Doanh nghiệp (DN) Mỹ vẫn chờ đợi thị trường Việt Nam lớn lên, chờ đợi Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư, chờ đợi Việt Nam cải thiện hạ tầng cơ sở, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chờ đợi Việt Nam xử lý tệ quan liêu, tham nhũng và thủ tục hành chính nhiêu khê.
Thời gian trôi thật nhanh, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đã tròn mười tuổi. Mười năm trong lịch sử chỉ là một khoảnh khắc. Những tac động của một cam kết quốc tế đồ sộ như Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ mười năm chưa đủ để ngấm thấm đến điểm cùng, chưa thể tính sổ hết được cái lợi, cái hại, cái thắng, cái thua. Nhưng mười năm là khoảng thời gian đủ để có thể nhận diện được những cái nét cơ bản được gì, mất gì, đủ để cho những cái tốt, cái xấu có thể hiển thị.
Vậy thử xem chúng ta đã có thể thấy được những gì?
Thứ nhất: Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ trước hết là một sự kiện góp phần hoàn tất quá trình bình thường hóa quan hệ, thực hiện quan hệ đầy đủ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Từ nay, lần đầu tiên trong lịch sử hàng ngàn năm của mình, Việt Nam có quan hệ bình thường và bình đẳng với tất cả các quốc gia trên thế giới, với tất cả các nước lớn, cả trên vũ đài chính trị, cả trên thương trường. Và điều trông thấy rõ ràng là với đường lối đối ngoại hòa bình, rộng mở của Đảng và Nhà nước ta, uy tín của đất nước ta trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao, Việt Nam ngày càng được quốc tế nể trọng.
Riêng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, Hiệp định thương mại song phương tạo điều kiện cho quan hệ kinh tế thương mại phát triển. Chính lợi ích trong quan hệ đó đã thúc đẩy nhiều quan hệ khác phát triển và mở rộng. Lợi ích kinh tế thương mại đã tạo ra nhu cầu giao lưu giữa hai nước ngày càng lớn hơn, từ đó làm cho hai nước hiểu nhau hơn, tin cậy nhau hơn và thấy cần hợp tác với nhau nhiều hơn. Hiện giữa hai nước đang có nhiều chương trình hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Thứ hai, Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ đã góp phần thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển.
Trong lĩnh vực kinh tế, 10 năm qua là 10 năm kinh tế Việt Nam phát triển tốt đẹp. Trong bước phát triển đó có sự đóng góp không nhỏ của Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ. Sự đóng góp này được thể hiện từ nhiều góc độ và nhiều lĩnh vực khác nhau.
Trước hết chúng ta nhìn thấy rõ nhất ở những góc độ, lĩnh vực sau:
1. Bổ sung hoàn thiện khung pháp luật Việt Nam theo cam kết của Hiệp định
Trong BTA, chung ta cam kết xây dựng và thực thi một hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử. Khi phê chuẩn Hiệp định này, Nghị quyết của QH VN đã ghi rõ: "UBTVQH, Chính phủ và các cơ quan tư pháp phải khẩn trương xây dựng chương trình hành động cụ thể, đồng bộ tiến tới việc sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật theo lộ trình của Hiệp định...".
Năm 2001, Chính phủ đã giao cho Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành rà soát toàn bộ các văn bản pháp luật hiện hành, đối chiếu với những cam kết trong Hiệp định và những quy định của WTO đề xuất trình QH chương trình bổ sung, sửa đổi pháp luật.
Cuộc tổng rà soát các văn bản pháp luật năm 2001 giúp chúng ta nhận ra được nhiều điều bổ ích, đó là hệ thống luật của chúng ta thời đó khác quá nhiều so với thế giới, luật của chúng ta còn chung chung, chồng chéo, khó hiểu, khó thực thi. Chúng ta cũng thống kê được một danh sách các văn bản luật phải sửa đổi trong đó hầu như tất cả các văn bản pháp luật của chúng ta thời điểm đó đều phải sửa đổi, bổ sung.
Phải nói thêm rằng, QH và Nhà nước VN rất quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung luật. Luật pháp VN đã qua nhiều lần làm mới để cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các tiêu chí chuẩn mực của hệ thống luật pháp luôn là những vấn đề bàn cãi.
Từ khi có BTA, các tiêu chuẩn, các chuẩn mực đó là những quy định của WTO đã được cả thế giới thừa nhận và tuân thủ. Và trên cơ sở kết quả cuộc Tổng rà soát năm 2001, trong nhiệm kì 2001-2005, Quốc hội ta đã ráo riết vừa ban hành luật mới, vừa sửa đổi các luật cũ và một loạt các luật quan trọng đã được ban hành, sửa đổi như Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh, Luật chống tham nhũng, Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Sở hữu trí tuệ, Bộ Luật Dân sự, Luật Hình sự, các Luật thuế, Luật Hải quan, Luật các Tổ chức tín dụng, Luật lao động... Hệ thống pháp luật không phân biệt đối xử đang cho phép chúng ta huy động mọi tiềm lực xã hội để phát triển.
