Tham gia FTA ASEAN, thị trường Việt Nam tràn ngập hàng từ khu vực. |
Nhìn nhận sự kiện này, TS. Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, các hiệp định đã tạo thêm cơ hội cho DN ở các nước liên quan. "DN của cả Trung Quốc và ASEAN đều được lợi từ hiệp định này, song với sức mạnh sản xuất của Trung Quốc thì dường như các DN của họ có lợi nhiều hơn", ông Nam nhận định.
Theo ông Nam, trước mắt, các DN trong khu vực ASEAN sẽ có những mặt hàng có lợi thế như nông sản, nguyên liệu..., bởi thị trường xuất khẩu rộng mở hơn. Còn với các DN của Trung Quốc thì các sản phẩm chế biến sâu có hàm lượng công nghệ cao sẽ có lợi thế cũng bởi có thêm thị trường khi mà Trung Quốc được coi là công xưởng của thế giới.
Đánh giá tác động của các hiệp định tới DN của Việt Nam, ông Nam cho rằng, ngay lập tức thì các DN chưa chịu nhiều ảnh hưởng, bởi Việt Nam sẽ tham gia FTA ASEAN - Trung Quốc từ năm 2015.
TS. Nguyễn Tất Thắng, nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin thương mại (Bộ Công thương) cũng cho rằng, tác động ngay trước mắt của việc cắt giảm thuế quan từ hai hiệp định trên với các DN Việt Nam là chưa đáng lo ngại. "Song, các DN cũng như cơ quan quản lý cần có bước chuẩn bị kỹ càng ngay từ bây giờ, bởi 5 năm là khoảng thời gian không dài và việc sản xuất - xuất khẩu của DN sẽ chịu ảnh hưởng rất mạnh từ các hiệp định kể từ năm 2015", ông Thắng cảnh báo.
Phân tích những vấn đề hiện tại của nền sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, TS Nam cho rằng, còn nhiều vấn đề cần phải được hoàn chỉnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm. "Chúng ta thường tự hào về thành tích thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng nếu xét kỹ thì đầu tư cho sản xuất với sản phẩm đặc trưng còn rất hiếm. Ngay cả việc xuất khẩu trong nhiều năm qua dù đã có sự thay đổi dần về cơ cấu mặt hàng, nhưng về cơ bản, mặt hàng truyền thống của Việt Nam vẫn là nông sản và là nông sản ít có bản sắc riêng", ông Nam nêu vấn đề.
Chẳng hạn, cho tới thời điểm này, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam mới chỉ tập trung vào nguyên liệu và ít sản phẩm được chế biến sâu, nên khó tạo ra sự áp đặt giá cho thị trường.
Lý do để lo lắng là hoàn toàn có thật, bởi theo ông Thắng, kể từ khi tham gia FTA ASEAN, thị trường Việt Nam tràn ngập hàng từ khu vực, trong khi DN Việt Nam lại chưa tận dụng được lợi thế thị trường. Điều này được thể hiện qua con số nhập siêu đang ngày càng tăng lên từ khu vực ASEAN.
Vấn đề đặt ra cho các cơ quan quản lý và DN là, ngay từ bây giờ phải có chiến lược cụ thể. "Chúng ta cần có chiến lược cụ thể phát triển sản xuất loại sản phẩm xuất khẩu nào đó trên cơ sở nghiên cứu thị trường, công nghệ sản xuất, đối tượng DN tham gia nhằm có được sản phẩm xuất khẩu cạnh tranh. Nếu cứ quay đi, quay lại với các sản phẩm có công nghệ sản xuất thấp như hiện nay thì khả năng cạnh tranh trong 5 năm tới, khi chúng ta là thành viên của các khối thương mại tự do nói trên, là hết sức thấp", ông Nam cảnh báo.
Chuyên gia này cho rằng, ở mỗi giai đoạn, cần phải chọn cho được sản phẩm cụ thể để nâng cao khả năng cạnh tranh, nếu không xuất khẩu bị cạnh tranh mạnh hơn là rõ ràng. ở chiều ngược lại, do không có các sản phẩm chiến lược, thị trường Việt Nam sẽ có nhiều hơn các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ.
Ông Thắng bày tỏ mối lo ngại khi hàng hoá của Việt Nam khá tương đồng với các nước trong khu vực. Do đó, để tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm thì việc tạo ra sự khác biệt cho sản phẩm xuất khẩu là cần thiết. "Trong đó, phải chú ý tới chế biến sản phẩm xuất khẩu theo hướng sâu hơn với hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn, thay vì đang nặng xuất thô như hiện nay", ông Thắng nói.
Theo các chuyên gia thương mại, bài học ngay từ Trung Quốc cho thấy, nước này đã có chiến lược rất quyết liệt với các sản phẩm cụ thể để tạo sức ảnh hưởng đến thị trường toàn thế giới. Nếu Việt Nam ngay từ đầu chưa đủ sức xây dựng toàn bộ kế hoạch, thì cũng lưu ý tới việc chủ động tham gia vào chuỗi sản xuất của các công ty đa quốc gia ngay tại Việt Nam để có được những sản phẩm cạnh tranh.
Quá trình khảo sát thị trường, trong đó có thị trường Trung Quốc, cũng hết sức quan trọng để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới. "Ngay tại thời điểm này, dù hàng hoá của DN đã được đưa sang Trung Quốc nhiều hơn, nhưng vẫn chưa vào sâu được trong nội địa. Nếu không có chiến lược thị trường ngay từ bây giờ thì 5 năm nữa sẽ hết sức khó khăn cho các DN Việt Nam", ông Thắng kết luận.
(Theo Duy Đông // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com