![]() |
Một số hiệp hội ngành hàng còn ít chú ý đến việc bảo vệ thị trường nội địa |
Trở lại câu chuyện Tổng công ty Viglacera đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh tiến hành điều tra với mặt hàng kính nổi hồi tháng 7/2009, bà Vũ Thị Hải Anh, Trưởng phòng Pháp chế (Viglacera) kêu rằng, trong suốt quá trình diễn ra vụ điều tra tự vệ nói trên, việc thu thập số liệu nhập khẩu phải theo phương pháp không chính thức, vì chưa có quy định nghĩa vụ của cơ quan hải quan trong việc cung cấp thông tin trong trường hợp này. Việc tiếp xúc với thông tin khó khăn, khiến quá trình thu thập bằng chứng về sự tác động của hàng nhập khẩu tại thị trường trong nước của các doanh nghiệp (DN) không thuận lợi.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh cho rằng, cần có sự thay đổi trong việc cung cấp thông tin của cơ quan quản lý chuyên ngành, nhằm giúp các DN và tổ chức thuận lợi hơn khi thực hiện đề nghị điều tra áp dụng phòng vệ thương mại. "Việc chưa thị trường hóa thông tin và thông tin mới chỉ được phục vụ cho quản lý, chưa phục vụ tích cực cho các tổ chức xã hội là một rào cản lớn cho quá trình điều tra để áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại", luật sư Huỳnh phân tích và cho rằng, cần sớm thay đổi tình trạng này, nhằm tạo điều kiện cho các DN, tổ chức tiến hành các công việc có liên quan khác.
Theo ông Huỳnh, các DN rất khó tiếp cận thông tin từ các cơ quan chức năng, khi mà thông tin về giá, về sản lượng nhập khẩu do cơ quan hải quan nắm giữ, còn thông tin về thiệt hại của ngành sản xuất nội địa, như sản xuất, tiêu thụ, tồn kho, mất việc làm..., thì nằm ở phía cơ quan quản lý ngành, cơ quan thống kê.
Ông Huỳnh cho biết, cơ quan hải quan có thể đăng tải công khai những số liệu liên quan tới hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam từ thị trường nào, thời gian nào... Cơ quan thống kê cũng có thể làm được điều này để tạo thuận lợi cho việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại. "Cần có quy định rõ ràng về trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước có liên quan, cũng như trách nhiệm của các bên liên quan đối với thông tin được tiếp cận", ông Huỳnh đề xuất.
Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam liệt kê, hàng nhập khẩu vào Việt Nam hiện qua nhiều kênh: chính ngạch, tiểu ngạch, tạm nhập tái xuất, nhập lậu qua biên giới. Việc thống kê mặt hàng nào được nhập và tiêu thụ ở đâu là một thách thức lớn đối với công tác điều tra về ảnh hưởng của hàng nhập khẩu với thị trường. Trước mớ bòng bong thông tin, các DN, cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn, nhất là khi muốn điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố kết quả từ một cuộc điều tra liên quan tới sự hiểu biết của DN tới hội nhập kinh tế quốc tế. Có tới 66% DN được hỏi không biết hoặc biết sơ qua các nội dung cơ bản của các hiệp định trong khuôn khổ WTO. Có tới 81,4% DN không biết hoặc biết sơ qua các vấn đề đang được tiếp tục đàm phán trong khuôn khổ WTO.
"DN Việt Nam đang rất bị động trong hội nhập kinh tế quốc tế, khiến họ chưa tìm hiểu được cặn kẽ các tập quán kinh doanh và các công cụ có thể vận dụng nhằm chống lại sự xâm lấn ồ ạt của hàng nhập khẩu. Trong khi đó, công cụ phòng vệ thương mại khá hữu hiệu nhưng đặc trưng, nên cần sự hiểu biết sâu của DN", luật sư Huỳnh nhận xét.
Một nguyên nhân khác tác động tới việc DN trong nước chưa thực sự quan tâm tới hệ thống phòng vệ thương mại ngay trên "sân nhà" là DN, hiệp hội ngành hàng còn ít chú ý đến thị trường nội địa và việc bảo vệ thị trường này trước hàng nhập khẩu. Số liệu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho thấy, tỷ lệ hàng tiêu thụ của ngành này tại thị trường nội địa chỉ là 20%, trong khi xuất khẩu lên tới 80%. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở một số ngành khác.
Ông Kiêm cho rằng, các hiệp hội đã ra đời, nhưng bản thân trong mỗi hiệp hội vẫn tồn tại những mâu thuẫn về lợi ích, khiến DN gặp khó khăn khi muốn sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Cụ thể, trong vụ kính nổi nói trên, ngay trong Hiệp hội Kính xây dựng Việt nam cũng có xung đột lợi ích, bởi đương nhiên, nhà nhập khẩu sẽ khác quan điểm với nhà sản xuất. Hay như vụ Thép Việt Ý sản xuất thép tại Trung Quốc trước đây, thì lợi ích của các DN trong Hiệp hội Thép Việt Nam cũng khá mâu thuẫn.
Thực tế trên đã làm giảm ảnh hưởng và sự hỗ trợ cần thiết của các hiệp hội với các DN thành viên trong việc áp dụng công cụ phòng vệ thương mại. Vì vậy, bà Anh kiến nghị, cần bổ sung quy định về trách nhiệm hỗ trợ của các cơ quan với hoạt động của các DN liên quan tới vấn đề này.
(Theo Duy Đông // Báo đầu tư)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com