Đến hôm nay, có thể nói về cơ bản (chỉ mới là cơ bản), hệ thống luật của Việt Nam đã khớp với luật lệ của WTO. Vấn đề hôm nay là phải khẩn trương tháo gỡ những khúc mắc trong khâu thực thi pháp luật.
Đó là thành công lớn nhất của Việt Nam trong quá trình thực hiện Hiệp định BTA và hội nhập kinh tế.
Nhiều người lao động Việt Nam có việc làm nhờ tăng xuất khẩu với Mỹ. |
Trong Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, ta cam kết đảm bảo hệ thống pháp luật công khai, minh bạch và đảm bảo để các thành viên trong xã hội tham gia vào quá trình xây dựng luật pháp, chính sách, quy chế.
Cùng với quá trình đổi mới tư duy trong xã hội Việt Nam, cùng với sự phát triển mau lẹ của phương tiện Internet, công nghệ thông tin, nhận thức và ý thức làm chủ của dân ta ngày càng cao, thông tin ngày càng phong phú, hiểu biết ngày càng rộng, do đó, sự tham gia của dân ngày càng rộng rãi, ngày càng có chất lượng vào quá trình xây dựng luật pháp, đường lối chính sách, vào quá trình điều hành, quản lý kinh tế, xã hội bằng các phương tiện và hình thức khác nhau. Sự tham gia rộng rãi của xã hội vào công việc quản lý điều hành kinh tế - xã hội đang góp phần tạo ra bầu không khí lạc quan, phấn khởi, tạo ra một xã hội dân chủ, ổn định, tạo thêm sức mạnh quốc gia từ nguồn trí tuệ vô tận của đông đảo quần chúng. Sự tham gia rộng rãi của xã hội góp phần làm cho hệ thống pháp luật ngày càng hoàn chỉnh hơn, dễ thực thi hơn, tạo điều kiện cho kinh tế phát triển tốt hơn. Một xã hội dân chủ như thế hiện đang vừa là môi trường, vừa là động lực để đất nước phát triển bền vững. 2. Hiệp định BTA góp phần hình thành đội ngũ doanh nhân Việt Nam ngày càng đông đảo. Chưa bao giờ ở Việt Nam có đội ngũ doanh nhân đông đảo như hôm nay. Những quy định trong các văn bản pháp luật mới sửa đổi của Việt Nam đảm bảo quyền tự do kinh doanh của các DN ở những lĩnh vực, ngành nghề, những nơi mà luật không cấm. Luật pháp bảo vệ quyền kinh doanh đúng luật của DN. Người giỏi được xã hội và nhà nước tôn vinh, khuyến khích. Thị trường trong nước mở cửa, thị trường nước ngoài thông thoáng là cơ hội để các DN tung hoành, bươn chải và trưởng thành. So với thế giới thì DN VN còn phải học hỏi và cố gắng nhiều, nhưng so với 10 năm trước đây thì đất nước ta đã có được đội ngũ DN hoàn toàn khác. Trong quá trình trưởng thành của đội ngũ doanh nhân VN có một hiện tượng không khó phát hiện, đó là một bộ phận doanh nhân trẻ đang chịu ảnh hưởng ngày càng nhiều các "văn hóa kinh doanh Mỹ", "phong cách kinh doanh Mỹ". Các doanh nhân VN, trước hết là các doanh nhân trẻ, có xu hướng lao tới học cách kinh doanh của người Mỹ, học cách quản lý kinh doanh hiện đại của các DN Mỹ. Họ cũng liên tục đi Mỹ tham quan, khảo sát, học hỏi, tìm cơ hội kinh doanh. Họ nhìn thấy được điều họ muốn, họ cần: thị trường Mỹ là thị trường năng đọng, thị trường cạnh tranh, DN Mỹ là DN năng động, luôn biết sống với các ý tưởng, luôn biết cách nối tiếp các chuỗi giá trị toàn cầu. Họ hiểu rằng đã chơi được với Mỹ thì có thể chơi được với bất cứ thị trường nào. Sự ảnh hưởng này (có cả tốt và xấu) còn tiếp tục sâu rộng, khi hiện tại những thanh niên ưu tú, những học sinh thông minh học giỏi, có điều kiện, phần lớn đang hướng tới các trường ĐH Mỹ để tìm tri thức. Mới chỉ hơn 10 năm mà hôm nay VN đã được xếp hạng thứ 10 trong danh sách những quốc gia có nhiều lưu học sinh nhất ở Mỹ. Theo kinh nghiệm của nhiều nước trong khu vực, đội ngũ được đào tạo này sẽ bổ sung thêm cho đất nước những doanh nhân giỏi, những cán bộ kĩ thuật có trình độ cao, những nhà quản lý tài năng. Đất nước chỉ có thể phát triển khi có nhiều DN lớn, khi có một đội ngũ doanh nhân đông đảo được tôi luyện trong môi trường kinh tế cạnh tranh. 3. Hiệp định tạo điều kiện cho xuất khẩu Việt Nam tăng nhanh chưa từng có. Nhờ có BTA, nhờ được hưởng quy chế Tối huệ quốc, xuất khẩu VN vào thị trường Hoa kỳ tăng nhanh với khối lượng lớn chưa từng có với bất kì thị trường nào trong lịch sử ngoại thương VN. Tăng nhanh hơn cả sự tưởng tượng của những người lạc quan nhất.Cạnh tranh trên thị trường Mỹ khốc liệt. DN Việt Nam phải chuẩn bị tốt.
