Gỏi mít non- đặc sản đất Quảng. |
Nhắc đến Quảng Nam, người ta nghĩ ngay đến món mì Quảng- một món ăn vang danh khắp trong Nam ngoài Bắc. Tuy nhiên người xứ Quảng còn có câu ca dao: “Ai lên nhắn với nậu nguồn/Mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên...”. Khách phương xa đến đây, đều muốn thưởng thức xem mít non cá chuồn xứ Quảng có gì đặc sắc mà câu ca kia ca tụng.
Dù tại TP Đà Nẵng hay trên các nẻo chợ quê, có nhiều điểm bán mít non chất thành đống nho nhỏ bên đường, nếu có dịp bạn nên ghé vào các quán ăn hay những nhà hàng để thưởng thức món nộm mít. Thật ra cách làm món này cũng đơn giản: người ta lựa trái mít non, suôn đều, to độ bắp chân người, gọt vỏ ngoài, lau sạch nhựa cắt dọc từng miếng dày cỡ 3cm, rồi trụng nước sôi. Tách miếng mít ra, trộn với ít rau húng, rau quế... Chấm với mắm tôm hay mắm nêm với tỏi, ớt rồi ăn. “Cao cấp” hơn, người ta xắt nhỏ mít đã trụng, trộn với tôm khô, đậu phông rang, giã dập. Xúc bánh tráng ăn. Vị chát chát của mít non, vị bùi béo của đậu phộng và vị ngọt của tôm khô quyện vào nhau hòa với tiếng bánh giòn rôm rốp làm người ăn mãi đến quên thôi! Người Đà Nẵng còn dùng mít non trộn sứa, thịt heo ba rọi thành một món cao cấp dùng đãi khách. Đây cũng là một trong những món ăn “đắt hàng” ở các nhà hàng.
Cá chuồn có nhiều ở biển miền Trung. Thông thường cá được kho, chiên hoặc nấu canh. Nhưng vào tay các đầu bếp có đẳng cấp, con cá chuồn sẽ được nâng cấp thành đặc sản. Thịt cá thơm, chắc, ngọt đậm đà nhưng bộ trứng cá, ruột cá là quí hơn cả dùng làm gỏi trứng. Người ta thu mua nhiều bộ ruột, trứng, làm sạch, phơi khô sau đó đem luộc chín, trộn với tôm lõi hấp chín, thịt ba rọi luộc, xắt mỏng, đậu phộng rang, giã dập, nêm nếm mắm, ớt, tỏi, chanh, đường cho vừa ăn với rau thơm xắt nhuyễn. Khi sắp ra dĩa, đầu bếp còn phi hành tím cho vàng giòn lên rồi rải trên dĩa gỏi. Thưởng thức đúng “gu” của món ăn này, cũng phải dùng đến bánh tráng nướng giòn để “xúc”.
(Theo Cần Thơ Online)