Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Đầu tư vốn tín dụng Ngân hàng với phát triển du lịch Quảng Ninh

Quảng Ninh là tỉnh ven biển nằm ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc, có 132,8km đường biên giới tiếp giáp với nước láng giềng Trung Quốc, có các cửa khẩu quốc tế và nhiều điểm tham quan du lịch nổi tiếng. Đây cũng là vùng địa hình độc đáo, kỳ vĩ với hơn 2.000 hòn đảo nằm trải dài trên phạm vi 250km bờ biển, chiếm 2/3 số đảo của cả nước, đặc biệt là vùng vịnh Hạ Long và Bái Tử Long đã được UNESCO hai lần công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
   
Kết quả đầu tư vốn tín dụng


Với mục tiêu đưa Quảng Ninh trở thành trung tâm du lịch lớn, hiện đại trong nước và khu vực, những năm gần đây, cùng với các nguồn vốn của Tỉnh và nguồn vốn tự có của các doanh nghiệp, các ngân hàng đã không ngừng mở rộng đầu tư vốn, từng bước làm thay đổi diện mạo cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ tạo điều kiện thuận lợi mở ra triển vọng phát triển to lớn cho ngành công nghiệp “không khói” của Quảng Ninh.

Từ năm 2001 đến nay các ngân hàng đã tích cực đầu tư vốn tín dụng vào lĩnh vực du lịch, nếu tại thời điểm 31/12/2001 dư nợ cho vay chỉ đạt 351,79 tỷ, thì đến 31/12/2006 con số này đã là 1.760 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với năm 2001. Tuy nhiên, khối lượng vốn đầu tư vào ngành du lịch không ổn định, không vững chắc. Năm 2005, dư nợ cho vay là 968,5 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2004 (1.192 tỷ đồng); năm 2006 là 1.760 tỷ đồng bằng 181%  so với năm 2005.

Vốn tín dụng đã tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng như khu Biệt thự Tuần Châu; khu du lịch Bãi Dài và các khu trung tâm thương mại tại khu vực Bãi Cháy, cửa khẩu Móng Cái; xây mới, nâng cấp lắp đặt các thiết bị cho các khách sạn, nhà nghỉ và đóng mới tàu du lịch... đồng thời đầu tư hỗ trợ cho các dự án lớn, đối tượng chủ yếu các chủ đầu tư tại địa phương hoặc các cá nhân vay vốn để nâng cấp khách sạn nhà nghỉ, hoặc đóng tàu chở khách du lịch. Các dự án lớn mang tầm cỡ quốc gia như cáp treo Yên Tử; khu du lịch Tuần Châu; Hoàng Gia và các khách sạn đầu tư xây dựng mới mang tầm cỡ quốc tế. Tuy nhiên thực tế cho thấy, tỷ trọng vốn tín dụng đầu tư cho ngành du lịch còn rất thấp, tăng trưởng không đều mấy năm gần đây chiếm  bình quân trên dưới 16 %/tổng dư nợ.

Những tồn tại, khó khăn

Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định và đang từng bước khẳng định được vị trí, vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của Tỉnh, tuy nhiên thực tế hiện nay du lịch Quảng Ninh vẫn còn gặp không ít hạn chế, đã tác động không nhỏ đến việc mở rộng tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn, đó là:

Thứ nhất, việc thu hút các dự án đầu tư và hiệu quả du lịch Quảng Ninh so với nhiều tỉnh, thành phố, nhất là phía Nam có xu hướng tụt hậu. Điều này có một phần nguyên nhân khách quan là do các tỉnh phía Nam nắng nóng quanh năm rất phù hợp với phát triển du lịch biển, nhưng phần quan trọng hơn là môi trường đầu tư của Tỉnh chưa được cải thiện nhiều, không còn quỹ đất, sản phẩm du lịch còn thiếu... Mặt khác, các dự án lớn về du lịch như khu du lịch Tuần Châu, Hoàng Gia, Bãi Dài... triển khai thực hiện hiệu quả không cao nên đã phần nào ảnh hưởng tâm lý của nhà đầu tư. Nhiều dự án được duyệt bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước việc triển khai thực hiện chậm.

Thứ hai, đối với các ngân hàng cho vay, việc xác định tài sản thế chấp, xác định hiệu quả kinh doanh đối với các dự án lớn, các dự án liên doanh, vốn đầu tư nước ngoài rất khó, mặt khác khả năng thẩm định của cán bộ ngân hàng đối với lĩnh vực này còn hạn chế. Tỷ lệ nợ xấu phát sinh của các ngân hàng đối với ngành du lịch cao hơn so với đầu tư cho vay các ngành, lĩnh vực khác. Việc thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn vướng mắc do xử lý tài sản thế chấp, nhất là đối với các dự án đầu tư  lớn, tài sản thế chấp rất phức tạp, trong khi đó cho vay của ngân hàng chỉ tập trung đầu tư vào các hạng mục nhỏ nên khi phát sinh nợ xấu rất khó thu hồi.

Thứ ba, kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho du lịch còn thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Vốn đầu tư thấp, trong đó vốn tín dụng ngân hàng tham gia còn rất hạn chế (chiếm tỷ trọng 11,87%), cơ sở hạ tầng còn thấp kém, hệ thống giao thông đường bộ xuống cấp nhiều, giao thông đường sắt chưa quan tâm phát triển, chưa có đường bay bằng hàng không để phục vụ khách du lịch. Các cở sở lưu trú còn ít và chất lượng chưa cao, dịch vụ sản phẩm du lịch còn đơn điệu nghèo nàn, chưa đủ sức hấp dẫn các du khách nước ngoài.

