Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Nước chè Shan tuyết cổ thụ

Suối Giàng bốn mùa bồng bềnh trong mây, không những hấp dẫn du khách bởi khí hậu trong lành, bởi những tiếng khèn, tiếng sáo trao tình của các chàng trai, cô gái Mông mà còn nức tiếng với loại chè Shan tuyết cổ thụ.

Là một xã thuộc huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái, nằm trên độ cao gần 1.400 mét so với mực nước biển, khí hậu ở Suối Giàng tương tự như Sapa, Đà Lạt. Du khách đến đây có thể trèo lên những cây chè cổ thụ hàng trăm tuổi, hái những búp chè xanh non hay cùng thiếu nữ Mông dạo chơi dưới rừng pơ mu hoặc  phiêu du cùng thác Tập Lang rì rầm nước chảy thưởng thức những chén trà tuyết bốc khói nghi ngút.

Shan tuyết là giống chè cổ thụ mọc hoang ở vùng núi cao từ 800 - 1.800 mét phía Bắc nước ta. Các gốc chè ở đây có hơn 300 năm tuổi, thân to, cây có đường kính lên đến hàng mét. Chè Shan tuyết có búp màu trắng xám, nhìn giống như có một lớp phấn hoặc lông như bông tuyết nên người dân gọi là trà Shan tuyết (Shan là núi).

Cứ vào mùa chế biến chè, khắp Suối Giàng lại thơm ngào ngạt mùi lá chè. Nhựa chè thơm chan chát, quyến rũ đến mức đi trong hương mùa vụ của chè, ta đã có cảm giác đáy họng mình có vị chát. Ngay từ sáng sớm, khi núi ngàn còn chìm đắm trong sương, đó cũng là lúc thu hái chè, bởi đây là thời điểm hương vị chè tích tụ cao nhất trong mỗi búp chè, để khi mặt trời lên, quá trình quang hợp bắt đầu, chè sẽ nhiều vị chát mà kém hương.

Chè Shan tuyết của núi ngàn Tây Bắc. Ảnh: Thảo Nga

Chè được hái về, chọn những búp không bị sâu, không quá già. Từ trên đỉnh núi chè được ngựa thồ về bản, đưa ngay và sao tẩm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Công đoạn sao chè là cả một quá trình cẩn thận, kỹ lưỡng mà người sao chè cần dồn hết cả tâm huyết vào. Sao chè, nhất thiết phải dùng củi phơi khô cháy đượm thì nước chè mới xanh. Khi sao chè, phải luôn hơ tay trần chảo nóng để ước lượng nhiệt độ. Trong quá trình sao phải để lửa liu riu thật đều, rồi đưa chè ra vò bằng tay, phải khéo léo sao cho chè không bị vữa, không mất hương chè, vừa không làm rơi hết những tuyết trắng còn bám trên búp chè.

Sau khi sao, búp chè săn lại trông như chiếc lưỡi câu mà vẫn thấy những đốm lấm tấm trắng như tuyết, mang hương thơm độc đáo thanh cao của núi ngàn.

Cách sao chè đã cầu kỳ mà cách pha trà lại càng cầu kỳ hơn. Khâu đầu tiên là phải tráng chè để cánh chè ngấm và đồng thời loại bỏ bụi còn bám lại sau công đoạn chế biến. Từng búp chè trắng muốt thơm dịu, thả vào trong ấm tạo nên những âm thanh vui tai. Tiếp đó chế nước sôi đầy ấm để bọt trào ra ngoài, đậy nắp lại. Nước dùng để pha trà phải là nước giếng khơi hoặc nước mưa đun sôi già.

Nước trà Shan Tuyết khi pha có màu vàng xanh hấp dẫn. Khi rót trà, chỉ rót mỗi chén một ít, xong lượt đầu lại rót tiếp lượt hai, như vậy các chén trà sẽ đều không có chén nào loãng quá hay đậm quá.

Nâng chén trà lên, chỉ mới nhấp môi sẽ cảm thấy vị chát lan tỏa. Khi cái vị ấy tràn qua đầu lưỡi trôi sau vào cổ họng thì đọng lại vị mộc chè tinh khôi. Càng uống lại càng mê cái dư vị ngọt ngào của trà. Hương trà thơm thoang thoảng, vấn vít trong từng ngọn gió, nhấp một ngụm nhỏ sau hàng giờ mà dư vị ngọt ngào của thứ hương rừng sắc núi ấy vẫn chưa tan trên đầu lưỡi.

(Theo Thời báo kinh tế SG)

  • Heo rừng nấu mướp
  • Món ngon bông mỏ quạ
  • Chè hột vịt
  • Thơm giòn hoành thánh chiên
  • Bánh ít ram, bánh cam Sài Gòn gợi nhớ hương quê
  • Sứa và các món ăn hấp dẫn
  • Miếng ngon hè phố ở Hội An
  • Bánh canh Nam Phổ
  • Lạp bò Tri Tôn
  • Sương sâm - giải nhiệt ngày hè
  • Nhộng ve đầu mùa
  • Đi nhà hàng ăn… cơm cháy
  • Diềm nướng - đặc sản miền núi Thừa Thiên
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com