Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ

Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) Bắc Bộ bao gồm 8 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Hà Tây cùng với Vùng KTTĐ Trung Bộ và Nam Bộ tạo thành 3 đầu tàu phát triển kinh tế của đất nước.


Với diện tích tự nhiên 15.278 km2, tổng số dân 14 triệu người, kinh tế toàn vùng hiện chiếm khoảng 21% GDP, tỷ trọng thu hút đầu tư đạt 26% về số dự án, 27% vốn đầu tư, đóng góp 25% ngân sách cả nước. Thu nhập bình quân đạt khoảng 1.000 USD/đầu người/năm, gấp 1,4 lần so với mức bình quân cả nước.

Tuy nhiên, trong sự phát triển ngày càng quy mô của nền kinh tế, đặc biệt là trước những biến động lớn trong đời sống kinh tế – xã hội thời gian vừa qua cũng như một số chủ trương điều chỉnh quan trọng về địa giới, quy hoạch trong khu vực sắp tới, sự phát triển Vùng KTTĐ Bắc Bộ đang bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập, đòi hỏi sự đổi mới, tháo gỡ đồng bộ trên nhiều lĩnh vực.

Quốc lộ 5 - một trong những trục đường quan trọng của vùng KTTĐ Bắc bộ

Tình hình phát triển kinh tế - xã hội

Cơ cấu kinh tế có sự dịch chuyển đáng kể. Năm 2007, khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 10,4%, công nghiệp và xây dựng chiếm 43,7%, dịch vụ chiếm 45,9% tổng GDP của vùng (năm 2005, các tỷ trọng tương ứng là 12,6%, 42,2%, 45,2%).

Theo số liệu thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của vùng năm 2007 đạt 13,2%, trong đó khu vực nông lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 17,1%; khu vực dịch vụ tăng 12,3%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 16,6 triệu đồng, cao gấp 1,4 lần so với mức bình quân chung của cả nước. Do tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động phức tạp, đồng đô la Mỹ giảm giá so với hầu hết các đồng tiền khác, giá dầu và giá của nhiều loại vật tư, nguyên liệu tăng cao đã đẩy chi phí đầu vào tăng cao. Giá tiêu dùng trong nước từ cuối năm 2007 tới nay vẫn tăng cao nên ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế và đới sống của nhân dân. Trong 3 tháng đầu năm 2008, tăng trưởng kinh tế của vùng đạt khoảng 12%. Như vậy, muốn giữ được mức tăng trưởng kinh tế của năm 2007 thì 7 tháng cuối năm 2008 nền kinh tế của vùng phải tăng trên 14%. Để đạt được mức tăng trưởng kinh tế như vậy đòi hỏi các cấp, các ngành phải có phải có biện pháp mạnh mẽ, tiếp tục duy trì mức thu hút đầu tư cho phát triển và tổ chức tốt các hoạt động kinh tế trên địa bàn vùng.

Năm 2007, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của vùng đạt 26,2 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 8 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu 18,2 tỷ USD. Đối với vùng KTTĐ Bắc bộ nhập siêu luôn ở mức cao. Nhập siêu năm 2007 gấp 1,2 lần mức nhập siêu của năm trước. Giá trị nhập khẩu hàng hoá năm 2007 tăng cao là do: (i) Tăng nhu cầu nhập khẩu để phát triển nền kinh tế; (ii) Giá của nhiều mặt hàng nhập khẩu chủ yếu đều tăng cao như sắt thép tăng 23,1%; phân bón tăng 19,1%; xăng dầu tăng 12,2%... Ngoài ra, giá đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới sụt giảm so với một số ngoại tệ mạnh cũng là một trong những nhân tố làm gia tăng giá trị nhập khẩu, khi qui đổi về USD. Ước tính đến hết quý I năm 2008, giá trị xuất khẩu của vùng đạt 2,2 tỷ USD và nhập khẩu đạt 7 tỷ USD. Mức nhập siêu vẫn còn rất cao.