Nếu như năm 2000, xuất khẩu VN vào thị trường Mỹ có khoảng hơn 400 triệu USD thì năm 2009, con số này đã đạt gần 13 tỷ USD, và nếu năm 2000 xuất khẩu Hoa Kỳ vào VN khoảng vài trăm triệu USD thì năm 2009, con số này là trên 3 tỷ USD. (Nguồn: theo số liệu Hải quan Hoa Kỳ năm 2009).
Những năm gần đây, xuất siêu của VN vào Mỹ luôn ở mức trên dưới 10 tỷ USD góp phần bù đắp sự thiếu hụt trong cán cân thương mại luôn nhập siêu lớn từ các nước châu Á láng giềng. Từ chỗ chưa có gì, nhưng trong 10 năm, VN đã vượt lên xếp thứ 26 trong số 30 quốc gia xuất khẩu hàng tiêu dùng lớn nhất vào thị trường Hoa Kỳ. Những hàng hóa đã vào được thị trường Mỹ thì có đủ trình độ, có thể vào bất cứ thị trường nào trên thế giới. Và như vậy, xuất khẩu VN nói chung tăng nhanh. Trong sự tăng trưởng nhanh chóng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ cần nhắc đến một số mặt hàng tăng nhiều, tăng nhanh. Hàng dệt may Từ vài ba chục triệu USD trước khi kí BTA, đến năm 2009, xuất khẩu hàng dệt may VN vào thị trường Hoa Kỳ đã đạt 5 tỷ 340 triệu USD. Trên thị trường Hoa Kỳ rộng lớn, hàng dệt may của Việt Nam chỉ kém hàng Trung Quốc. Mới chỉ có hơn 10 năm mà chúng ta đã bỏ vượt cả các bạn hàng dệt may quen thuộc hàng thế kỉ của thị trường Hoa Kỳ: Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia. Mặt hàng giày dép Từ con số vài chục triệu USD trước khi kí Hiệp định, năm 2009, VN đã xuất vào thị trường Mỹ 1,5 tỷ USD. Tuy còn kém xa Trung Quốc (chỉ bằng khoảng 10% hàng Trung Quốc), nhưng chúng ta đã vượt xa các nhà nhập khẩu truyền thống của thị trường Hoa Kỳ như: Italia, Ấn Độ, Indonesia. Đồ gỗ và đồ nội thất Trước Hiệp định Thương mại, mặt hàng này chưa có trong danh mục xuất khẩu của VN sang Hoa Kỳ, năm 2009, chúng ta đã xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ 1,4 tỷ USD, vượt cả các bạn hàng mạnh về lĩnh vực này như Malaysia, Đài Loan, Indonesia, Italia... Việc tăng xuất khẩu vào Hoa Kỳ đã giúp chúng ta giải quyết công ăn việc làm cho hàng triệu lao động. Xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đang góp phần làm thay đổi cơ cấu kinh tế Việt Nam. Một số ngành kinh tế mới đang hình thành và phát triển như ngành sản xuất đồ gỗ, đồ nhựa, dây điện, cáp điện... và giúp cho nhiều ngành tăng trưởng nhanh chóng hơn như ngành nông sản, thủy sản, du lịch... Tuy nhiên, 10 năm qua, nếu người Việt Nam khôn ngoan hơn, giỏi hơn, làm ăn có bài bản hơn, thì những thay đổi trong cơ cấu xuất khẩu, cơ cấu kinh tế của VN đã tốt hơn nhiều. Cũng cần nói thêm với nhau rằng, xuất khẩu vào thị trường Mỹ không thể cứ tăng mãi như thế mà không có giới hạn. Vì đây là một thị trường cạnh tranh khốc liệt, phải tính đến sự cạnh tranh của rất nhiều khách hàng khác, và phải tính đến cả sự phản ứng quyết liệt của những nhà sản xuất Hoa Kỳ nữa. Các vụ kiện chống bán phá giá cá tra, cá basa, quy chế kiểm soát hàng may mặc... vừa qua đã nhắc nhở chúng ta điều này. 4. Hiệp định tạo điều kiện cho đầu tư Hoa Kỳ vào VN nhiều hơn. VN chưa kí với