Hàng loạt vụ việc liên quan đến nhập khẩu thịt “bẩn” bị phát hiện thời gian qua đã khiến cho người tiêu dùng không khỏi hoang mang. Đây cũng chính là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trong nước xây dựng thương hiệu, chiếm lĩnh thị trường và niềm tin của người tiêu dùng.
Theo báo cáo của Cục Thú y, lượng thịt nhập khẩu trong ba năm gần đây liên tục tăng nhanh, năm 2007 là 44.178 tấn, năm 2008 tăng lên 119.130 tấn và sáu tháng đầu năm 2009 là 57.206 tấn, trong đó thịt đông lạnh là 49.234 tấn, da muối 8.274 tấn... Mặc dù Cục Thú y đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu nhưng vẫn để “lọt lưới” nhiều lô hàng thịt gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ, ghi sai nhãn mác, dán nhãn mới để thay đổi hạn sử dụng cho các sản phẩm đã quá hạn...
Sự vụ liên quan đến nhập khẩu thực phẩm “bẩn” của Vinafood (thịt), AC Food (sữa) khiến người tiêu dùng vẫn chưa hết hoang mang thì ngày 30-9, cơ quan thú y lại phát hiện 72 tấn chân gà đông lạnh “bẩn” được một doanh nghiệp tại TPHCM nhập khẩu từ Ba Lan. Những sự việc như vậy cho thấy, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đang bị coi nhẹ, trong khi vai trò của Hội Bảo vệ người tiêu dùng khá mờ nhạt. Vinafood là một ví dụ điển hình khi hàng trăm tấn thịt nhập khẩu của công ty này bị các cơ quan chức năng yêu cầu giữ nguyên hiện trạng để xác minh làm rõ nhưng vẫn được tẩu tán. Hành vi đó là một sự xúc phạm nghiêm trọng đối với người tiêu dùng. Trong khi chờ đợi được bảo vệ, người dân đành phải cố gắng trở thành người tiêu dùng “có thông tin”, tự lo cho chính mình.
Thông tin về thịt bẩn đã tác động đến tâm lý người tiêu dùng. Gần đây nhu cầu thực phẩm trong nước đã tăng đáng kể kéo theo giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống trong nước có xu hướng tăng. Tuy vậy, mức tăng không quá mạnh do nguồn cung của ngành chăn nuôi trong nước tại thời điểm này khá ổn định.
Một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Thông tin và Phát triển nông nghiệp nông thôn (AGROINFO) cho thấy xu hướng tiêu dùng thực phẩm tươi sống trong các hộ gia đình tại Việt Nam (xem biểu đồ). Một số loại thực phẩm có mức độ sử dụng hàng ngày rất cao như thịt lợn, có tới 42,7% hộ gia đình được hỏi cho biết có sử dụng hàng ngày; tỷ lệ này với thịt bò là 8,6%, thịt gia cầm là 6,5%. Tỷ lệ các hộ sử dụng thịt lợn, thịt bò và thịt gà vài lần một tuần lần lượt chiếm 52,4%, 55,4% và 53,0% những hộ được hỏi. Một vấn đề đáng quan tâm nữa là có đến 80% các hộ gia đình chọn mua thực phẩm tươi sống tại các chợ truyền thống, số ít còn lại lựa chọn kênh phân phối siêu thị. Những con số thống kê nêu trên cho thấy, thực phẩm tươi sống là một thị trường đầy tiềm năng mà trước nay các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa quan tâm khai thác đúng mức.
Sau các vụ nhập khẩu thực phẩm “bẩn” bị phanh phui, gần đây một số doanh nghiệp trong nước mới bắt đầu tung ra sản phẩm thịt tươi sống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà điển hình là Vissan, CP, Đức Việt, Huỳnh Gia Huynh Đệ... Và sản phẩm của các doanh nghiệp này đang nhanh chóng được nhiều người tiêu dùng đón nhận. Theo cuộc điều tra nói trên, có 12,9% số người được hỏi ở Hà Nội cho biết đã sử dụng thịt của Vissan, còn ở TPHCM con số đó là 74,7%. Đây thực sự là một tín hiệu tốt của thị trường bởi nó phản ánh hai xu hướng: thứ nhất, các doanh nghiệp đã quan tâm nhiều hơn đến thị hiếu, thói quen của người tiêu dùng; thứ hai, người dân cũng đang thay đổi thói quen và dần trở thành những người tiêu dùng “có thông tin”.
Các nhà phân phối cũng nhận thấy sự hấp dẫn của thị trường thực phẩm tươi sống. Điển hình như Metro Cash & Carry, Big C, HaproMart, Saigon Co.op, Fivimart đã nhanh chóng ký hợp đồng với các hộ sản xuất để tung ra thị trường các sản phẩm thịt tươi sống mang thương hiệu riêng. Xu hướng đầu tư chế biến thịt sạch đang được các doanh nghiệp trong nước đầu tư mạnh mẽ. Tháng 6-2009, Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ đã đưa vào hoạt động nhà máy chế biến gia cầm tại Đồng Tháp. Trước đó, công ty này đã có hai nhà máy hoạt động ở Tây Ninh và TPHCM. Ngày 13-8-2009, Vissan cũng được cấp phép đầu tư xây dựng hệ thống nhà máy, chế biến gia súc, gia cầm với tổng số vốn lên tới 700 tỉ đồng tại Long An. Từ thịt bẩn đến thịt sạch, xu hướng này không thể đảo chiều và chắc chắn các doanh nghiệp cần phải tôn trọng người tiêu dùng trong suốt quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu.
______________________
(*) Trung tâm Thông tin và Phát triển nông nghiệp nông thôn (AGROINFO)
(Theo Hanh Phạm (*) // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com