Sau một thời gian chuẩn bị không ngắn, sản phẩm đầu tiên ra đời định hướng cho thị trường này là nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 3.1.1996 của bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động thương nghiệp, phát triển thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Còn sau đó bảy năm là quyết định số 311/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Tiếp tục tổ chức thị trường trong nước, tập trung phát triển thương mại nông thôn đến năm 2010 ngày 20.3.2003. Và gần đây nhất là quyết định số 27/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển thương mại trong nước đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Mặc dù vậy, cho tới thời điểm hiện tại, vẫn còn không ít vấn đề đặt ra trong việc phát triển các thị trường này. Trong đó, ba vấn đề không thể tách rời nhau sau đây có lẽ là nổi cộm nhất:
– Thứ nhất, tuy xuất khẩu tăng mạnh hơn mục tiêu chiến lược là điều hết sức đáng mừng, nhưng xuất khẩu và thị trường trong nước đang ngày càng phụ thuộc nặng nề hơn vào nhập khẩu cũng là một thực tế không thể không sớm tìm ra lời giải thoả đáng. Trong đó, cho dù không được đề cập, hoặc chí ít là “rất mờ” trong các đề án và chiến lược nói trên, nhưng không thể phủ nhận một thực tế là, hiện đang có một bộ phận thị trường trong nước rất quan trọng của chúng ta đang nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Đó chính là thị trường không chỉ nhiều nguyên liệu chính, mà cả hàng loạt các linh kiện, phụ tùng, phụ liệu của nhiều ngành sản xuất lên tới nhiều chục tỉ USD mỗi năm.
- Thứ hai, cho dù “rổ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng” năm 2008 đã “nở ra” tới trên 968 ngàn tỉ đồng, đã cao hơn 168 ngàn tỉ đồng và 21% so với mục tiêu đạt 800 ngàn tỉ đồng năm 2010 (theo đề án năm 2007), nhưng nếu loại trừ yếu tố tăng giá thì chỉ tăng 6,5%, còn năm tháng đầu năm nay ước cũng chỉ tăng 8,4%, cho nên rõ ràng là vai trò thúc đẩy nền kinh tế phát triển của nó vẫn còn quá yếu so với mục tiêu tăng 11%.
Có thể nói, ẩn phía sau các con số này không chỉ là việc các ngành sản xuất đang đứng trước áp lực thiếu thị trường rất lớn để phát triển, đặc biệt là trong điều kiện thị trường xuất khẩu đang “co lại” quá mạnh do những tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mà còn là tình trạng người tiêu dùng càng nghèo càng “bị móc túi” nhiều hơn do giá cả những mặt hàng thiết yếu tăng phi mã.
- Thứ ba, do khoảng cách giàu nghèo giữa hai khu vực đô thị và khu vực nông thôn nước ta rất lớn, cho nên thị trường khu vực nông thôn càng ngày càng kém phát triển so với khu vực đô thị. Sự “chậm lớn” của thị trường trong nước so với thị trường xuất khẩu như đã đề cập chính là bắt nguồn từ nguyên nhân cơ bản này. Đây cũng chính là lý do khiến bản Đề án năm 2003 được định danh là “tiếp tục tổ chức thị trường trong nước, tập trung phát triển thương mại nông thôn” như nói ở trên.
( Theo Nguyễn Đình Bích // SGTT Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com