bất kì quốc gia nào một Hiệp định thương mại mà lại có cả chương "phát triển quan hệ đầu tư" dài như thế, cụ thể như thế trong Hiệp định với Hoa Kỳ. Khi kí Hiệp định thương mại song phương, VN có nhiều kì vọng về nguồn đầu tư từ Hoa Kỳ. 10 năm qua, chúng ta hiểu Mỹ hơn và nhận ra rằng, những kì vọng của chúng ta là không có cơ sở. Mặc dù đến hôm nay, theo số liệu thống kê, số vốn đầu tư FDI đăng kí từ Hoa Kỳ vào VN xếp hàng thứ 6 sau các nước láng giềng châu Á. Theo cách tính của các quan chức Hoa Kỳ, tức là cộng với các số vốn đầu tư của các công ty Hoa Kỳ từ nước thứ ba vào thì Hoa Kỳ xếp thứ 3 trong danh sách các nước đầu tư vào VN. Có điều mới xuất hiện là năm 2009, Hoa Kỳ vượt lên đứng đầu danh sách đầu tư FDI trong năm 2009 vào Việt Nam. Hoa Kỳ cũng sở hữu 65% số trái phiếu quốc tế của Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác cũng đã vào Việt Nam để sản xuất hàng xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Rõ ràng đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam chưa nhiều, chưa nhanh như ta mong đợi cả về số lượng, cả về cơ cấu. Ngoài một số dự án lớn của các tập đoàn như Intel, Ford... các tập đoàn hùng mạnh trong các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của Hoa Kỳ chỉ mới vào khảo sát, thăm dò, thử nghiệm, "xếp gạch" giữ chỗ... Lý giải hiện tượng này chỉ có thế là: - Đối với họ Việt Nam vẫn là thị trường nhỏ. Trong chiến lược đầu tư của các nước lớn, kể cả Hoa Kỳ, Việt Nam chỉ là thị trường phụ thêm trong công thức "Trung Quốc + 1" hoặc "Trung Quốc và Ấn Độ + 1". Cái phần phụ thêm + 1 đó, đối với họ có ngay cũng tốt, chưa có ngay họ có thể chờ. Cái phần phụ thêm + 1 đó hôm nay có thể là Việt Nam, ngày mai có thể là nước khác nếu ở đó làm tốt hơn. - Doanh nghiệp Hoa Kỳ vẫn chờ đợi thị trường Việt Nam lớn lên, chờ đợi Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư, chờ đợi Việt Nam cải thiện hạ tầng cơ sở, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chờ đợi Việt Nam xử lý tệ quan liêu, tham nhũng và thủ tục hành chính nhiêu khê. Các doanh nghiệp Hoa Kỳ phần lớn là các tập đoàn lớn, họ làm ăn có bài bản, luật pháp của họ không cho họ làm ăn theo kiểu đánh quả, chộp giật. Chắc ăn thì làm, chưa chắc ăn thì đợi. Có lẽ cũng phải mất rất nhiều thời gian nữa, Việt Nam mới giải quyết được hết các mặt yếu kém nêu trên. Thời gian cứ trôi đi, cơ hội cứ giảm bớt dần. Đó cũng là một thách thức. Những cái Hiệp định song phương Việt Nam - Hoa Kỳ đem lại cho Việt Nam còn có thể kể nhiều và ở trong nhiều lĩnh vực. Những mặt tiêu cực của thị trường này mang đến Việt Nam ở đâu cũng thấy được. Đặc biệt là "văn hóa Mỹ" đang ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam bằng nhiều phương tiện khác nhau, cũng là điều rất đáng lưu tâm. Nói chung chơi với Mỹ là cơ hội nhiều, thách thức lắm, chúng ta phải giỏi, nhanh chóng giỏi mới có thắng nhiều hơn thua.
(Tác giả: NGUYỄN ĐÌNH LƯƠNG // Theo TuanVietnam)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com