Giải quyết tranh chấp thương mại thông qua Trọng tài kinh tế đã, đang và sẽ trở thành cách giải quyết hiệu quả, tích cực nhất mà DN lựa chọn. Các DN VN cũng nên "chơi" theo cách này để tránh các vụ kiện kinh tế không cần thiết trước tòa mà vẫn bảo toàn mối quan hệ hợp tác với bên tranh chấp - Đó là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế và luật pháp.
Theo Chủ tịch Nguyễn Minh Chí - Trung tâm Trọng tài quốc tế VN (VIAC): Năm 2008, số lượng vụ kiện do VIAC tiếp nhận và xử lý lên con số 58 vụ, tại các nước phát triển, phương thức giải quyết tranh chấp kinh tế thông qua trọng tài thương mại rất phổ biến, nhất là ở những nước có nền kinh tế phát triển, cộng đồng DN VN chủ yếu bao gồm các DNNVV, DN quy mô gia đình nên việc đưa tranh chấp ra giải quyết bằng một thiết chế chính thức, trọng tài hay toà án, với các căn cứ pháp lý cụ thể là chưa nhiều.
DN vẫn thích dùng... “giải pháp tại chỗ”
Theo thống kê của Trung tâm Trọng tài quốc tế VN, trong khoảng 2 năm trở lại đây, có gần 60% số vụ tranh chấp thương mại ở VN là xảy ra giữa các DN trong nước với các đối tác nước ngoài. Và DN VN hầu như vẫn thường thua thiệt trước các DN nước ngoài trong các cuộc chơi kinh tế do thiếu nhiều kinh nghiệm thương trường. Khi bất đồng quan điểm trong kinh doanh các bên đối tác lập tức xảy ra tranh chấp nhưng cách mà các DN VN thường làm là đưa sự việc ra tòa án địa phương để giải quyết.
Tiến sĩ Micheal Moser - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài kinh tế quốc tế HongKong (HKIAC) gọi đó là "giải pháp tại chỗ" và ông cho rằng giải pháp này không phải là cách hiệu quả để lấy được công bằng trong các vụ tranh chấp thương mại. Vì nếu DN VN muốn được giải quyết tranh chấp thương mại tại nước mình để hưởng các "ưu thế sân nhà" thì DN nước ngoài cũng vậy. Như vậy, các bên tranh chấp dù đã nhận được phán xét cuối cùng của tòa án cũng không thỏa mãn hoàn toàn, từ đó có thể dẫn đến việc cưỡng chế thi hành các quyết định của tòa án như bồi thường thiệt hại cũng khó thực hiện. Hơn nữa, chi phí cho các vụ kiện từ khi bắt đầu đến khi kết thúc có thể lớn gấp nhiều lần so với số tiền có thể bên thắng kiện được nhận. Do đó, để giải quyết dễ dàng và đảm bảo khách quan cho tất cả các bên trong tranh chấp, Tiến sĩ Moser khuyên các DN VN nên tìm công bằng tại một "người thứ ba" đó là các trọng tài kinh tế quốc tế.
Lợi hơn ra tòa
Không phải các DN VN "thích" ra tòa để giải quyết các vụ tranh chấp thương mại mà vấn đề lại nằm ở chỗ các DN chưa có thói quen soạn thảo một hợp đồng làm ăn chặt chẽ với phía đối tác nước ngoài. Do đó, DN VN dễ bị các DN nước ngoài lợi dụng điều đó để... bắt chẹt.
Ông Christoper Wing To - Tổng Thư ký HKIAC khuyên các DN VN ngay khi soạn thảo hợp đồng nhớ ghi rõ một điều khoản: Nếu xảy ra tranh chấp, khi hai bên không thương lượng được thì tranh chấp sẽ được giải quyết theo quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài kinh tế quốc tế. Như vậy sẽ đảm bảo cho các vụ tranh chấp mau chóng được giải quyết. Các trọng tài kinh tế tại một nước thứ ba luôn khách quan vì họ không bị phụ thuộc vào ý chí của các bên tranh chấp như các tòa án địa phương. Luật được áp dụng trong các cuộc phân xử tranh chấp là luật dựa trên Bộ luật mẫu của Ủy ban Thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc (UNCITRAL), Hiệp định New York. Bộ luật quốc tế được nhiều nước công nhận. Do đó, mọi phán xét cuối cùng của trọng tài kinh tế có hiệu lực rất cao buộc bên thua trong trong vụ tranh chấp phải thực hiện đối với bên thắng dù là ở quốc gia nào.
(Theo báo Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com