Xu hướng chọn mua sữa của người tiêu dùng VN đang góp phần đẩy giá sữa tăng chóng mặt |
Trong suốt gần 3 năm qua, giá bán sữa ngoại tại thị trường VN chỉ tăng chứ không giảm và hiện thuộc loại cao nhất thế giới với mức 1,4 USD/lít (cao gấp rưỡi đến gấp đôi giá sữa tại các châu lục khác). Lợi nhuận kinh doanh sữa vì thế có nơi lên tới 86%, cũng thuộc vào loại cao nhất nhì thế giới.
Giá sữa ngoại hiện nay đang trở thành tâm điểm bức xúc của người tiêu dùng bởi bản thân nó đang chứa nhiều nghịch lý.
4 nghịch lý
TS Hồ Tất Thắng - Phó Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng VN đã “điểm mặt chỉ tên” 4 nghịch lý này. Thứ nhất: Trong suốt 3 năm qua, từ năm 2007 đến nay, trong khi nguyên liệu sữa trên thế giới đang giảm thì giá sữa nhập ngoại tại thị trường VN nhất quyết “tiến” chứ không lùi. Ở thời điểm năm 2007, thị trường sữa thế giới khủng hoảng giá bán, giá sữa nguyên liệu của các nước Tây Âu đã lên đến 5.700 USD/tấn. Thế nhưng, hơn một năm qua giá sữa liên tục giảm mạnh từ 40 - 60% nhưng giá sữa nhập ngoại tại thị trường trong nước vẫn tăng dần đều. Thứ hai: thuế nhập khẩu sữa giảm thấp hơn mức cam kết vào WTO (năm 2009 hạ thuế xuống mức 18%). Thậm chí, để bình ổn giá và khuyến khích tiêu dùng, Chính phủ giữ nguyên thuế nhập khẩu sữa bột thì sữa nhập vẫn tìm cớ để tăng giá. Giá sữa tại VN với 1,4 USD/lít hiện đang ở mức cao nhất thế giới, trong khi tại Trung Quốc là 1,1 USD/lít, tại Ấn Độ là 0,5 USD/lít và các nước Âu - Mỹ từ 0,5 – 0,9 USD/lít.
Còn phải kể đến sự chênh lệch quá lớn (từ 2,5 – 3 lần) giữa giá sữa bột nhập ngoại và sản xuất trong nước với mức chất lượng tương đương. Với mức giá nguyên liệu nhập khẩu như hiện nay, 1 kg sữa bột về đến VN là 70.000 đồng. Sau khi đã bổ sung các chất vi lượng, khoáng chất và tất cả các chi phí khác thì DN nội địa bán với giá 120.000 – 130.000 đ/hộp 900 gram. Nhưng, các hãng sữa ngoại đẩy lên mức 350.000 – 400.000 đồng.
Thói quen “xấu”
Bên cạnh các yếu tố cấu thành giá sản phẩm như giá sữa nguyên liệu, chi phí sản xuất, đóng gói, lợi nhuận của nhà chế biến, phân phối bán lẻ, các chính sách thuế... thì thị hiếu, xu hướng chọn mua sữa của người tiêu dùng VN đang góp phần đẩy giá sữa tăng chóng mặt. PGS TS Nguyễn Thị Lâm – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết: Kết quả nghiên cứu lâm sàng trên 560 trẻ nhằm so sánh hiệu quả của công thức sữa nội (cụ thể là Dielac Alpha 123) với các công thức sữa ngoại cho thấy nhóm trẻ sử dụng sữa nội phát triển tương đương về mặt chiều cao và phát triển hiệu quả hơn về mặt cân nặng. Có lẽ điều mà các hãng sữa ngoại làm được hơn so với sữa nội chính là biết cách chi và rất chịu chi cho marketing để thu hút sự quan tâm và tạo niềm tin cho người tiêu dùng bằng nhiều chiêu thức, hình ảnh mang tính khoa học như uống sữa tăng chiều cao, thông minh, học giỏi hơn... Năm 2008, các hãng sữa ngoại đã chi khoảng 90 triệu USD cho quảng cáo, tiếp thị, chi phí PR, hoa hồng... Tuy nhiên, rất ít người tiêu dùng biết rằng, tất cả các chi phí trên được các nhãn sữa ngoại đẩy ngược lại vào giá bán tới tay người tiêu dùng.
Ai bảo vệ người tiêu dùng ?
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Chi - Chủ nhiệm CLB Người tiêu dùng nữ bức xúc: “Không thể để tình trạng “người tiêu dùng gánh giá sữa, DN thu lợi nhuận” kéo dài mãi được". Bà Chi đề xuất: “Đã đến lúc người tiêu dùng VN cần liên kết lại, tìm ra những mô hình để bảo vệ quyền lợi của mình. Tại Nhật Bản từng thành lập các CLB Seikatsu với thành viên là những phụ nữ đang nuôi con. CLB này đã gây sức ép buộc các hãng sữa phải cùng hợp tác để đưa ra các sản phẩm sữa an toàn, giá hợp lý”.
Trong khi đó, Tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ VN lại khẳng định: "Giá sữa tại VN cao không phải do các kênh phân phối. Theo khảo sát từ các DN phân phối, lợi nhuận qua bán lẻ tối đa cũng chỉ được 12%. Thậm chí đối với sữa bột nhập khẩu, một hộp sữa, nhà bán lẻ chỉ được 10.000 đồng. Mấu chốt của vấn đề là do các Cty sản xuất, nhập khẩu hưởng siêu lợi nhuận. Do vậy, cần có ngay các cuộc nghiên cứu thị trường toàn diện từ sản xuất/nhập khẩu - phân phối - bán lẻ, từ đó, làm rõ mức lợi nhuận của DN là bao nhiêu. Con số lợi nhuận từ 22 - 86% là mức chênh lệch quá lớn giữa các loại sữa bột. Chúng ta không thể chậm trễ trong việc làm rõ vì sao giá sữa tại VN lại đắt nhất thế giới”.
(Theo Hạnh Lê // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com