Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp Quảng Trị

Quảng Trị là tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ, còn nhiều khó khăn, kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp là chủ yếu. Trong thời gian qua, với các cơ chế, chính sách mới được Tỉnh ban hành đã mang lại một luồng sinh khí mới, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế nói chung và nông nghiệp nói riêng, góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Tỉnh theo hướng tích cực, tạo đà tăng trưởng bứt phá cho những năm tiếp theo.
   
Trong giai đoạn 2001-2007 tốc độ tăng trưởng của sản xuất nông nghiệp vẫn được duy trì ở mức 5,2% năm. Công nghiệp nông thôn được chú trọng, từng bước phục hồi làng nghề thủ công truyền thống, cụm công nghiệp vừa và nhỏ ở các làng nghề, phát triển làng nghề mới. Ngoài ra, các loại hình dịch vụ, thương mại, tín dụng, kỹ thuật nông nghiệp cũng được phát triển mạnh ở vùng nông thôn.

Cơ cấu sản xuất nông nghiệp bước đầu chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hóa và đã xóa dần tình trạng độc canh cây lương thực. Diện tích các loại cây trồng có những thay đổi tích cực theo hướng nâng cao hiệu quả kinh tế, nhất là các cây phục vụ xuất khẩu như hồ tiêu, cao su, cà phê, sắn, lạc,... Sản phẩm xuất khẩu ở khu vực nông nghiệp đã tạo được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước. Năm 2007, tỷ trọng hàng nông sản xuất khẩu chiếm khoảng 30% - 35% tổng khối lượng hàng nông sản. Tuy nhiên, giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp lại chiếm tỷ trọng nhỏ và có xu hướng giảm sút, mặc dù tiềm năng phát triển lâm nghiệp ở Quảng Trị rất lớn. Hơn nữa, tỷ trọng các mặt hàng nông sản xuất khẩu qua chế biến còn thấp, phần lớn sản phẩm xuất khẩu ở khu vực nông nghiệp có sức cạnh tranh yếu, dẫn đến xu hướng giảm đi rõ rệt trong tổng cơ cấu hàng xuất khẩu (từ 29% - năm 1997 xuống còn 22,5% - năm 2007).

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế thường kéo theo chuyển dịch cơ cấu lao động trong khu vực nông thôn, nhưng trên thực tế cơ cấu lao động ở khu vực này vẫn đang chiếm tỷ trọng lớn trong tổng lao động xã hội của Tỉnh (năm 2001 chiếm 68,2%, năm 2005 chiếm 62,7%). Tỷ lệ thời gian có việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực nông thôn còn thấp, năm 2001 là 73%, năm 2005 tăng lên 79,6%, năm 2007 là 80,2%. Việc di chuyển lao động giữa các vùng và việc di chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị mang tính tự phát, thời vụ đã có xu hướng gia tăng, góp phần giải quyết tình trạng thiếu việc làm và thu nhập thấp, tuy vậy cũng đặt ra bài toán cần giải quyết đối với khu vực thành thị về việc làm, nhà ở... Lực lượng lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn tăng nhanh, dẫn đến tình trạng dư thừa lao động, thiếu việc làm nghiêm trọng. Trong khi đó, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn chậm, thị trường lao động trong khu vực công nghiệp và dịch vụ kém phát triển nên chưa thu hút được nhiều lao động. Bên cạnh đó, trình độ kỹ thuật của lực lượng lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn còn thấp, có trên 70% lao động chưa qua đào tạo, trên 80% lao động chưa qua đào tạo nghề. Cùng với dư thừa lao động đã xuất hiện tình trạng thiếu lao động trẻ ở một số địa phương do sự di chuyển lao động tự do ra thành thị.

Chuyển dịch cơ cấu vùng kinh tế đã có bước điều chỉnh theo hướng phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, hình thành một số vùng trọng điểm, động lực và vùng chuyên canh sản xuất nông phẩm hàng hóa, đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, sự kết hợp, bổ sung cho nhau giữa các vùng còn yếu, nên chênh lệch về tốc độ phát triển giữa các vùng, nhất là giữa đô thị và nông thôn có xu hướng gia tăng.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Quảng Trị còn bộc lộ nhiều hạn chế. Tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn diễn ra chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có, chưa đạt yêu cầu so với đòi hỏi phát triển nền sản xuất nông nghiệp bền vững. Việc áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn còn chậm. Vốn đầu tư vào các khu vực kém phát triển vẫn chủ yếu hướng vào việc xóa đói, giảm nghèo hơn là tập trung vào mục tiêu thị trường - mở cửa, do đó, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp và thủy sản chưa được chú trọng đầu tư đúng mức, khả năng cạnh tranh hàng nông sản trên thị trường chưa cao. Thị trường tiêu thụ nông sản đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc hiện nay.

Những hạn chế trên là do sự tác động của nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, như: Định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp thiếu đồng bộ và hệ thống; một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa sát với thực tế, chưa tính hết tiềm năng và lợi thế của từng vùng miền và địa phương; hướng đầu tư còn dàn trải nên kém hiệu quả; cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, hệ thống giao thông xuống cấp nghiêm trọng do thiếu nguồn kinh phí cho việc duy tu, bảo dưỡng định kỳ; lực lượng lao động có trình độ kỹ thuật cao còn thiếu...

