Khách chọn mua tập vở tại một hội chợ được tổ chức ở quận 5, TPHCM. Ảnh: Uyên Viễn. |
Trong khi nhiều doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế trong nước không giấu được sự lo lắng, bất an khi nhận thấy hàng hóa Trung Quốc đang lấn át hàng nội địa thì một số doanh nghiệp nhỏ và vừa đã biết cách tìm cho mình một hướng đi riêng để đương đầu với làn sóng trên.
Hiểu mình, biết người Những năm trước, Công ty cổ phần Mỹ thuật Gia Long (quận Gò Vấp, TPHCM) chuyên xuất khẩu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làm bằng nhựa sang châu Âu, Hàn Quốc dự cảm được doanh số xuất khẩu sang các thị trường này sẽ giảm đáng kể nên đã quyết định thay đổi chiến lược kinh doanh. Ông Trần Việt Tiến, Giám đốc công ty, cho biết công việc đầu tiên của Gia Long là khảo sát thị trường, đánh giá hàng ngoại nhập có cùng chủng loại của Thái Lan, Trung Quốc đang hiện diện tại các thành phố lớn trên cả nước. Họ mạnh về dòng sản phẩm gì, còn yếu và thiếu ở điểm nào. Có thông tin chi tiết của đối thủ ngoại trong tay, ông Tiến thở phào nhẹ nhõm vì kế hoạch mà công ty sắp triển khai để đối đầu trực diện với hàng nhập khẩu hoàn toàn có cơ sở để tiến hành. Gia Long cũng là thương hiệu uy tín trong lĩnh vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, do đó việc thiết lập quan hệ với đại lý, nhà phân phối đồ trang trí nội thất như hệ thống Nhà Xinh, Nhà Đẹp, Rossano… ở các địa phương cũng khá thuận lợi. “Mỗi tỉnh, thành công ty chỉ chọn 1-2 nhà phân phối”, ông Tiến nói. Công ty Gia Long chọn phân khúc khách hàng có mức thu nhập trung bình khá, thiết kế riêng cả chục bộ sưu tập trang trí nội thất, từ tranh, đèn cho đến khung gương, đồng hồ… có kiểu dáng phong phú hơn đối thủ ngoại, giá cả thì thấp hơn khoảng 10-20%. Từ giữa năm 2008, Công ty cổ phần Giấy tập Lệ Hoa (quận Bình Tân, TPHCM) đã kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh khi nhận ra dòng sản phẩm sổ, tập vở… từ Trung Quốc, Thái Lan vào Việt Nam ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Bên cạnh đó, sự lan tỏa của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động khá nhiều đến mảng xuất khẩu của Lệ Hoa. Theo ông Lữ Trung Đạt, cố vấn Công ty Giấy tập Lệ Hoa, đặc tính chung của hàng hóa có nguồn gốc Trung Quốc (loại hai, loại ba) là giá rẻ, hợp thị hiếu người tiêu dùng, tuy nhiên chất lượng thì không thể tốt hơn hàng Việt Nam. Ông Đạt thừa nhận các doanh nghiệp Trung Quốc nghiên cứu hành vi tiêu dùng của người Việt Nam rất chuyên nghiệp. Họ chịu đầu tư, đôi khi họ hiểu tâm lý người Việt Nam hơn là doanh nghiệp ở trong nước. Đây là điều các doanh nghiệp trong nước cần suy nghĩ! Quay lại thị trường trong nước, trong năm 2009, phần đầu ra sản phẩm Lệ Hoa đã giao cho Công ty TNHH Văn phòng phẩm Thiệu Hoa chuyên lo phân phối, còn đầu vào thì Lệ Hoa hợp tác với Công ty TNHH một thành viên Lê Quang Lộc. Phần mình, Lệ Hoa chỉ tập trung vào việc sản xuất và nghiên cứu. Ông Đạt cho biết trong giai đoạn này, để đối phó với hàng giá rẻ, kém chất lượng chiến lược kinh doanh của Lệ Hoa là chấp nhận sản xuất các dòng sản phẩm với nhiều mức giá khác nhau, chất lượng tốt hơn để người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn. Trong khi đó Công ty cổ phần Đình Quốc (DQ - quận Tân Bình, TPHCM), trước đây từng vạch ra mục tiêu hướng đến phân khúc trung và cao cấp cho nên hàng giá rẻ của Trung Quốc ảnh hưởng không đáng kể. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2009, DQ có sự điều chỉnh chiến lược. Theo ông Đoàn Đình Quốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị DQ, đối với hàng giá rẻ của Trung Quốc, các doanh nghiệp Việt Nam không thể một sớm một chiều có sách lược đối phó, vấn đề là tự thân mỗi doanh nghiệp phải có cách quan tâm, cách thể hiện sản phẩm như thế nào để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hoặc nâng cao kiến thức tiêu dùng của khách hàng trong nước. “DQ không chọn cách cạnh tranh về giá mà liên tục tạo ra sản phẩm mới, để thâm nhập sâu và rộng vào phân khúc cấp thấp và trung bình vốn còn rất nhiều tiềm năng tại thị trường nội địa”, ông Quốc nói. Cũng theo ông Quốc, lực lượng 2.200 đại lý hoạt động trên cả nước được xây dựng trong suốt 10 năm qua là lợi thế cạnh tranh lâu dài của công ty. Lĩnh vực hàng da giày, dệt may Việt Nam cũng đang bị hàng giá rẻ Trung Quốc áp đảo ngay trên “sân nhà”. Ông Hồ Viết Lý, Giám đốc Công ty TNHH Dệt lụa tơ tằm Toàn Thịnh (quận Tân Bình, TPHCM), cho biết giải pháp mang tính chiến lược của công ty trong tình cảnh này là tập trung phát triển dòng sản phẩm lụa tơ tằm thân thiện với môi trường (xem bài Thêm hương sắc cho lụa, TBKTSG số ra ngày 22-10-2009). Ông Lý cho rằng, trong kinh doanh tự thân mỗi doanh nghiệp phải hiểu mình đang yếu ở điểm nào và có lợi thế gì để đề ra sách lược đối phó với hàng ngoại nhập. “Cái gì hàng ngoại chưa làm được thì mình phải biết cách tận dụng, mạnh dạn chiếm lĩnh người tiêu dùng trong nước ngay”, ông nói. Những xu thế đáng lưu tâm Hầu hết các doanh nghiệp được đề cập ở trên đều cho rằng “năm thử thách 2009” sẽ trở nên có ý nghĩa nếu doanh nghiệp biết biến những nguy cơ trong thời khủng hoảng thành cơ hội để phát triển trong tương lai. Theo một số doanh nghiệp, để doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển bền vững, có đủ nguồn lực vượt qua “năm thử thách”, họ cần phải được hỗ trợ bằng những chính sách cụ thể, rõ ràng và phù hợp với các điều kiện sẵn có. “Mặc dù các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua đã được triển khai nhưng rất tiếc là không đến được các doanh nghiệp nhỏ, nếu có đến được thì mức hỗ trợ cũng không đáng kể, hoặc do doanh nghiệp không đủ điều kiện để hưởng chính sách đó, mặc dù ở Việt Nam doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn 80%”, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm ở huyện Củ Chi, TPHCM, nói. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, khi tham dự hội thảo “Nguồn lực cho doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn sau khủng hoảng”, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại TPHCM hồi tháng trước, cũng cho rằng thị trường nội địa vẫn đang bị tác động của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu và có nhiều khả năng sẽ tiếp tục kéo dài. “Năm 1997, Việt Nam chịu sự ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính trong khu vực nhưng mãi đến năm 2005 nền kinh tế mới hồi phục. Còn hiện nay chúng ta lại chịu sự tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và theo dự đoán của cá nhân tôi, Việt Nam khó tăng trưởng hoàn toàn sau năm 2010. Chính vì thế ngay từ bây giờ các doanh nghiệp trong nước nên chuẩn bị nguồn lực cạnh tranh cho mình trong 5-10 năm tới”, bà Lan nhận định. Bà Lan cho rằng, trong 5-10 năm tới các doanh nghiệp trong nước sẽ vào cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt trước sự đổ bộ của các công ty nước ngoài vào Việt Nam vì các rào cản thương mại trong nước và ở khu vực dần được tháo gỡ. “Chúng ta đang triển khai chiến dịch kêu gọi người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, tôi nghĩ là không dễ vì hàng hóa của các công ty đa quốc gia đã và đang thâm nhập vào khắp “hang cùng ngõ hẻm” của Việt Nam. Các doanh nghiệp trong nước rất dễ bị “nốc ao”, mất ưu thế cạnh tranh vì đến chỗ nào cũng đụng phải hàng hóa của đối thủ”, bà Lan nhận định. Theo gợi ý của bà Lan, các doanh nghiệp trong nước cần nhanh chóng nâng cấp các yếu tố tạo nên năng lực cạnh tranh. Thứ nhất, tạo liên kết giữa các nhóm công nghiệp như ngành sản xuất cốt lõi, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ hỗ trợ, nguồn nhân lực, phương tiện và dịch vụ hậu cần, nghiên cứu, phát triển và mở rộng chuỗi giá trị gia tăng. Thứ hai, mở rộng quy mô bán hàng trên thị trường khu vực, kiểm soát mạng phân phối quốc tế, xây dựng những thương hiệu mạnh, khả năng hấp thu công nghệ bên ngoài, tham gia các chuỗi sản xuất - kinh doanh khu vực và toàn cầu. Thứ ba, mở rộng đầu tư ra bên ngoài bằng cách mua lại các công ty của các nước khác, phát huy vai trò các hiệp hội, sẵn sàng vượt qua các hàng rào kỹ thuật, đối phó với các tranh chấp thương mại, kể cả chủ động tự bảo vệ và tấn công khi cần. Hàng giả, hàng nhái được ưa chuộng vì giá rẻ, mẫu mã đẹp Bộ phận Quyền sở hữu trí tuệ thuộc Thương vụ Ý tại Việt Nam, Công ty Nghiên cứu thị trường A.C. Nielsen và Công ty Luật Rouse đã công bố kết quả điều tra tình hình hàng giả ở Việt Nam được thực hiện tại Hà Nội và TPHCM. Theo đó, ở TPHCM, hàng giả, hàng nhái thường do các cơ sở trong nước sản xuất (chiếm 65%), trong khi ở Hà Nội hàng giả chủ yếu đến từ Trung Quốc (chiếm 83%). Các sản phẩm may mặc bị làm giả nhiều nhất tại TPHCM, trong khi ở Hà Nội là hàng kim khí điện máy và dược phẩm. Bà Catherine Eddy, Giám đốc điều hành, nghiên cứu khách hàng Việt Nam và Indonesia tại Công ty A.C. Nielsen, cho biết những người bán lẻ ở Hà Nội cho rằng nguyên nhân họ bán hàng nhái, hàng giả vì giá mềm hơn nên dễ bán, còn người bán lẻ ở TPHCM thì cho rằng lợi nhuận cao khiến họ vẫn còn bán hàng nhái, hàng giả. Khi gặp gỡ trực tiếp với khách mua hàng, phần lớn cho biết họ không thích mua phải hàng giả, hàng nhái (83%), tuy nhiên nhờ những ưu điểm về giá (81%) và mẫu mã thiết kế đẹp, bắt mắt (71%) nên họ đã mua. “Khách hàng thậm chí đánh giá hàng dệt may ít nguy hại hơn và chính vì vậy, việc mua hàng chính hiệu không quan trọng như hàng kim khí điện máy và dược phẩm,” bà Eddy cho biết thêm. Trung Châu
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com