Sau khi báo SGGP có 2 bài viết về vai trò của các hiệp hội trong xuất khẩu nông sản, nhiều ý kiến cho rằng cần nói thêm về tình hình xuất khẩu cá tra (bao gồm cá ba sa), bởi đây là sản phẩm được Chính phủ xác định là thế mạnh của vùng đồng bằng sông Cửu Long, chỉ sau lúa gạo. Đầu ra cho mặt hàng này thời gian qua luôn là trăn trở của nông dân mà phần thua thiệt luôn về phía họ.
Từ mô hình ban điều hành xuất khẩu cá tra
Nga, với đất nước rộng lớn, dân số đông, tiêu chuẩn không quá khắt khe như các nước EU… được Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định là thị trường tiềm năng số 1 của Việt Nam về mặt hàng cá tra, ba sa trong thời gian tới.
Năm 2008 đánh dấu sự bùng nổ xuất khẩu vào thị trường này, nhưng cũng là đỉnh điểm của sự bát nháo, giành giựt khách hàng của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản. Hậu quả, phía Nga đình chỉ việc nhập khẩu mặt hàng này từ tháng 12-2008. Để giải quyết vấn đề trên, Ủy ban Điều hành xuất khẩu cá tra sang Nga đã ra đời để điều phối việc xuất khẩu mặt hàng cá tra, kể cả một số sản phẩm thủy sản khác nhằm tìm cách “mở cửa” trở lại thị trường Nga.
Chế biến cá tra ở Công ty Chế biến thủy sản Cần Thơ (CATACO). Ảnh: THÁI BẰNG |
Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lương Lê Phương, đây là mô hình mà Bộ NN-PTNT dự định hướng tới trong việc tổ chức lại việc xuất khẩu nhiều mặt hàng khác, trong đó có tôm sú... Dù chưa phải mọi thứ đều đã được giải quyết, nhưng việc ra đời của ủy ban này cho thấy, đây là hướng đi đúng trong bối cảnh hiện nay, nhằm liên kết tất cả DN lại với nhau khi xuất vào thị trường nào đó, điều mà trước đây VASEP và nhiều hiệp hội khác chưa làm được.
Không ít DN băn khoăn, ban điều hành do Bộ NN-PTNT đảm trách hay giao chuyển cho VASEP. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh (Chủ tịch danh dự VASEP), việc lập ban điều hành là bước tiến dài trong quá trình lập lại trật tự trong xuất khẩu, hạn chế tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, nhưng vai trò này nên để cho hiệp hội ngành nghề đảm trách, xét về lâu dài để phù hợp với xu thế của thế giới.
Tuy nhiên, qua đó cũng cho thấy, VASEP chưa thực sự đủ uy và lực trong việc điều phối giữa các DN để họ nghe theo nên còn phải trông chờ vào Bộ NN-PTNT. Ngay cả việc xem xét DN đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Nga, cách làm không rõ ràng trong danh sách 8 DN được xét đợt đầu tiên này thiếu nhiều tên tuổi lớn của ngành chế biến cá tra. Những thắc mắc này cho thấy còn tiềm ẩn những cơn “sóng ngầm”.
Đến nghị định xuất khẩu gạo
Gạo là mặt hàng có nhiều điều chỉnh trong suốt 20 năm xuất khẩu, từ việc xuất khẩu gạo phải có hạn ngạch (quota) do Chính phủ cấp, sau đó chuyển qua Bộ Thương mại, rồi bỏ hạn ngạch… Từ việc hạn chế thành phần được xuất khẩu gạo, Nghị định 12 NĐ-CP ngày 23-1-2006 cho phép thương nhân thuộc các thành phần kinh tế đều được xuất khẩu gạo.
Bộ Thương mại phối hợp với Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh có sản lượng lúa hàng hóa lớn và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) điều hành xuất khẩu gạo hàng năm. Thủ tướng Chính phủ xác định chỉ tiêu về lượng gạo xuất hàng năm. VFA đảm trách việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo của DN…
Cơ chế này tạo ra sự thông thoáng trong kinh doanh xuất khẩu gạo, nhưng cũng bộc lộ những hạn chế: Việc kinh doanh xuất khẩu gạo mới thực hiện phần ngọn của quá trình sản xuất, chế biến, lưu thông và xuất khẩu gạo. Có trường hợp, việc khống chế lượng gạo xuất khẩu theo chỉ tiêu hướng dẫn hàng quý gây bức xúc trong nông dân, khi thị trường được giá cao lại khống chế lượng xuất nên người trồng lúa không bán được giá cao, cụ thể là năm 2008…
Từ đó dẫn đến lúng túng trong điều hành, nhất là khi có biến động về giá trong nước và ngoài nước, tạo tâm lý không đồng thuận một số DN, địa phương và bà con. Vì vậy, một dự thảo Nghị định xuất khẩu gạo mới (được góp ý và chỉnh sửa lần thứ 4) sắp được ban hành sẽ dựa trên một số nội dung cơ bản: kinh doanh lúa gạo phải có điều kiện, không để DN kinh doanh khi không có kho tàng, cơ sở chế biến…, người kinh doanh lúa gạo phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, đảm bảo nông dân có lãi, công bố giá sàn xuất khẩu, việc đấu thầu hợp đồng tập trung và quy định về dự trữ lưu thông…
Nhưng điều này chưa hẳn tốt hoàn toàn, vì ý kiến của những DN vừa và nhỏ cũng đáng được xem xét, khi họ đề nghị nhà nước xem lại tổng lượng gạo xuất khẩu của những hợp đồng do họ ký kết trong năm nay chiếm bao nhiều phần trăm để có cái nhìn chính xác hơn về vai trò, vị trí của họ. Quy định này có nguy cơ tạo ra làn sóng đầu tư mới vào kho tàng, nhà máy xay xát dẫn đến sự dư thừa, lãng phí…
Qua đó, một lần nữa cho thấy, việc hoàn chỉnh quy chế là điều cần thiết, nhưng vai trò của nhà nước không thể thiếu trong việc điều hành xuất khẩu nông sản trong giai đoạn hiện nay. bởi trong thực tế Hiệp hội vẫn chưa đủ sức trong việc đảm nhiệm trọng trách, không ít hiệp hội còn bị cho là cục bộ khi điều hành.
(Theo CÔNG PHIÊN // SGGP online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com