nhiều mặt hàng như đồ điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, ô tô... Cung tiền lớn do gói kích cầu và các ngân hàng nới lỏng cho vay tiêu dùng linh hoạt, cho vay tín chấp cũng là một trong những nguyên nhân. Các mặt hàng máy móc thiết bị điện sử dụng trong gia đình (tivi LCD, Plasma, tủ lạnh, điều hòa, máy giặt…) giá giảm mạnh do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng và thuế nhập khẩu từ các nước ASEAN thấp 0-5% nên khiến cho sức mua của người dân tăng mạnh. Tỷ giá VNĐ/USD được duy trì ở mức thấp trong một thời gian dài có lợi cho nhập khẩu. Giá cả hàng hóa của thế giới giảm mạnh, trong khi đó giá hàng hóa Việt Nam lại không giảm, dẫn đến hút hàng hóa nước ngoài vào; các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu ô tô các tháng cuối năm để hưởng lợi từ gói kích cầu do được giảm 50% thuế VAT và 50% lệ phí trước bạ sẽ kết thúc sau ngày 31/12/2009.
Chính vì vậy, cùng với việc đặt mục tiêu XK năm 2010 ở mức 59,9 tỷ USD (tăng 6%) so với năm 2009 thì Bộ Công Thương dự kiến kim ngạch nhập khẩu năm 2010 khoảng 74,4 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2009. Khống chế nhập siêu hàng hóa năm 2010 khoảng 14,5 tỷ USD (bằng mức nhập siêu năm 2007) tỷ trọng nhập siêu/xuất khẩu ở mức 24,3%.
Nhưng do cơ cấu xuất nhập khẩu lạc hậu nên Bộ Công Thương dự báo, việc áp dụng các biện pháp để giảm nhập siêu sẽ vẫn chưa thực sự đem lại kết quả như mong muốn. Theo Bộ Công Thương, tăng trưởng nhập khẩu năm 2010 khó có thể thấp hơn 9% vì kinh tế thế giới phục hồi, nhu cầu và giá cả hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu tiếp tục tăng (giá dầu thô hiện trong khoảng 70-80 USD/thùng, tăng mạnh so với các tháng đầu năm 2009). Giá bình quân nhập khẩu nhiều mặt hàng các tháng cuối năm 2009 tăng mạnh so với các tháng đầu năm, đặc biệt một số mặt hàng có giá tăng mạnh như dầu thô, sắt thép, phân bón, chất dẻo… Nếu lấy giá các tháng cuối năm 2009 để tạm tính cho năm 2010 (giá bình quân 3 tháng cuối năm tăng khoảng 10% so với bình quân cả năm 2009 ) thì với lượng nhập khẩu không thay đổi, kim ngạch nhập khẩu năm 2010 cũng sẽ tăng khoảng 10% hoặc hơn.
Cùng với đó, các dự án đầu tư nước ngoài đăng ký trong những năm vừa qua sẽ được giải ngân nhiều hơn trong năm 2010 do kinh tế phục hồi, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu sẽ tăng. Các chương trình kích cầu sản xuất - đầu tư - tiêu dùng phát huy tác dụng sẽ dẫn đến nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu như sắt thép, vật liệu xây dựng, xăng dầu… tăng cao. Các doanh nghiệp sẽ tận dụng cơ hội từ Chương trình hỗ trợ lãi suất của Chính phủ (trung hạn và dài hạn) để mua sắm máy móc thiết bị nhập khẩu từ nước ngoài, đồng thời tận dụng cơ hội giá rẻ từ thị trường thế giới. Năng lực sản xuất trong nước được nâng cao thì nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ đầu tư, xây dựng, sản xuất, XK cũng gia tăng.
Để kiểm soát nhập siêu, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp mạnh tay như: tiếp tục kiểm soát và hạn chế cho vay nhập khẩu hàng tiêu dùng. Chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạn chế tối đa việc cấp ngoại tệ và cho vay VNĐ để nhập khẩu ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, điện thoại di động và thực phẩm; hạn chế cho vay tiêu dùng trong nước đối với ô tô, hàng tiêu dùng. Bộ Công Thương căn cứ theo tình hình cụ thể tiếp tục quản lý nhập khẩu bằng giấy phép tự động để kiểm soát nhập khẩu đối với các mặt hàng tiêu dùng. Có thể xem xét nâng thời hạn cấp phép nhập khẩu tự động lên trên 5 ngày và kiểm soát chặt việc xác nhận thanh toán qua ngân hàng của doanh nghiệp nhập khẩu xuất trình. Tăng cường kiểm soát nhập khẩu trước khi thông quan đối với hàng hóa thuộc: Danh mục hàng tiêu dùng phải nộp thuế trước khi thông quan; Danh mục hàng hóa phải kiểm tra nhà nước về chất lượng; Danh mục hàng hóa phải kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bộ Công Thương cũng sẽ đề nghị các Bộ, ngành có liên quan "vào cuộc" để hạn chế nhập siêu. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu và sử dụng hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra giám sát chất lượng hàng nhập khẩu như rau quả, thực phẩm, có quy trình kiểm tra chặt chẽ hơn để đảm bảo chất lượng và hạn chế nhập khẩu các mặt hàng này. Các Tập đoàn, các Tổng công ty Nhà nước, các doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm đưa các dự án đầu tư về điện, phân bón, thép, cơ khí, dệt may vào sản xuất nhằm thay thế các mặt hàng nhập khẩu, góp phần giảm nhập siêu.
Theo tính toán của Bộ Công Thương, nếu giữ tỷ lệ nhập siêu/xuất khẩu năm 2010 bằng 20% thì nhập khẩu phải ở mức 71,9 tỷ USD, tăng 5,3% so với năm 2009 và nhập siêu 12 tỷ USD. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên, nhập khẩu năm 2010 sẽ khó tăng trưởng thấp hơn 9% kể cả trong trường hợp áp dụng quyết liệt các biện pháp nhằm hạn chế nhập siêu. Hơn nữa, các biện pháp kiềm chế nhập siêu hiện chưa "hóa giải" ngay được nguyên nhân chính dẫn tới nhập siêu là ở cơ cấu nhập khẩu. Hiện nay, các biện pháp nhằm hạn chế nhập siêu chủ yếu tập trung vào nhóm các mặt hàng hạn chế nhập khẩu (hàng tiêu dùng): ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ, linh kiện ô tô dưới 9 chỗ, linh kiện và phụ tùng xe gắn máy. Tuy nhiên, tỷ trọng của nhóm này rất thấp 8,8% trong tổng kim ngạch nhập khẩu. Đối với nhóm mặt hàng cần phải kiểm soát gồm các mặt hàng: sản phẩm từ thép, đá quý, kim loại quý, hàng hóa khác… cũng mới chiếm tỷ trọng 8,6% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Trong khi đó, nhóm hàng cần nhập khẩu chiếm tỷ trọng 82,6%, gấp 10 lần nhóm hàng hạn chế nhập siêu lại khó áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu. Dự kiến, kim ngạch nhập khẩu năm 2010 của nhóm hàng này sẽ đạt 61,8 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2009. Đây là nhóm hàng thiết yếu, là đầu vào cho sản xuất và xuất khẩu, do đó phải đảm bảo và tạo thuận lợi cho nhập khẩu để ổn định sản xuất không áp dụng các biện pháp hành chính và kinh tế để quản lý. Nên việc áp dụng các biện pháp để giảm nhập siêu chưa thực sự đem lại kết quả như mong muốn ngay trong năm 2010.
(Công Thương)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com