Nếu doanh nghiệp ngành gỗ tận dụng tốt những phân khúc thị trường nội địa được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm tới, khả năng đạt doanh thu hơn 1 tỉ đô la Mỹ là khả quan. Ảnh: Lê Toàn. |
Năm 2009 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tại Việt Nam cũng không tránh khỏi những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chỉ tay vào cột màu xanh trên biểu đồ biểu thị doanh số bán hàng của Công ty cổ phần Gia dụng Quốc tế (ICP), ông Phan Quốc Công, Tổng giám đốc công ty, nói: “Doanh số bán hàng ở thị trường nội địa của công ty trong năm 2009 tăng 31% so với năm 2008. Nếu không bị khống chế bởi chi phí quảng cáo, tiếp thị thì doanh số của công ty còn tốt hơn nhiều”. Sau gần một năm thực hiện, chương trình kêu gọi người Việt Nam dùng hàng Việt Nam đã có những kết quả đáng khích lệ, thông qua doanh số bán của các doanh nghiệp tăng mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, như trường hợp của ICP, nhiều doanh nghiệp thừa nhận “trong năm 2010, nếu Nhà nước có những chính sách tốt hơn, thị trường nội địa sẽ là điểm tựa vững chắc cho doanh nghiệp”. Sẽ thành công hơn, nếu… “ICP đưa chai dầu gội đầu về bán ở thị trường nông thôn với giá 17.000 đồng, một nông dân ở miền Tây nói với tôi rằng, dầu gội của anh dùng cũng tốt, giá vừa phải, nhưng sao tui thấy lạ quá…”, ông Công kể lại câu chuyện công ty đưa hàng hóa về bán ở thị trường nông thôn. Nhiều năm “nằm gai nếm mật” ở thị trường nội địa, những sản phẩm của công ty dần trở nên quen thuộc với người tiêu dùng ở thành thị. Nhưng ông Công thừa nhận “việc đưa hàng về nông thôn của ICP đang gặp nhiều khó khăn”. ICP có đủ chi phí để quảng cáo và tiếp thị về thị trường nông thôn, nhưng bị vướng phải quy định chi phí tiếp thị, quảng cáo chỉ ở mức 10% chi phí hợp lệ. Ông cho rằng Nhà nước nên quy định lại mức chi phí quảng cáo, tiếp thị cho từng ngành hàng khác nhau, bởi không thể “cào bằng” mức chi phí này giữa tất cả các ngành hàng. Để giảm giá bán sản phẩm, không cách nào khác là công ty phải tăng công suất, sản xuất hàng loạt, tiết kiệm được khấu hao máy móc thiết bị, giá thành sẽ giảm. “Vì vậy, việc khống chế chi phí tiếp thị sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp kinh doanh ở thị trường nội địa”, ông Công khẳng định. Cũng khá lạc quan với doanh số bán lẻ ở thị trường nội địa trong năm 2009, Bà Nguyễn Thị Hồng Hương, Tổng giám đốc Công ty Kinh doanh hàng thời trang Việt Nam và hệ thống siêu thị Vinatex Mart, cho biết doanh số bán hàng của Vinatex đã tăng 24% so với năm 2008, bất chấp những khó khăn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế. Hệ thống siêu thị Vinatex Mart đã trở thành cầu nối cho những doanh nghiệp dệt may đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng. Hiện Vinatex Mart đã có 54 siêu thị, điểm bán hàng trên cả nước, với doanh số bán hàng gần 1.000 tỉ đồng/năm. Bà Hương cho rằng doanh nghiệp cần có một sân chơi công bằng và minh bạch hơn để phát triển. Theo bà Hương, những doanh nghiệp dệt may kinh doanh ở thị trường nội địa phải nộp thuế, trong khi đó, một số doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể cũng kinh doanh hàng nội địa lại không bị đánh thuế. Các thành phần này kinh doanh chui, không chính thức, họ mua bán không cần hóa đơn chứng từ. Vì không bị đánh thuế, nên giá sản phẩm của họ bán ra thị trường thường rẻ hơn của các công ty khoảng 10%. Điều này làm nản lòng các doanh nghiệp đầu tư cho thị trường nội địa. Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư quảng bá thêm cho thị trường nội địa, Nhà nước cần giải quyết rốt ráo những vấn đề trên. Cần những cách làm mới Dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp khẳng định năm 2010 sẽ là năm “quan trọng” để tiếp tục chinh phục người tiêu dùng trong nước. Những kế hoạch kinh doanh mới trong năm 2010 đã được doanh nghiệp đề ra, trọng tâm vẫn là phát triển vững chắc ở thị trường nội địa. Tiếp cận nhu cầu của người dân, khảo sát các điểm bán hàng, đưa sản phẩm phù hợp tới từng phân khúc khác nhau nhằm xây dựng hệ thống phân phối “sâu và rộng” hơn là giải pháp được các doanh nghiệp áp dụng. Đề cập đến hệ thống siêu thị Vinatex Mart, bà Hương cho biết ngoài quần áo thời trang, trong năm 2010, Vinatex sẽ quan tâm phát triển những phân khúc khác như quần áo bảo hộ lao động, đồng phục công nhân, học sinh… Trước đây, công ty đã thành công trong việc xây dựng hệ thống cửa hàng trực tiếp bán quần áo, mùng mền, sữa, đồ dùng cho bệnh viện, người bệnh. Cũng đi vào phân khúc hẹp và những ý tưởng mới cho thị trường nội địa, Tổng giám đốc Công ty Cà phê Trung Nguyên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, cho biết công ty chuẩn bị tung ra sản phẩm cà phê dành riêng cho nữ giới. “Với sản phẩm này, Trung Nguyên kỳ vọng sẽ nâng mức tiêu thụ cà phê ở Việt Nam tăng lên và tạo một xu hướng tiêu dùng cà phê trong giới nữ”, ông Vũ nói. Ông Phan Quốc Công ở ICP cũng khẳng định, năm 2010, doanh số bán hàng ở thị trường nội địa của công sẽ tăng ít nhất 50% so với năm 2009. Cơ sở để ICP tin vào mục tiêu này là chất lượng của sản phẩm đã chiếm được niềm tin của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, ICP sẽ đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối sản phẩm. Theo đó, công ty sẽ liên kết với những doanh nghiệp khác để tận dụng hệ thống phân phối sẵn có của nhau, nhằm đưa sản phẩm đến người tiêu dùng nhanh và tiện lợi nhất. Trong năm 2009, ICP đã hợp tác với Công ty cổ phần Thực phẩm Thuận Phát để cùng sử dụng chung nguồn nhân lực và hệ thống phân phối của công ty này. Trong khi đó, ngành gỗ cũng đã có những bước chuẩn bị kỹ hơn nhằm chinh phục người tiêu dùng nội địa trong năm 2010. Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietfores) đã tiến hành khảo sát, điều tra về tình hình tiêu thụ đồ gỗ ở Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng và Đà Nẵng. Ông Nguyễn Tôn Quyền, Chủ tịch Vietfores, cho biết phân khúc thị trường bàn ghế cho trường học trên cả nước vẫn còn nhiều dư địa, nhưng doanh nghiệp chưa khai thác hết. Hiệp hội cùng các doanh nghiệp hội viên đang lập kế hoạch trình Chính phủ chương trình mua sắm công, nhằm cung cấp bàn ghế cho toàn bộ hệ thống trường học trên cả nước. Mỗi năm Nhà nước chi một khoản tiền không nhỏ để mua sắm bàn ghế mới. Nếu ngành gỗ nhận được gói thầu này, tạo ra những sản phẩm bền tốt để phục vụ học đường, đây sẽ là một mảng thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp phát triển. Cung cấp đồ gỗ nội thất cho hệ thống chung cư trên cả nước cũng là phân khúc mà các doanh nghiệp gỗ cần chú ý khai thác, khi diện tích xây dựng chung cư được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới. Tại các khách sạn trên cả nước, theo kết quả điều tra của Vietfores, chi phí trang trí đồ gỗ nội thất đối với khách sạn tiêu chuẩn 2 sao là 12 triệu đồng/phòng, khách sạn 3 sao là 18 triệu đồng/phòng, và khách sạn 4 sao là 24 triệu đồng/phòng. Ngoài ra, theo khảo sát, mức chi tiêu cho sản phẩm gỗ tại các hộ gia đình cũng khoảng 3-6 triệu đồng/năm. “Nếu doanh nghiệp tận dụng tốt những phân khúc này, chúng tôi tin rằng, doanh thu ngành gỗ ở thị trường nội địa trong năm 2010 sẽ vượt mức 1 tỉ đô la Mỹ”, ông Quyền khẳng định. Ông Từ Minh Thiện, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM, cho biết trong kế hoạch hành động chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại TPHCM, thời gian tới, các sở ban ngành của TPHCM sẽ phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM tổ chức các buổi báo cáo chuyên đề, các chuyến đi khảo sát, tham quan thực tế tại các tổ chức quốc tế và doanh nghiệp có liên quan đến công nghệ mới để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển giao công nghệ, tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quản lý và sản xuất kinh doanh, nhằm giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng giá trị giá phẩm.
(Theo Trần Sơn Nghĩa // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com