Theo báo cáo của Bộ Công thương, mức nhập siêu tăng mạnh nhất của năm 2008 rơi vào thời điểm quý I, khi tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu liên tục tăng mạnh. Tháng 1/2008 tỷ lệ này là 46,6%, tháng 2 là 63% và đỉnh cao nhất là tháng 3 lên tới 71,7%, đưa tỷ lệ cả quý I lên mức 64,8%.
Tuy nhiên, xu hướng giảm dần đã khiến tỷ lệ nhập siêu cả năm 2008 ở mức 27%, thấp hơn con số 29,1% của năm 2007. Bộ Công thương cho biết, trong năm 2008 cả nước nhập siêu khoảng 17 tỷ USD, thấp hơn 3 tỷ USD so với mức dự báo 20 tỷ USD hồi đầu năm. Bộ Công thương đưa ra dự báo xu hướng nhập khẩu năm 2009 là, nhập siêu sẽ không ở mức cao như đầu năm 2008 và kim ngạch nhập khẩu cả năm đạt khoảng 90,3 tỷ USD, tỷ lệ nhập siêu so kim ngạch xuất khẩu giữ ở mức 27%.
Lãnh đạo Bộ Công thương phân tích nhiều yếu tố tác động góp phần làm giảm tốc độ nhập khẩu trong năm nay khi đưa ra dự báo này. Theo đó, các biện pháp của Chính phủ đưa ra nhằm kiềm chế lạm phát, cắt giảm đầu tư các công trình không hiệu quả, hoặc chưa cần thiết cộng với việc tăng thuế nhập khẩu, nộp thuế nhập khẩu trước khi thông quan, quản lý nhập khẩu bằng giấy phép tự động một số mặt hàng... đã góp phần làm giảm nhập khẩu. Các chính sách này tiếp tục được áp dụng trong năm nay, nên tốc độ giảm nhập khẩu như giai đoạn cuối năm 2008 sẽ vẫn được duy trì.
Cũng theo dự báo của Bộ Công thương, việc giá nhiều hàng nhập khẩu giảm mạnh cũng góp phần làm cho kim ngạch nhập khẩu năm 2009 không tăng mạnh. Cụ thể, ước tính giá sắt thép, phôi thép, phân bón, xăng dầu đã giảm tới 6 tỷ USD so với năm vừa qua (mức giảm 30 - 35%); lượng xăng dầu nhập khẩu cũng sẽ giảm thêm 5 tỷ USD so với năm ngoái, bởi Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đi vào hoạt động, như vậy lượng nhập khẩu xăng dầu năm 2009 sẽ vào khoảng 11 triệu tấn với kim ngạch 6 tỷ USD (mức giá nhập khẩu bình quân dự báo khoảng 545 USD/tấn).
Năm 2009 các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sắt thép sẽ khó thực hiện việc đầu cơ nhập khẩu nguyên liệu để chờ giá lên như đã diễn ra trong năm 2008 cũng sẽ làm giảm đáng kể mức nhập siêu. Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu sản xuất xuất khẩu sẽ giảm do doanh nghiệp gặp khó khăn về thị trường, vốn, lãi suất... cũng sẽ làm giảm nhập khẩu của năm nay.
Tuy nhiên, với các yếu tố làm giảm tốc độ nhập khẩu trong năm 2009 như trên, Bộ Công thương vẫn xác định các biện pháp để hạn chế nhập siêu trong năm là rất quan trọng nhằm giữ cán cân thương mại không quá chênh lệch, trong khả năng “chịu đựng” của nền kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, các biện pháp kiềm chế nhập khẩu đã áp dụng trong năm 2008 sẽ tiếp tục được triển khai. như chia theo nhóm hàng: nhóm cần nhập khẩu, nhóm cần kiểm soát và nhóm hạn chế nhập khẩu. Ngoài ra, các mặt hàng tiêu dùng sẽ được quản lý nhập khẩu bằng giấy phép tự động và danh mục hàng phải nộp thuế nhập khẩu trước khi thông quan sẽ được mở rộng hơn.
Biện pháp mạnh tay này được đưa ra sẽ khiến các doanh nghiệp nhập khẩu hàng tiêu dùng phải cân nhắc rất kỹ, bởi đây là thời điểm tiếp cận nguồn ngoại tệ để nhập khẩu loại hàng hoá này khó khăn. Cộng với các yêu cầu ngặt nghèo trong đóng thuế nhập khẩu, doanh nghiệp sẽ khó có thể ồ ạt nhập khẩu hàng hoá.
Lãnh đạo Bộ Công thương cũng tuyên bố, sẽ tăng cường kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu và sử dụng hàng rào kỹ thuật phù hợp quy định của WTO để hạn chế nhập khẩu. Bên cạnh đó, kế hoạch xây dựng lộ trình bắt buộc dán nhãn tiết kiệm năng lượng đối với nhóm sản phẩm gia dụng để áp dụng từ tháng 1/2010.
Ngoài việc tập trung điều hành xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, Bộ Công thương cũng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện điều hành tỷ giá linh hoạt, có lợi cho xuất khẩu và hạn chế nhập siêu. Bên cạnh đó là, kế hoạch tuyên truyền tới người tiêu dùng trong nước tăng cường sử dụng hàng nội địa thay vì hàng nhập khẩu như thời gian qua.
Các biện pháp được sử dụng hy vọng sẽ giúp năm 2009 hạn chế nhập khẩu. Điều đó góp phần làm cho nhiệm vụ kiềm chế nhập siêu của năm không phải là quá khó khăn.
(Theo báo Đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com