Thu ngân sách của vùng tăng bình quân 19,2%, tăng nhanh hơn với mức bình quân của cả nước (18,3%), tổng thu ngân sách của vùng năm 2007 đạt 75.260 tỷ đồng, tỷ lệ huy động ngân sách từ GDP đạt 34,8%. Chi ngân sách hàng năm tăng bình quân 8%, chi ngân sách năm 2007 là 32.861 tỷ đồng.

Trong 2 năm 2006-2007 tổng vốn đầu xã hội để phát triển của vùng đạt khoảng 237 nghìn tỷ đồng, gần bằng tổng vốn đầu tư trong giai đoạn 5 năm 2001-2005 (257 nghìn tỷ đồng), tốc độ tăng vốn đầu tư bình quân đạt 25,4%/năm.

Tính từ năm 1988 đến hết năm 2007, Vùng KTTĐ Bắc Bộ có 2.220 dự án còn hiệu lực với vốn đầu tư trên 24 tỷ USD, chiếm 26% về số dự án và 27% tổng vốn đăng ký trong cả nước và 24% tổng vốn thực hiện của cả nước; trong đó Hà Nội đứng đầu (987 dự án với tổng vốn đăng ký 12,4 tỷ USD) chiếm 51% vốn đăng ký và 50% vốn thực hiện của cả vùng. Tiếp theo thứ tự là Hải Phòng (268 dự án với tổng vốn đăng ký 2,6 tỷ USD), Vĩnh Phúc (140 dự án với tổng vốn đăng ký 1,8 tỷ USD), Hải Dương (271 dự án với tổng vốn đăng ký 1,7 tỷ USD), Hà Tây (74 dự án với tổng vốn đăng ký 1,5 tỷ USD), Bắc Ninh (106 dự án với tổng vốn đăng ký 0,93 tỷ USD) và Quảng Ninh (94 dự án với tổng vốn đăng ký 0,77 tỷ USD). Trong 3 tháng đầu năm 2008, đầu tư trực tiếp nước ngoài vào vùng KTTĐ Bắc Bộ có 66 dự án với tổng vốn đầu tư là 750,4 triệu USD, chiếm 44,9% về số dự án, 14,6% tổng vốn đăng ký của cả nước.

Một số vấn đề nổi lên cần quan tâm


Một là, việc phát triển đô thị và khu công nghiệp trong vùng còn những điểm chưa hợp lý. Hệ thống đô thị của Vùng phát triển khá nhanh nhưng chưa có quy hoạch chung với tầm nhìn dài hạn. Trong thời gian vừa qua các tỉnh đồng loạt triển khai lập các đề án khu đô thị mới một cách ồ ạt. Trong các đề án ấy có không ít đề án khu đô thị mới không mang lại hiệu quả, gây lãng phí đất đai và vốn đầu tư.

Để giảm bớt sự tắc nghẽn giao thông cho thành phố Hà Nội cần suy tính và cân nhắc phương án chuyển hướng xây dựng mới các khu công nghiệp sang phía Bắc Hà Nội dễ dàng ra các cảng biển.

Hai là, ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm nguồn nước do chất thải công nghiệp và đô thị ngày càng tăng, tình trạng ô nhiễm trên một số con sông như sông Cầu, sông Nhuệ... đã đến mức báo động. Việc xử lý chất thải rắn đang là vấn đề nan giải cần có kế hoạch phối hợp liên tỉnh và rất cụ thể.

Ba là, trong trường hợp có sự thay đổi về địa giới hành chính của Thủ đô Hà Nội, sẽ có nhiều vấn đề đặt ra cho cả vùng phải xem xét và bàn thảo. Trước tiên là quy hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch đối với cả vùng Đồng bằng sông Hồng nói chung và đối với vùng Thủ đô Hà Nội nói riêng. Nổi bật là đối với:

Quy hoạch sử dụng đất phải chú ý theo hướng tiết kiệm và sử dụng hiệu quả đất nông nghiệp. Nên cân nhắc phương án sử dụng vùng đất bạc màu thuộc khu vực trung du cho các mục đích phát triển công nghiệp và đô thị. Các địa phương cần rà soát lại cơ chế, chính sách trong việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang các mục đích sử dụng khác. Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với các địa phương sớm xây dựng cơ chế, chính sách để trình Thủ tướng xem xét quyết định.

