Quay về với thị trường nội địa, nhất là thị trường nông thôn, đã trở thành xu hướng được các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm trong thời gian gần đây.
Bất chấp sự suy giảm của sức mua thị trường, mới đây, Công ty Tân Hiệp Phát (TP.HCM), nổi tiếng với sản phẩm NumberOne, Trà xanh không độ…, vẫn tung ra thị trường một sản phẩm mới: Trà thảo mộc Dr. Thanh. Ban đầu, Công ty dự định mở rộng thị trường xuất khẩu, song vì suy giảm kinh tế toàn cầu, nên đã chuyển hướng để tập trung phát triển và củng cố, mở rộng hệ thống phân phối ở thị trường trong nước, đồng thời tung ra các sản phẩm mang lại sức khỏe cho người tiêu dùng.
“Với nguồn ngân sách eo hẹp, chúng tôi phải hoạch định cẩn thận, làm đúng ngay từ đầu, đầu tư nghiên cứu nhu cầu thị trường, người tiêu dùng, nghiên cứu sản phẩm để đáp ứng nhu cầu khách hàng”, ông Trần Quý Thanh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của Tân Hiệp Phát cho biết.
Theo ông Thanh, năm nay, xu hướng tiêu dùng sẽ tiếp tục giảm mạnh và chỉ tập trung vào những mặt hàng thiết yếu. Tuy nhiên, đây cũng chính là thời điểm để các doanh nghiệp Việt Nam tự làm mới mình. Với tất cả những biện pháp đang áp dụng, ông Thanh tin tưởng, việc kinh doanh của Tân Hiệp Phát vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2009.
Tương tự như vậy, Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn cũng đang quán triệt Chiến lược 3A (Availability - sẵn có; Affordability - nhất quán; Caaeptability - chấp nhận). Chẳng hạn, Công ty thường xuyên thăm khách hàng và giao hàng đúng giờ, đảo hàng để đảm bảo hàng luôn mới mẻ, lau bụi trên sản phẩm, hay nhanh chóng chiếm vị trí tốt nhất tại mọi điểm bán…, để thu hút khách hàng nội địa.
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều công ty đang nỗ lực thu hút khách hàng nội địa đến với sản phẩm của mình, cho dù những sản phẩm hiện thời của cả 2 công ty này được bán khá chạy tại thị trường Việt Nam. Chia sẻ với các doanh nghiệp khác kinh nghiệm kinh doanh tại thị trường nội địa, cả 2 vị tổng giám đốc của 2 công ty trên dường như đều đang hướng tới Chương trình Hàng Việt vì người Việt vượt qua lạm phát, mà Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA, thuộc Câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao) thực hiện từ năm ngoái.
Chương trình này, theo bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA, trong năm qua đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như phiên chợ công nhân, kết nối bán hàng đặc sản cho nông dân ở TP.HCM, đại sứ hàng Việt…, để kêu gọi người Việt Nam ủng hộ hàng Việt Nam. “Sự ủng hộ của người tiêu dùng Việt chính là một thứ quyền lực mềm, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn hiện nay”, bà Hạnh nói và cho biết, trong năm 2009, Chương trình sẽ tiếp tục được mở rộng.
Thậm chí, ông Nguyễn Cẩm Tú, Thứ trưởng Bộ Công thương cũng đã tuyên bố, Bộ ủng hộ và nhận bảo trợ cho chương trình này. Sự ủng hộ từ phía cơ quan nhà nước, theo bà Hạnh, chắc chắn sẽ mang lại thành công cho Chương trình.
Cũng trong năm 2009, Chương trình sẽ đặc biệt quan tâm đến việc thúc đẩy doanh nghiệp đưa hàng hóa về nông thôn. Đây là nơi mà dư địa vẫn còn rất lớn để phát triển thị trường, nhưng trong những năm qua, đã bị nhiều công ty bỏ quên. “Cái khó nhất trong việc đưa hàng về nông thôn là không cung ứng sản phẩm kịp thời, đứt quãng, đây là điểm doanh nghiệp cần khắc phục.
Thậm chí, phải quan tâm hơn đến việc tăng độ nhận diện thương hiệu Việt Nam tại thị trường nông thôn, xây dựng thói quen tiêu dùng hàng Việt Nam ở nông thôn…”, ông Nguyễn Duy Thuận, từng phụ trách về bán hàng và tiếp thị sản phẩm của các công ty đa quốc gia như Unilever, Nestle… chia sẻ.
Nông thôn là một thị trường rộng lớn, chiếm tới 70% dân số của Việt Nam. Đưa hàng về nông thôn trong thời điểm này là cần thiết, không chỉ để giải quyết trong ngắn hạn, mà cả trong dài hạn, nhằm tránh sự chiếm lĩnh trong nay mai của các nhà phân phối nước ngoài. Tuy nhiên, đưa hàng về nông thôn hay bán hàng ở thị trường nội địa không phải là một câu chuyện dễ dàng, đòi hỏi sự đầu tư bài bản của doanh nghiệp, nếu không muốn thua ngay trên sân nhà.
Để có thể cạnh tranh được, theo nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển, doanh nghiệp cần phân lớp thị trường, xác định đúng đối tượng khách hàng mà mình sẽ hướng tới, phù hợp với lợi thế và khả năng của mình. “Cạnh tranh, như Micheal Porter, cha đẻ của chiến lược cạnh tranh hiện đại đã nói, là phải tạo ra cái phù hợp và bản sắc của riêng mình, chứ không phải là tạo ra cái tốt nhất.
Vì cái tốt nhất thường kèm theo giá cao nhất và như vậy đối tượng tiêu dùng rất hẹp, nhất là trong điều kiện thất nghiệp tăng, thu nhập giảm như hiện nay. Hơn nữa, không phải doanh nghiệp nào cũng làm được cái tốt nhất”, ông Tuyển nói.