Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản sang thị trường Nhật Bản có thể gia tăng trong năm 2010 khi Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) đã có hiệu lực và nhu cầu nhập khẩu của nước này tăng lên.
Giảm thuế mạnh mẽ Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nông sản xuất khẩu của Việt Nam mới chính là mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản.
Cụ thể, theo các cam kết của VJEPA, Nhật Bản đã cam kết giảm thuế đối với các mặt hàng tương đương với gần 84% giá trị nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, ngay khi VJEPA có hiệu lực, trong số 2.020 dòng thuế nông sản, Nhật Bản đã xóa bỏ ngay đối với 784 dòng, chiếm 36% tổng số dòng thuế nông sản và chiếm 67,6% giá trị hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Các dòng thuế có lộ trình giảm từ 3-5 năm bao gồm 14 sản phẩm có nhiều tiềm năng xuất khẩu như mì chính, đậu tương, gừng, cùng các loại hoa quả là chuối, sầu riêng, chôm chôm… Kim ngạch xuất khẩu những sản phẩm này chiếm khoảng 14% tổng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường Nhật.
Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục giảm và loại bỏ thuế nhập khẩu đối với 72 dòng nông sản trong 7 năm và 214 dòng có lộ trình giảm và loại bỏ thuế quan trong 10 năm. Trong đó, đáng chú ý là có các mặt hàng rau, quả chế biến, ngô, sắn chế biến, các loại gia vị, nước sốt là những mặt hàng mà thời gian qua các doanh nghiệp Việt Nam có khá nhiều lợi thế khi xuất khẩu sang thị trường này.
Đối với mặt hàng thủy sản, trong số 330 mặt hàng, đã có 64 mặt hàng được giảm thuế ngay khi hiệp định được thực thi, chiếm tới 71% xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Nhật Bản. Riêng tôm Việt Nam vào Nhật Bản có thể được hưởng thuế 0%.
Việc miễn thuế cho tôm mở ra cơ hội lớn cho con tôm Việt Nam vào thị trường Nhật Bản. Năm 2010, tôm Việt Nam sẽ là lựa chọn ưu tiên của các nhà nhập khẩu. Hiện tôm là mặt hàng chiếm kim ngạch xuất khẩu chính trong nhóm hàng thủy sản. Tổng giá trị xuất khẩu tôm trong năm 2009 ước đạt trên 1,51 tỷ USD, chiếm gần 40% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, thị trường trái cây tươi và rau quả của Nhật Bản hầu như có truyền thống tự cung cấp các sản phẩm từ địa phương. Tuy nhiên, do việc giảm khả năng cạnh tranh trong lĩnh vực nông nghiệp trong nước và mở cửa của thị trường nhập khẩu, Nhật Bản vẫn tăng đều khối lượng nhập khẩu. Điều này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới do sản xuất nông nghiệp trong nước dần giảm sút.
Cũng theo Thương vụ, Việt Nam có cơ hội xuất khẩu sang Nhật Bản vì sự khác biệt giữa các mùa vụ, khác biệt về chủng loại rau quả do khác biệt về vùng khí hậu. Đáng chú ý, nhập khẩu chuối, dứa, đu đủ, xoài và bơ đã được tăng lên do nhận thức của người tiêu dùng với lợi ích sức khỏe của họ.
Tuy nhiên, ông Lê Quang Lân, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, khi doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Nhật Bản thì phải đặc biệt quan tâm tới chất lượng.
Theo ông Lân, hiện Nhật Bản là một trong những quốc gia đang áp dụng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm có yêu cầu rất khắt khe với mục đích bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Các tiêu chuẩn của Nhật Bản hầu như tương đương, thậm chí cao hơn cả những tiêu chuẩn quốc tế thông thường./.