Những thông tin tại buổi gặp gỡ, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Campuchia, doanh nghiệp Việt kiều tại Campuchia sáng 4.4 đã cho thấy những cơ hội mới được đẩy lên, không chỉ là bán hàng sang Campuchia.
![]() |
Người tiêu dùng Campuchia tham quan hội chợ. Ảnh: Huy Tâm |
Cuộc gặp gỡ diễn ra trong khuôn khổ hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao và xuất khẩu tại Phnom Penh.
Ông Vương Bình Thạnh, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang dành khoảng mười phút để nói về các khu kinh tế cửa khẩu và chính sách thu hút đầu tư của An Giang vào khu kinh tế này. Ông Thạnh kêu gọi: 15.000 sản phẩm của Việt Nam và các nước đang được bày bán ở khu vực này. An Giang ưu tiên đầu tư để làm kho hàng, thúc đẩy việc đưa hàng qua biên giới.
Xuất khẩu: điểm nhấn đầu tư
Ông Veng Sothy, phó Quốc vụ khanh, bộ Thương mại Campuchia, khẳng định thương mại là một trong mười mũi nhọn của Campuchia, làm thay đổi diện mạo đất nước. Cuộc chiến chống đói nghèo để đưa thu nhập bình quân đầu người từ 288 USD lên trên 588 USD trong chưa đầy một thập niên là thành công trong khi nhiều nước lâm vào bế tắc.
Ông khẳng định: “Thương mại là nền tảng của chương trình phát triển của Campuchia. Nhiều chính sách ưu đãi được Chính phủ Campuchia thực hiện, các doanh nghiệp từ Việt Nam đầu tư chắc chắn sẽ được ưu đãi kép do chính sách của Campuchia và do sự ưu đãi của các nước dành cho Campuchia”.
Ông Dy Thon, cố vấn Thủ tướng Chính phủ, phó chủ tịch Hội đồng phát triển Campuchia nhấn mạnh: “Chính phủ Campuchia mong muốn các nhà đầu tư từ Việt Nam sang Campuchia và ngược lại phải suy nghĩ đầu tư vào Campuchia, không chỉ làm ra sản phẩm hàng hoá phục vụ tiêu dùng trong nước mà còn có thể xuất khẩu”. Theo ông có xuất khẩu mới có thể hưởng sự ưu đãi của các nước dành cho nước chưa phát triển.
Ông giới thiệu bảy lĩnh vực để các nhà đầu tư lưu ý. Trong đó chênh lệch năng suất lúa tại Campuchia (2,8 tấn/ha) và Việt Nam (7 – 8 tấn, thậm chí 10 tấn/ha) là một gợi ý nên làm gì? Hiện nay, Campuchia đầu tư vào thuỷ lợi, có kênh đào thì đáp ứng nhu cầu trồng lúa, nhưng lại thiếu kỹ thuật, thiếu vốn… nhà đầu tư Việt Nam nên đầu tư vào lĩnh vực này, chế biến và xuất khẩu hàng hoá có xuất xứ Campuchia.
Campuchia còn có tiềm năng du lịch biển, du lịch văn hoá với các kỳ quan – các nước muốn được chiêm ngưỡng. Đầu tư thương mại tại Campuchia nên nghĩ tới hướng sản xuất tại đây, chinh phục du khách tại đây.
Điện lực, năng lượng, công nghiệp giày, dép, dệt may mặc, nhu cầu nâng cao trình độ nhân lực đều là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư.
Kiến nghị tháo gỡ chính sách
Tuy nhiên, đầu tư vào Campuchia vẫn chưa thực sự trôi chảy với một số trường hợp cụ thể. Chị Đồng Thị Lan Hương, phó trưởng phòng xuất nhập khẩu Nam Hà Pharma, cho biết, quy định tân dược vào Campuchia phải có một nhà phân phối, liệu có quá khó cho doanh nghiệp? Ông Đặng Chí Hùng, đại diện nhôm Kim Hằng cho rằng việc tính thuế 35% vào sản phẩm nhôm là đánh đồng nhôm với các loại kim loại màu khác. Điều đó sẽ khó cho việc đưa hàng từ Việt Nam sang và khiến người tiêu dùng Campuchia vừa gánh chịu hàng giá cao. Trong khi đó, theo đại diện của Điện Quang, việc tính thuế theo trọng lượng: 4 USD/kg, hàng Việt Nam sẽ khó vào Campuchia.
Bà Vũ Kim Hạnh, giám đốc trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho biết, sắp tới sẽ có cuộc hội nghị hợp tác giữa Việt Nam- Campuchia. Bà kỳ vọng các doanh nghiệp được tham dự và đưa ra yêu cầu về chính sách để chính phủ hai nước xem xét.
Ông Khiêu Seng Heng, vụ phó vụ Pháp chế và cấp giấy phép kinh doanh, thuộc bộ Thương mại Campuchia cho rằng bộ Thương mại rất muốn nghe những tình huống cụ thể như vậy để xem xét điều chỉnh.
(Theo Hoàng Lan // SGTT Online)
Ngài Cham Prasidh, bộ trưởng Thương mại Vương quốc Campuchia: Cơ hội tốt cho tất cả thương nhân Việt Nam Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao và xuất khẩu lần thứ 9 diễn ra tại Phnom Penh, Campuchia (từ 3 – 7.4.2010) chính thức khai hội vào 19 giờ ngày 3.4.2010 với sự tham dự của ngài Cham Prasidh, bộ trưởng cao cấp, bộ trưởng bộ Thương mại Vương quốc Campuchia cùng các quốc vụ khanh bộ Thương mại, các quan chức Phnom Penh và các tỉnh Kandal, Takeo… Ngài Cham Prasidh, bộ trưởng Thương mại Vương quốc Campuchia nhận xét, thông qua việc tổ chức thành công hội chợ thương mại Việt Nam tại Campuchia, mối quan hệ thương mại giữa Campuchia – Việt Nam có sự phát triển đáng kể. Kim ngạch thương mại Campuchia – Việt Nam từ mức 935 triệu USD năm 2006 đã tăng lên 1.333 triệu USD năm 2009. Hai tháng đầu năm 2010, đạt 264,7 triệu USD, tăng 54,8% so cùng kỳ năm 2009. Ngài Cham Prasidh, đưa ra thông điệp: “Để thực hiện mục tiêu thúc đẩy thương mại, xây dựng khu vực biên giới thành biên giới hoà bình và thịnh vượng thương mại do Thủ tướng Samdech Akeah Mohasêna Badey Hun Sen đề ra, nhiều kế hoạch đã được đưa ra nhằm phát triển nền kinh tế Campuchia, xúc tiến các hoạt động thương mại, chuẩn bị cho luật Thương mại mới và duy trì nhiệm vụ tiếp cận thị trường của Campuchia đối với khu vực và thế giới. Đây là một cơ hội tốt cho tất cả thương nhân Việt Nam làm ăn và đầu tư tại Campuchia, vì sẽ được hỗ trợ về mặt pháp lý và tham gia vào các hoạt động xúc tiến thương mại vì lợi ích của hai nước”. |
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com