![]() |
Khó khăn đối với ngành sản xuất xe đạp vẫn còn ở phía trước. Ảnh: Lê Toàn |
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Ngô Vĩ Hưng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Tín Thăng cho biết, trước năm 2005, Công ty xuất khẩu 500.000 xe/năm sang thị trường EU, nhưng từ khi bị áp thuế chống bán phá giá, hoạt động sản xuất đình đốn, Công ty buộc phải cắt giảm lao động từ 500 người xuống còn 50 người, chủ yếu là làm hành chính và một bộ phận nhỏ làm gia công thiết bị cho một số đơn vị khác trong nước.
“Đang từ chỗ có đội ngũ công nhân lành nghề, sản xuất ổn định, chúng tôi rơi vào tình cảnh thiếu lao động trầm trọng. Trong bối cảnh hiện nay, không chỉ gặp khó trong việc tuyển dụng, mà chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn do phải đào tạo từ đầu”, ông Hưng nói.
Theo nhận định của ông Hưng, mặc dù thuế chống bán phá giá đã chính thức được bãi bỏ, nhưng khả năng hồi phục của các doanh nghiệp còn rất khó khăn, do hệ lụy của việc bị áp thuế chống bán phá giá một cách vô lý, khiến không chỉ các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp, mà toàn bộ hoạt động sản xuất của ngành xe đạp Việt Nam bị tác động nghiêm trọng.
Chia sẻ ý kiến này, ông Châu Vĩ Chí, Giám đốc điều hành Công ty Asama Yuhjiun (tại Khu công nghiệp Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho biết, trước năm 2005, năng lực sản xuất của Công ty đạt trên 300.000 xe đạp/năm, trong đó xuất khẩu bình quân 200.000 xe/năm vào thị trường EU. “Để có được sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường, chúng tôi đầu tư rất lớn cho việc đào tạo gần 100 cán bộ kỹ thuật cao cấp. Tuy nhiên, do sản xuất ngưng trệ, toàn bộ số cán bộ nói trên đã chuyển sang lĩnh vực khác. Để có được đội ngũ cán bộ như vậy trong thời điểm hiện tại là điều không hề đơn giản”, ông Chí nói.
Thống kê của Hiệp hội Ô tô - Xe máy - Xe đạp Việt Nam (VAMOBA) cho thấy, trước năm 2005, tổng số lao động trong ngành xe đạp là 210.000 người, nhưng hiện chỉ còn chưa tới 5.000 người...
Đề cập việc bãi bỏ thuế chống bán phá giá áp dụng đối với xe đạp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU, ông Lê Quốc Tạo, Chánh văn phòng VAMOBA cho rằng, xe đạp Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh tại thị trường xuất khẩu này.
Tuy nhiên, ông Ngô Vĩ Hưng nhận định, khó khăn đối với ngành xe đạp vẫn còn ở phía trước. “Với hiện trạng dây chuyền kỹ thuật và đội ngũ lao động như hiện nay, phải sau ít nhất 1 năm nữa, các doanh nghiệp mới có sản phẩm xuất khẩu. Nhưng khi đó, rất có thể, xe đạp Việt Nam sẽ phải đương đầu với đối thủ đáng gờm là xe đạp Trung Quốc, nếu như xe đạp Trung Quốc không bị áp thuế chống bán phá giá tại thị trường này”, ông Hưng nói.
Bên cạnh đó, theo ông Hưng, sau 5 năm gián đoạn xuất khẩu, thị hiếu tiêu dùng của người châu Âu đã thay đổi khá nhiều. Nhiều chi tiết trước đây chưa hề có trong sản phẩm, như chức năng điện tử, hỗ trợ hoạt động (báo tốc độ, tình trạng xe...), thì nay đã trở thành tiêu chí không thể thiếu đối với sản phẩm xe đạp xuất khẩu. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải khảo sát kỹ lưỡng trước khi đầu tư sản xuất sản phẩm mới.
Ngoài ra, các thị trường nhập khẩu cũng đòi hỏi khắt khe hơn về tiêu chuẩn. Chẳng hạn, trước đây, các doanh nghiệp xe đạp Việt Nam được phép sử dụng thiết bị nhập ngoại để hoàn thiện sản phẩm với tỷ lệ 40/60, nhưng hiện tại, EU chỉ cho phép tỷ lệ 30/70. Điều này có nghĩa là áp lực nội địa hóa ngày càng tăng cao, trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp ngành xe đạp còn đang loay hoay với hệ thống dây chuyền thiết bị cũ kỹ.
Tuy phải đối mặt với nhiều thách thức như vậy, song theo nhận định chung của các doanh nghiệp xuất khẩu, việc khôi phục thị trường xuất khẩu không phải là quá khó, nếu doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thị trường, đầu tư trang, thiết bị và ổn định lao động để sản xuất.
(Theo Viễn Nguyệt // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com