Để đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Quảng Trị cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Định hướng lại sản xuất nông nghiệp theo yêu cầu của thị trường. Giữ ổn định diện tích gieo trồng lúa ở những vùng có lợi thế, với hướng phát triển là thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất lúa gạo. Chú trọng hiệu quả của các hoạt động nghiên cứu và triển khai, đầu tư thích đáng vào chuyển giao công nghệ. Đưa công nghệ sinh học, giống, quy trình sản xuất, công nghệ mới, và việc bảo quản, chế biến nông sản... Khuyến khích mở rộng phạm vi và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ nông nghiệp như: trợ giúp kỹ thuật, cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ tài chính và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.

Xóa bỏ tình trạng độc quyền, hạn chế rủi ro thị trường bằng việc cải thiện điều kiện mua bán sản phẩm của người nông dân; củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cũng như đội ngũ cán bộ làm công tác này để có thể nhanh chóng ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp. Xúc tiến công tác đào tạo nông dân cả về kỹ thuật sản xuất và quản lý kinh doanh để giúp họ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, Tỉnh cần nghiên cứu các chính sách của Nhà nước để có thể áp dụng các biện pháp hỗ trợ nông dân (trong khuôn khổ quy định của WTO), nhất là các chính sách về khuyến nông, đầu tư khoa học - kỹ thuật để nâng cao sản phẩm của khu vực nông nghiệp; đồng thời đẩy mạnh phát triển công nghiệp và dịch vụ ở khu vực nông thôn.

Ở những vùng nông thôn, có điều kiện thuận lợi, có thể xây dựng các khu công nghiệp tập trung, các điểm công nghiệp, các làng nghề gắn với thị trường trong Tỉnh và hướng tới xuất khẩu. Đối với các làng nghề truyền thống ở nông thôn có lịch sử lâu đời cần kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để phát huy hiệu quả các tiềm năng hiện có, nhất là vừa đẩy mạnh phát triển sản xuất, vừa mở mang các loại hình du lịch làng nghề truyền thống. Đồng thời cần giải quyết tốt việc làm cho lao động nông thôn, đây là một trong những giải pháp quan trọng của chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn hiện nay.

Đẩy mạnh hình thành mạng lưới đô thị, một mặt giữ vai trò là cực tăng trưởng trong chiến lược phát triển vùng trên phạm vi của Tỉnh, mặt khác tạo thêm nhiều việc làm, thu hút một phần lao động nông nghiệp, từng bước giải quyết vấn đề dư thừa lao động ở nông thôn hiện nay. Tiếp tục nghiên cứu các chính sách kinh tế vĩ mô như chính sách tín dụng, chính sách thuế, chính sách đất đai... nhất là hệ thống luật pháp kinh tế nhằm cụ thể hoá, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, phát triển mạnh mẽ các thành phần kinh tế trên địa bàn. Khuyến khích và tạo điều kiện cho hội nông dân ở cơ sở hoạt động có hiệu quả. Tăng cường các hoạt động phổ biến, hướng dẫn, sử dụng và chuyển giao quy trình công nghệ mới với các hình thức thích hợp. Tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế hộ - với tư cách đơn vị sản xuất hàng hóa trong nền kinh tế thị trường.

Khuyến khích phát triển mô hình hợp tác xã kiểu mới - loại hình tổ chức kinh doanh thuộc thành phần kinh tế tập thể trong khu vực nông nghiệp. Sắp xếp lại và đổi mới doanh nghiệp nhà nước trong khu vực nông nghiệp, thực hiện đa dạng hóa hình thức sở hữu các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh; thay đổi cơ chế hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động công ích thành những doanh nghiệp mạnh, đóng vai trò chủ đạo trong việc thực hiện dịch vụ kỹ thuật, cung ứng giống, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển vùng trong phạm vi toàn Tỉnh, quan hệ kinh tế giữa các vùng trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh của từng vùng. Định hướng, quy hoạch phát triển mạnh hệ thống thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản, nâng cao sức mua của thị trường nông thôn, và hệ thống chợ nông thôn./.
   

(ThS. Lê Thế Quảng - Tạp chí kinh tế và dự báo)

  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan:Cảnh giác với âm mưu phân ly, chia rẽ
  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan: Cuộc dàn xếp giữa các nước lớn
  • Từ vụ cầu Ghềnh tới mô hình PPP
  • Bài cuối: Chảy máu tiền tỉ
  • Bài 2: Tiền vẫn chảy đi
  • Kinh nghiệm phát triển công nghiệp xe máy ở một số nước và bài học với Việt Nam
  • Tiềm năng và cơ hội đầu tư của Thái Nguyên
  • Những kinh nghiệm bước đầu trong phát triển khu công nghiệp thành phố Cần Thơ
  • Rút ngắn - Yêu cầu khách quan để Việt Nam “hóa rồng”
  • Đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn: Thành tựu và giải pháp
  • Một số vấn đề trong quá trình phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
  • Về chủ trương trồng 100.000 ha cao su ở Tây Nguyên
  • Một số vấn đề về phát triển kinh tế nhiều thành phần của thành phố Hồ Chí Minh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi