Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) vừa đưa ra dự báo năm 2020, Việt Nam sẽ không đủ gạo để xuất khẩu mà chỉ đảm bảo nhu cầu nội địa.
Thu hoạch lúa ở ĐBSCL. Ảnh: Hồng Lĩnh |
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt, dự báo này dựa trên cơ sở tốc độ tăng dân số ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, cả nước nói chung và trên nền tảng nông nghiệp vẫn lạc hậu như hiện nay, nếu không có sự phát triển đột phá.
Từ năm 1990 trở lại đây, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp, sản lượng lúa của nước ta tăng nhanh, năm sau nhiều hơn năm trước. Năm 2007, con số này của riêng khu vực ĐBSCL đạt tới 19 triệu tấn, với diện tích 1,9 triệu ha. Năm 2009, dự báo sản lượng sẽ đạt 20,7 triệu tấn.
Tuy nhiên, do năng suất lúa hiện cơ bản đã đạt đỉnh (trung bình tới 52 tạ/ha) nên, những năm sau này, sản lượng lúa sẽ không hơn nhiều. Theo đó, đến năm 2020, diện tích sản xuất lúa sẽ còn 1,8 triệu ha, và sản lượng cao nhất cũng khoảng 21 triệu tấn.
Trong khi đó, dân số ĐBSCL ước sẽ tăng thêm ba triệu người, cả nước tăng thêm 13 triệu người, nhu cầu lúa gạo sẽ rất lớn. Vì thế, nếu không có sự đột phá về công nghệ nông nghiệp, lúa gạo Việt Nam chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong nước, khó có dư thừa để xuất khẩu.
Một nguyên nhân nữa khiến sản lượng lúa sẽ cầm chừng là do, nhiều nơi, nông dân không còn mặn mà với đồng ruộng. Tình trạng bỏ ruộng hoang hóa đang ngày càng nhiều, đe doạ sản xuất nông nghiệp tại các địa phương.
Theo TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách & Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, biện pháp cần kíp là phải đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Trong đó, cần ưu tiên và phát triển đồng bộ cơ giới hóa nông nghiệp theo chính sách vĩ mô của Nhà nước.
Việc Chính phủ hỗ trợ vốn hoặc cho vay lãi suất thấp để nông dân mua máy móc, thiết bị nông nghiệp là hướng đi đúng nhưng cần cụ thể hơn nữa, nhất là trong việc xác định các loại máy móc, thiết bị được hỗ trợ, tránh tình trạng mua mớ sắt vụn rồi đắp chiếu.
Theo Bộ Công Thương, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trung bình chỉ đạt 220 USD/tấn, bằng 79,6 phần trăm giá gạo trung bình của thế giới, thấp hơn nhiều so với giá gạo của Thái Lan, Ấn Độ, Mỹ và Pakistan. So sánh khác, Việt Nam xuất khẩu gạo nhiều hơn Mỹ 21,5 phần trăm về lượng nhưng lợi nhuận thu được lại ít hơn 11,3 phần trăm.
(Theo Đức Kế // Tienphong Online)
Bài thuộc chuyên đề: Việt Nam: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com