Với mức tăng mạnh trong tháng 2 vừa qua và gần “trung hoà” được bước giảm mạnh trong tháng 1 trước đó, theo lô gích hình thức, bức tranh xuất khẩu của nước ta đã xuất hiện một số điểm rất đáng quan tâm.
Trước hết, theo số liệu thống kê chính thức, với 3,719 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1/2009 đã giảm tới 24,36% so với cùng kỳ năm 2008. Tiếp theo, trong tháng 2 vừa qua, với mức tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu đã đạt trên 4,3 tỷ USD.
Tính chung 2 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 8 tỷ USD, bằng 94,9% so với cùng kỳ năm 2008. Mặc dù không đạt mức tăng so với cùng kỳ năm 2008, nhưng có thể nói, sự suy giảm trong hoạt động xuất khẩu với mức giảm như trên vẫn còn là tín hiệu đáng mừng đối với nền kinh tế Việt Nam trong điều kiện như hiện nay.
Nhận định này dựa trên hai căn cứ chủ yếu sau:
--Thứ nhất, sự suy giảm nói trên không bắt nguồn từ sự giảm sút một loạt mặt hàng sản xuất trong nước, mà hoạt động xuất khẩu nhiều sản phẩm “Made in Vietnam” đích thực vẫn tiếp tục được đẩy mạnh. Số liệu thống kê cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu 2 tháng vừa qua của 8 mặt hàng chủ yếu (gồm dầu thô, cà phê, gạo, than đá, cao su, hạt điều, hạt tiêu và chè) chỉ đạt khoảng 2,21 tỷ USD, giảm trên 22% so với cùng kỳ năm 2008.
Thế nhưng, nếu quy ra giá cùng kỳ năm 2008, thì tổng giá trị xuất khẩu 8 mặt hàng này trong cùng thời gian trên phải đạt 3,573 tỷ USD, tức tăng 735 triệu USD (khoảng 25,9%).
Như vậy, cho dù vẫn tiếp tục đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu hàng hoá ra thị trường thế giới, nhưng khoản thua thiệt mà chúng ta phải gánh chịu do giá thế giới giảm đối với những mặt hàng này đã lên tới 1,32 tỷ USD, bằng 59,97% kim ngạch nhập khẩu. Điều đó cho thấy, cho dù bị thua thiệt do giá thị trường thế giới rơi tự do, nhưng trên thực tế, sản xuất của nước ta vẫn được đẩy mạnh.
--Thứ hai, trong điều kiện giá cả thị trường thế giới rơi tự do bởi những tác động của khủng hoảng và trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của nhiều nền kinh tế ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu, thì tác động tiêu cực của thị trường thế giới đối với các nền kinh tế đó càng lớn. Với riêng Việt Nam, những tác động đó đã được hạn chế rất nhiều.
Một điểm đáng chú ý nữa trong bức tranh xuất khẩu 2 tháng vừa qua là nếu xét trên bình diện tổng thể, thì nền kinh tế Việt Nam hiện có độ mở đầu ra xuất khẩu rất lớn so với nhiều nước trong khu vực. Đó là, với tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 62,68 tỷ USD trong năm 2008 vừa qua, tỷ trọng của đầu ra này chiếm tới 70% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Trong khi đó, sau 7 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), xuất khẩu của Trung Quốc đã liên tục tăng với tốc độ phi mã (27,13%/năm), trở thành cường quốc xuất khẩu số 1 thế giới, với tổng kim ngạch xuất khẩu trên 1.420 tỷ USD. Với con số lớn như vậy, nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu mới chiếm khoảng 39,9% GDP của Trung Quốc trong năm 2008 (năm 2007, tỉ trọng này là 16,29%).
( Theo báo Đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com