Thứ tư, cơ chế chính sách về phát triển du lịch còn thiếu, chưa có chính sách đặc thù riêng, chưa có kế hoạch và chiến lược phát triển lâu dài. Đội ngũ cán bộ quản lý và chuyên sâu nghiệp vụ của ngành du lịch chưa ngang tầm với nhiệm vụ, sự phối hợp với các ngành với các cấp chưa đồng bộ. Công tác tuyên truyền, tiếp thị, quảng bá, xúc tiến du lịch còn ở mức độ thấp và ít hiệu quả, chưa có chiến lược khai thác, tiếp thị đối với thị trường du lịch quốc tế. Đặc biệt là vấn đề thu hút vốn đầu tư phát triển du lịch nhằm tận dụng những lợi thế về tài nguyên trong thời gian qua còn chưa tốt, chưa tận dụng được những lợi thế sẵn có để đưa du lịch của Tỉnh để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn để phát triển theo hướng ổn định bền vững và lâu dài. Nhưng hạn chế trên đã làm hạn chế việc mở rộng thị trường đầu tư tín dụng của các ngân hàng thương mại đối với ngành du lịch.

Một số kiến nghị 

Từ những khó khăn và tồn tại nói trên để ngành du lịch Quảng Ninh phát triển ổn định và bền vững trong những năm tới đòi hỏi phải có sự đầu tư vốn lớn và hợp lý, trong đó vốn tín dụng ngân hàng giữ vai trò hết sức quan trọng, đó là công cụ đòn bảy kinh tế mạnh mẽ, giúp cho các chủ doanh nghiệp có điều kiện về tài chính để chủ động kinh doanh theo phương án được duyệt, trước mắt cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, trong chiến lược phát triển ngành du lịch; coi trọng việc bảo vệ cảnh quan, ô nhiễm môi trường vịnh Hạ Long xanh- sạch - đẹp,  tạo hình ảnh đẹp về Di sản thiên nhiên thế giới; xúc tiến, quảng bá hình ảnh vịnh Hạ Long. Nghiên cứu phát triển các dịch vụ du lịch hiện đại, du lịch cao cấp để phục vụ cho khách du lịch ở các nước phát triển đến tham quan và du lịch, từ đó góp phần thu hút được các dự án đầu tư, tăng thời gian lưu trú khách đến tham quan du lịch. Những biện pháp trên là cơ sở để các ngân hàng mở rộng cho vay và phát triển các dịch vụ ngân hàng khác như thanh toán quốc tế, chi trả kiều hối, chuyển tiền điện tử.

Hai là, cùng với nguồn vốn đầu tư cho vay của các ngân hàng, hàng năm Tỉnh cần quan tâm trích 1 phần vốn ngân sách để đầu tư phát triển du lịch đối với các dự án bằng nguồn ngân sách nhà nước, coi trọng thu hút vốn đầu tư nước ngoài, vốn liên doanh liên kết để đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp mà chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tránh tình trạng đầu tư tràn lan dàn trải, đối với những dự án cần thiết, hiệu quả thì tập trung nguồn đầu tư dứt điểm; trong khi chưa có nguồn thì Tỉnh có thể thông qua ngân hàng cho vay và có cơ chế hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Ba là, cần cải tiến và đơn giản hoá các thủ tục hành chính, đặc biệt là cấp  giấy phép đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp, có chính sách ưu đãi về vốn, quỹ đất và thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để chủ đầu tư, các doanh nghiệp triển khai tốt các dự án của mình.

Bốn là, các ngân hàng bao gồm cả ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng thương mại cổ phần và các tổ chức tài chính khác cần tăng cường mở rộng đầu tư vốn tín dụng để phát triển du lịch, cải tiến cơ chế tín dụng theo hướng đơn giản hoá các thủ tục giấy tờ, giảm bớt các phiền hà cho khách hàng đảm bảo thông thoáng, tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng để mở rộng đầu tư vốn giúp các doanh nghiệp kinh doanh du lịch nhanh chóng tiếp cận vốn để họ chủ động đầu tư sớm đưa công trình vào sử dụng./.
    

(Đoàn Văn Vu - Tạp chí kinh tế và dự báo)

  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan:Cảnh giác với âm mưu phân ly, chia rẽ
  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan: Cuộc dàn xếp giữa các nước lớn
  • Từ vụ cầu Ghềnh tới mô hình PPP
  • Bài cuối: Chảy máu tiền tỉ
  • Bài 2: Tiền vẫn chảy đi
  • Phát huy lợi thế so sánh tạo đột phá phát triển kinh tế xã hội tỉnh Vĩnh Phúc
  • Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp Quảng Trị
  • Kinh nghiệm phát triển công nghiệp xe máy ở một số nước và bài học với Việt Nam
  • Tiềm năng và cơ hội đầu tư của Thái Nguyên
  • Những kinh nghiệm bước đầu trong phát triển khu công nghiệp thành phố Cần Thơ
  • Rút ngắn - Yêu cầu khách quan để Việt Nam “hóa rồng”
  • Đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn: Thành tựu và giải pháp
  • Một số vấn đề trong quá trình phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi