Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong năm 2009 đã có 37.018 bộ C/O mẫu AJ được cấp, đạt kim ngạch xuất khẩu 1,7 tỷ USD chiếm 27,81% tổng kim ngạch xuất khẩu sang Nhật Bản. Đây là số bộ C/O được cấp và kim ngạch xuất khẩu cao nhất mà Việt Nam đang áp dụng cho đến nay trong số các C/O ưu đãi thuộc các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Nhật Bản sử dụng mẫu C/O AJ là hàng dệt may, thủy sản, dây cáp điện, máy móc và phụ tùng, dầu thô, máy móc điện tử và linh kiện, sản phẩm gỗ trong đó có một số mặt hàng có tỷ lệ sử dụng mẫu C/O mẫu AJ cao khi xuất bản sang Nhật Bản gồm có đá quý, kim loại quý (85.07%), sản phẩm chất dẻo (77,62%), thủy sản (70,24%), giày dép (66,58%), hóa chất và sản phẩm hóa chất (50,96%), dệt may (47,95)…. Một số sản phẩm mây tre, cói và thảm, hàng rau quả cũng có tỷ lệ sử dụng C/O mẫu AJ cao trên 40%. So với 9 tháng đầu năm 2009, tỷ lệ sử dụng C/O AJ của nhiều nhóm hàng như đá quý, kim loại quý sản phẩm chất dẻo, thủy sản, giày dép, dệt may, rau quả đều tăng cho thấy hiệp định AJCEP và việc tận dụng các cam kết cắt giảm thuế quan để thâm nhập vào thị trường Nhật Bản đã đem lại lợi thế so sánh cho hàng xuất khẩu Việt nam so với hàng hóa của các nước không tham gia hiệp định này.
Tuy nhiên, theo phản ánh của một số doanh nghiệp hiện nay việc cấp C/O còn phức tạp gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Dương Minh Tâm lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu ở Rạch Giá, Kiên Giang cho biết: Doanh nghiệp của ông mỗi lần xin cấp C/O phải về Cần Thơ hoặc lên Sài Gòn, nếu chứng từ không đầy đủ hoặc không đúng thì phải đi đi, về về rất mất thời gian, chưa kể đến theo quy định như hiện nay một bộ C/O AJ phải cần đến 6-7 loại chứng từ là quá nhiều. Theo ông Tâm, việc cấp C/O nên quy về một mối, và nếu được Bộ Công Thương nên ủy quyền cho các Sở Công Thương địa phương thực hiện để tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại cho các doanh nghiệp. Thủ tục giấy tờ cũng nên đơn giản hóa, có như vậy mới tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.
Ông Phạm Bá Cường- Vụ Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương- cho biết: Trong thời gian sắp tới Bộ Công Thương sẽ xem xét tỉnh nào có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sẽ thiết lập các phòng quản lý xuất nhập khẩu để cấp C/O tại chỗ cho các doanh nghiệp tại địa phương, đồng thời đẩy mạnh việc cấp C/O qua mạng dần dần tiến tới việc điện tử hóa hoàn toàn C/O để tiết kiệm thời gian cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó phân loại các ngành hàng, doanh nghiệp để đơn giản hóa các quy định về thủ tục chứng từ nhằm cải cách về thủ tục chứng từ trong việc cấp C/O ...
Cũng theo ông Cường, để đảm bảo các lợi ích mà doanh nghiệp được hưởng khi xuất khẩu sang một số thị trường ASEAN - Nhật Bản, các doanh nghiệp cần liên tục cập nhật, nghiên cứu, tính toán cách tính thuế giảm qua các năm để có thể áp dụng loại C/O thích hợp nhất. Theo mức cam kết cắt giảm thuế quan áp dụng từ 01/4/2010 sẽ giảm khá nhiều các dòng thuế đặc biệt là dành cho nhóm thủy sản, thịt rau, củ quả, da giầy. Do vậy, trong thời gian thực hiện Hiệp định các doanh nghiệp nên quan tâm đến chứng từ về xuất xứ để cấp C/O về ưu đãi thuế quan. Đặc biệt giữa hai hiệp định Việt Nam- Nhật Bản và ASEAN - Nhật Bản luôn có sự tương đồng và bổ trợ cho nhau đối với nhiều mặt hàng. Doanh nghiệp nên nghiên cứu kỹ hai biểu thuế này, áp dụng một cách linh hoạt để tìm ra mức thuế thấp hơn nhằm đảm bảo lợi ích tối đa, tạo thuận lợi nhất cho hoạt động xuất khẩu.
(Theo Nguyễn Huế - Công Thương)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com