Phù Lãng (Bắc Ninh) làm gốm xuất khẩu |
Cơ hội - Đừng bỏ lỡ
Năm 2008 chúng ta đã làm lỡ nhịp ít nhất hai cơ hội xuất khẩu có thể đem lại giá trị tăng hàng trăm triệu USD.
Cơ hội thứ nhất là xuất khẩu gạo với giá cao 1.100- 1.200 USD/tấn (với việc Việt Nam dự kiến xuất 400.000 tấn gạo trong tháng 8/2008, giá chênh lệch giảm gần 500 USD/tấn, làm thiệt hơn 200 triệu USD).
Thứ hai là khi giá phôi thép lên mức kỷ lục 1.150 USD/tấn. Nhờ trữ hoặc có được những hợp đồng mua giá thấp hơn, doanh nghiệp thép ồ ạt xuất sang các nước Hàn Quốc, Malaysia và Thái Lan nhưng cũng chính Bộ Công thương lên tiếng đề nghị Chính phủ có những biện pháp quyết liệt ngăn chặn việc xuất khẩu phôi thép.
Hiện giờ, giá phôi rớt chỉ còn bằng 50% (650 USD/tấn) còn doanh nghiệp trong nước thì “điêu đứng” bởi hàng tồn.
Cơ hội năm 2008 sẽ không lặp lại. Vấn đề là làm thế nào để tìm ra cơ hội mới?
Nguyên bộ trưởng Trương Đình Tuyển kiến nghị: “Năm 2009 phải ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu; cần lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp này nhất là những đối tượng nhỏ và vừa”.
Còn TS Cao Sỹ Kiêm thì lưu ý: bên cạnh việc đi tìm thị trường mới, doanh nghiệp xuất khẩu đừng bỏ qua sân nhà. “Thay vì sản xuất, những mặt hàng cao cấp xuất khẩu, người dân và doanh nghiệp cần tìm cách đáp ứng cả nhu cầu bình dân trong nước”- Ông nói.
Đối mặt với sụt giảm
Cuối năm 2008, lượng đơn hàng từ đối tác nước ngoài của nhiều ngành hàng bị hủy bỏ hoặc sụt giảm. Tiêu biểu như dệt may giảm khoảng 20-30% số đơn hàng và giá; thủy sản giảm 30% đơn hàng.
Những tháng cuối năm 2008, hàng ngàn hộ nông dân nuôi trồng thủy sản đồng bằng sông cửu long đau đớn khi giá cá basa sụt thê thảm, lượng cá quá lứa thu hoạch ngày càng tăng cao vì không bán được.
Trong khi môi trường bị ô nhiễm và dịch bệnh gia tăng, người nuôi đứng trước nguy cơ phá sản. Còn tại Tây Nguyên, người dân cũng lao đao vì cà phê rớt giá. Cùng đó, những ngày này, hơn 11 triệu lao động của gần 2.000 làng nghề trên cả nước đang đối mặt với thực tế thất nghiệp.
Hàng trăm ngàn người thân của họ đang trông vào những “đơn hàng” xuất khẩu vẫn đang nằm chật cứng trong kho hàng. Tại Nga Sơn, Thanh Hoá, nghề cói lâm nạn và rớt giá thê thảm, cả vạn hộ nông dân lâm cảnh “sống dở”.
Từ thực tế theo Bộ Công thương, xuất khẩu năm 2009 còn tiếp tục phải giải quyết những vấn đề như biến động tỷ giá, kiện bán phá giá, hay hàng rào tiêu chuẩn khắt khe tại nhiều nước.
Ngay trong quý 4/2008, giá các mặt hàng xuất khẩu đã giảm 25-30% so với đầu năm. Theo Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, tốc độ tăng trưởng ở tất cả các lĩnh vực đều suy giảm thì tăng trưởng xuất khẩu đạt 5% là cũng khó trong khi chỉ tiêu năm 2009 là 13%.
Lúc này, cần nhất đó là phải nhanh nhạy tìm ra mặt hàng xuất khẩu mới, thị trường mới, đẩy nhanh các dự án sản xuất hàng xuất khẩu mới đi vào hoạt động; nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu bằng chất lượng, giá cả, hình thức phân phối- Bộ Công thương lưu ý. Cùng đó, đại diện Bộ cũng khẳng định sẽ nâng cao hiệu quả công tác thông tin dự báo và theo sát mọi diễn biến của thị trường.
12/2008, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng 3% tỷ giá bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, lên mức 16.989 VND/USD; biên độ tỷ giá vẫn được giữ nguyên cộng trừ 3%.
Việc điều hành tỷ giá hối đoái trên nhằm khuyến khích xuất khẩu và kiểm soát nhập khẩu…
Theo các chuyên gia ngân hàng, trong bối cảnh các đồng ngoại tệ mạnh như USD, yên hay euro tăng giá mạnh, các doanh nghiệp nên vay tiền đồng, đa dạng hóa tiền thanh toán, bảo hiểm tỷ giá, ngừa rủi ro.
(Theo báo Tiền phong)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com