Hệ thống giao thông nối kết các tỉnh và nhất là hệ thống giao thông từ Hà Nội đi các tỉnh gắn với giao thông của thành phố Hà Nội. Việc phát triển đường cao tốc và tuyến đường ven biển phải có kế hoạch triển khai nhanh hơn.

Xây dựng cơ sở xử lý rác thải nguy hại cho cả vùng nói chung và vùng Thủ đô nói riêng.

Xây dựng hệ thống cấp nước cho cả vùng Đồng bằng sông Hồng và nhất là cho các thành phố và khu công nghiệp đang đặt ra rất cấp bách. Nhu cầu nước sắp tới là rất lớn nhưng đến nay chưa có kế hoạch xây dựng cụ thể.

Việc phát triển các khu công nghiệp phải kiên quyết theo hướng chuyển bớt các đô thị mới và các khu công nghiệp mới lên phía trục đường QL21 và QL18. Chỉ có như vậy mới giữ được đất lúa và giảm bớt sự tập trung quá mức cho vùng Đồng bằng sông Hồng.

Nhu cầu lao động có kỹ năng nghề nghiệp ở trình độ cao là rất lớn, song đến nay vẫn chưa có kế hoạch dứt khoát xây dựng những cơ sở đào tạo nghề đúng tầm cho toàn vùng KTTĐ Bắc bộ cũng như cho vùng Đồng bằng sông Hồng và cho cả miền Bắc.

Chúng ta đang rất thiếu thông tin, nhất là thông tin kinh tế phục vụ hoạch định đường lối, chính sách phát triển đối với vùng KTTĐ Bắc bộ. Nhưng hầu hết các ngành và các địa phương chưa tích cực đóng góp công sức để hình thành hệ thống thông tin chung.

Công tác điều phối phát triển


Những công việc đã thực hiện


Ngay sau Hội nghị giao ban các Vùng KTTĐ tại Hà Nội, ngày 13/12/2007, Văn phòng Ban Chỉ đạo đã hoàn chỉnh báo cáo Kết quả thực hiện công tác điều phối năm 2007, kế hoạch công tác điều phối năm 2008 và đã gửi các Bộ, ngành và các địa phương.

Văn phòng Ban Chỉ đạo đã làm việc với 3 thành phố (Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh) để chuẩn bị tổ chức Hội nghị giao ban các vùng.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị Ban chỉ đạo điều phối phát triển các Vùng kinh tế trọng điểm, Văn phòng Ban Chỉ đạo đã hình thành website thông tin của Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các vùng kinh tế trọng điểm. Hiện nay, Văn phòng Ban Chỉ đạo đang phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cho các Vùng kinh tế trọng điểm để đưa các thông tin lên website.

Văn phòng Ban Chỉ đạo đã họp với Sở Bưu chính viễn thông của TP. Hà Nội bàn về phát triển hệ thống thông tin liên kết Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Văn phòng Ban Chỉ đạo đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội tổ chức họp với các Bộ, ngành triển khai xây dựng các Báo cáo chuyên đề chuẩn bị nội dung cần bàn thảo tại Hội nghị giao ban của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Các tổ điều phối đang triển khai thực hiện Quyết định số 159/2007/QĐ-TTg ngày 10/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương đối với các Vùng kinh tế trọng điểm.

