Giá đường ở một số chợ lẻ, cửa hàng tạp hóa tại TP.HCM lên mức 23.000 - 24.500 đồng/kg. Tại các siêu thị, điểm bán bình ổn đang duy trì mức dưới 20.000 đồng/kg, khiến người dân rồng rắn đi mua, đẩy các các siêu thị mua đường vào cảnh cháy đường.
Thống kê của Bộ NN-PTNT, 40 nhà máy đường đang vào cao điểm ép mía niên vụ 2010 - 2011. Các nhà máy đã sản xuất 21.000 tấn đường, thấp hơn cùng kỳ năm trước 14.200 tấn. Và giá đường trong nước vẫn đang ở mức cao.
Siêu thị hết đường?
Tại siêu thị BigC Hoàng Văn Thụ (Tân Bình), bà Tư Hoa, ở đường Phổ Quang, kể hai ngày nay, ngày nào bà cũng tới mua, nhưng kệ đường của siêu thị cứ trống không. Nhân viên trả lời hết hàng. Riêng hệ thống siêu thị Co.op Mart, nhân viên luôn trong tình trạng tất bật, liên tục châm hàng bổ sung.
Trao đổi với Đất Việt hôm qua, bà Dương Quỳnh Trang, Giám đốc quan hệ công chúng và đối ngoại, hệ thống siêu thị BigC, cho biết, tình trạng thiếu hụt đường tại một số siêu thị trong hệ thống của BigC chỉ là tạm thời, do những ngày cuối tuần, lượng khách quá lớn. Mặt khác, đường là mặt hàng bình ổn giá tại hệ thống BigC, mức giá thấp hơn hẳn so với giá thị trường, nên khi giá đường trên thị trường căng thẳng, người tiêu dùng đổ xô tới các siêu thị mua hàng với lượng lớn.
Hiện tại, cả Co.op Mart lẫn BigC đều xiết chặt định mức. Mỗi khách hàng chỉ được phép mua từ 1 - 2kg cho một lần mua. Tuy nhiên, không ít trường hợp khách hàng mua nhiều lần, hoặc huy động người thân cùng mua, thay đổi địa điểm mua, nhằm có số lượng đường lớn để bán lại cho tiểu thương các chợ để hưởng chênh lệch (mức chênh lệch 4.000 - 5.000 đồng/kg).
Giá đường tại ĐBSCL cũng không ngoại lệ. Hôm qua giá đường tại kho của hai nhà máy đường Phụng Hiệp và Vị Thanh (Hậu Giang) loại RS từ 19.500 đồng- 19.800 đồng/kg, đường RE đã vọt lên mức 20.000 đồng/kg.
Tại TP.Cần Thơ, giá đường bán lẻ tại các chợ, cửa hàng đã lên 22.000 đồng/kg (loại đường cát trắng, hạt to). Nếu so với đầu năm, giá đường đã tăng gần 4%, và tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Một tiểu thương ở chợ An Bình (quận Ninh Kiều), cho biết, giá đường tăng cao nên nhiều người có tâm lý mua dự trữ, mua đường cây (10kg) chớ không mua lẻ theo từng kilogram.
Hôm qua, tại cuộc họp bình ổn các mặt hàng thiết yếu của UBND TP.HCM, một số ý kiến cho rằng, sở dĩ xuất hiện tình trạng thiểu hụt, khan hiếm đường trong những ngày gần đây, là do các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm bắt đầu tích trữ đường phục vụ tết.
Khan hiếm giả tạo
Bà Phạm Thị Sum, Chủ tịch HĐQT Công ty mía đường Biên Hòa, khẳng định, lượng đường mà doanh nghiệp này phân phối cho thị trường TP.HCM vẫn duy trì ở mức trên 7.000 tấn/tháng, không hề hao hụt. “Hiện tại, công ty còn tới 10.000 tấn đường trong hạn ngạch nhập khẩu. Lượng đường của nhà máy vẫn đủ điều tiết cung cầu”, bà Sum nói.
Theo các nhà máy đường tại khu vực ĐBSCL, giá đường tăng cao là do mía nguyên liệu đang tăng từng ngày. Giá mía đang ở mức cao nhất từ trước tới nay. Giá thu mía nguyên liệu hôm qua ngay tại cầu cảng của các nhà máy đường ở khu vực ĐBSCL mức 1.150 đồng/kg, tăng thêm 50 đồng/kg. Theo ông Trịnh Minh Châu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường Sóc Trăng, hiện, các nhà máy chỉ hoạt động khoảng 60 - 70% công suất, do năm nay không lũ, nông dân neo mía chỡ chữ đường tăng. Nhưng ông Châu cho rằng, từ nay đến Tết nguyên đán 2011, nguồn nguyên liệu mía cho các nhà máy sẽ được cải thiện, do có nhiều vùng bước vào thu hoạch và người dân cũng cần tiền để chuẩn bị ăn Tết.
Còn ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, lý giải rằng, từ tháng 8/2010 đến nay, giá đường Thái Lan luôn đứng mức cao, từ 800 - 850 USD/tấn. Tính cả 5% thuế nhập khẩu và các chi phí, về đến Việt Nam, giá đường xấp xỉ 18.000 đồng/kg. Giá đường nhập lậu hiện nay cũng đang ở mức tương đương, nên có hiện tượng nhà máy đường “chờ thời” bán ra.
Ông Long cũng lưu ý, tại miền Trung, 15 ngày nữa, các nhà máy khu vực này bắt đầu vào vụ. Thế nên, dù đang vào mùa cao điểm sử dụng đường để sản xuất hàng hóa cho Tết, cũng sẽ không thiếu đường. “Nếu thiếu chỉ là “khan hiếm giả tạo. Giá đường trong nước đang tăng theo ngưỡng tâm lý”, ông Long giải thích.
(Báo Đất Việt)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com