Giá hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều giảm so với cùng kỳ. |
Nhìn vào số liệu công bố của Bộ Công Thương về tốc độ giảm xuất, nhập khẩu và nhập siêu 6 tháng đầu năm 2009 so với cùng kỳ năm trước, có thể rút ra bốn nhận xét về giá cả, thị trường, tốc độ và kim ngạch.
Thứ nhất, xuất khẩu so với cùng kỳ năm trước tiếp tục giảm với tốc độ cao hơn trước, 6 tháng đã lên đến 10%, chứng tỏ xuất khẩu tiếp tục gặp khó khăn về thị trường và giá cả.
Mặc dù xuất khẩu vào Mỹ, ASEAN giảm ít hơn tốc độ tăng, nhưng xuất khẩu vào các nước châu á, Âu và các châu lục khác lại giảm mạnh hơn. Giá hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều bị sụt giảm so với cùng kỳ năm trước, nhất là dầu thô, cao su, hạt tiêu, cà phê, hạt điều, gạo, than đá, chè do giá giảm trên 4 tỷ USD.
Thứ hai, mặc dù mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đã được Quốc hội điều chỉnh từ 13% giảm xuống còn 3%, nhưng nếu không có biện pháp thật quyết liệt thì ngay cả mục tiêu đã điều chỉnh xuống cũng rất khó đạt được.
Về tốc độ, 6 tháng đầu năm giảm 10%, để cả năm tăng 3%, thì 6 tháng cuối năm phải tăng 13%, đó là tốc độ tăng rất cao.
Về kim ngạch tuyệt đối, mục tiêu cả năm tăng 3%, tức là phải đạt 64,58 tỷ USD. Sáu tháng đầu năm mới đạt 27,57 tỷ USD, bình quân 1 tháng đạt xấp xỉ 4,6 tỷ USD. Sáu tháng cuối năm phải đạt trên 37 tỷ USD, bình quân 1 tháng phải đạt gần 6,2 tỷ USD, đó là con số rất cao.
Hơn nữa, quý 1 năm nay xuất siêu chủ yếu là tái xuất vàng, nếu không thì nhập siêu khoảng 1 tỷ USD.
Thứ ba, tổng kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 30,64 tỷ USD, giảm gần 14,2 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Giảm có một phần do giảm lượng nhập khẩu, một phần lớn do giảm giá nhập khẩu. Tuy nhiên, giá nhập khẩu đang có xu hướng cao lên.
Thứ tư, nhập siêu, nếu thoạt nhìn, thì đây là con số chưa có vấn đề gì, bởi mức nhập siêu trong 6 tháng đầu năm nay đã thấp hơn nhiều mức nhập siêu của cùng kỳ năm trước nhưng vẫn cần cảnh báo về nhập siêu.
Nếu năm trước nhập siêu cao (18 tỷ USD), nhưng chủ yếu là trong nửa đầu năm, còn nửa cuối năm giảm hẳn thì năm nay, quý 1 đã xuất siêu (khoảng 1,5 tỷ USD), quý 2 nhập siêu ở mức lớn (khoảng 4,5 tỷ USD), tức là bình quân một tháng trong quý 2 đã nhập siêu 1,5 tỷ USD. Nếu tính bình quân một tháng trong nửa năm còn lại cũng ở mức như quý 2 thì cả năm sẽ lên đến 12 tỷ USD.
Mặc dù mức nhập siêu như vậy cũng mới chỉ bằng 2/3 mức nhập siêu trong cả năm ngoái, nhưng trong điều kiện lượng ngoại tệ vào nước ta bị sụt giảm, thì mức nhập siêu cao (13,5 tỷ USD dồn vào 9 tháng cuối năm) sẽ ảnh hưởng không tốt đến cán cân tổng thể, gây áp lực lên tỷ giá VND/USD.
Xuất khẩu gặp khó khăn, nhập khẩu đang có xu hướng tăng trở lại, nên nhập siêu vẫn cần cẩn trọng. Trung Quốc là thị trường mà Việt Nam nhập siêu lớn nhất, nay lại càng cần đặc biệt quan tâm.
(Theo DƯƠNG NGỌC // Vneconomy)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com