Ngày xưa, ở nông thôn, không phải bao giờ người ta cũng có thịt để ăn. Thịt hiển nhiên trở thành món ăn rất quý và khá xa xỉ. Vì vậy, mỗi lần nấu thịt kho, mẹ tôi thường nấu luôn một nồi canh để tận dụng nước luộc thịt (thịt sau đó được kho lại với nước dừa thì nước thịt kho sẽ rất trong). Đó là canh răm hành.
Nguyên liệu rất đơn giản và “cây nhà lá vườn”:
- Nước luộc thịt.
- Một ít thịt bằm nhuyễn.
- Rau răm xắt đừng nhỏ quá: 1 chén.
- Hành lá xắt như để kho cá: 1 chén.
Cách thực hiện:
Sau khi vớt thịt ra, nồi nước thịt được đun sôi tiếp. Kế đến để thịt bằm vào. Đợi thịt chín tới thì cho rau răm và hành vào rồi nhấc xuống ngay. Sau đó mới nêm bột ngọt, đường, muối, nước mắm cho vừa ăn.
Canh răm hành ăn nóng với cơm và một món kho quẹt như cá bóng kho quẹt hay cá lòng tong kho quẹt, rất ngon. Mùi thơm đặc trưng của rau răm và hành hòa quyện vào cái ngọt của thịt lại thêm vị béo của mỡ. Khi quẹt một miếng cơm trắng nóng dẻo vào cá kho, lại húp thêm một tí canh răm hành thì còn gì bằng... Đâu đó một chút tiêu cay cay trong món cá kho bắt gặp thịt mỡ béo ngậy, quyện vào vị đặc trưng của mấy lá rau răm trong món canh. Quả thật dân dã mà đậm đà không sao quên được!
(Nguồn: VƯƠNG THỊ NGUYỆT QUẾ // Haugiang Online)