Bên cạnh đó, công tác điều phối ở Vùng KTTĐ Bắc Bộ bộc lộ những hạn chế cần khắc phục: Các Bộ, các địa phương đều thấy rõ vai trò quan trọng của công tác điều phối, nhưng hầu hết vẫn chưa có cán bộ chuyên trách nên công tác điều phối chưa được theo dõi thường xuyên và việc triển khai chưa đem lại kết quả và hiệu quả như mong muốn; Tổ Điều phối các Bộ, ngành và địa phương hoạt động vẫn bị động, chủ yếu đang trong tình trạng chờ đợi mà chưa đề xuất nhiệm vụ điều phối và vẫn chưa tích cực tham gia điều phối.

Kế hoạch trong thời gian tới


Tổ điều phối của các Bộ, ngành chủ động tổ chức các Hội nghị bàn thảo về các vấn đề cần giải quyết mang tính liên vùng mà Bộ, ngành mình quản lý, cùng với sự tham gia của các địa phương liên quan, Văn phòng Ban chỉ đạo.

Bộ Xây dựng chủ trì bàn thảo với các tỉnh về toàn bộ kế hoạch và tiến độ cụ thể cho những năm đầu đối với: Xây dựng hệ thống cấp thoát nước cho vùng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sau khi được phê duyệt sẽ triển khai thực hiện; Xây dựng hệ thống xử lý chất thải rắn; Tình hình phát triển đô thị, nhất là các khu đô thị mới (đánh giá hiệu quả sử dụng hợp lý đất cho mục đích xây dựng đô thị).

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì bàn thảo kế hoạch triển khai xử lý ô nhiễm môi trường các dòng sông trong vùng (sông Cầu, sông Nhuệ).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương rà soát lại quy hoạch phát triển các Khu kinh tế, Khu công nghiệp (đánh giá hiệu quả sử dụng đất khu công nghiệp trong khi tỷ lệ thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp đạt thấp, đặc biệt vấn đề chiếm đất sản xuất nông nghiệp lớn). Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp phải gắn với việc hình thành các hành lang kinh tế và ý đồ chuyển bớt các đô thị và các khu công nghiệp mới lên phía trục đường QL21 và QL18.

Văn phòng Ban chỉ đạo phối hợp với các Bộ, ngành và các địa phương xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác điều phối. Các Bộ, ngành và các địa phương tham gia tích cực, trước mắt là cung cấp thông tin cho Văn phòng Ban Chỉ đạo để xây dựng thông tin cho website của Ban Chỉ đạo và cùng chăm lo hệ thống thông tin và khai thác có hiệu quả hệ thống thông tin này.

Tổ điều phối của các địa phương chủ động tổ chức các Hội nghị bàn thảo về các vấn đề cần giải quyết mang tính liên vùng cùng với sự tham gia của các Bộ, ngành liên quan, Văn phòng Ban chỉ đạo.

Một số nội dung các địa phương cần quan tâm và tổ chức bàn thảo trong thời gian tới: Hệ thống giao thông kết nối liên tỉnh chung toàn vùng; Hệ thống cấp, thoát nước cho vùng; Đào tạo nghề chất lượng cao; Xử lý ô nhiễm các dòng sông.

Một số biện pháp thực hiện

Thứ nhất, phát huy vai trò của Nhà nước và vai trò của các địa phương trong quá trình xây dựng cơ chế chính sách và điều hành, thực hiện, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động đó.

Thứ hai, phát huy tính chủ động của các địa phương trong vùng và các Bộ, ngành trong việc phối hợp tổ chức các Hội nghị theo từng vấn đề liên quan cần giải quyết thông qua Văn phòng Ban chỉ đạo đề xuất với Chính phủ những kiến nghị các vấn đề liên quan đến các địa phương trong vùng.

Thứ ba, củng cố lực lượng điều phối, theo đề nghị của các Bộ, ngành và các địa phương Văn phòng Ban Chỉ đạo sẽ tập huấn công tác điều phối. Văn phòng Ban Chỉ đạo dự kiến tập huấn vào tháng 8 tại Quảng Ninh (Móng Cái) đề nghị các Đại biểu cho ý kiến.

Thứ tư, các Bộ, ngành lập kế hoạch cụ thể cho những công việc điều phối trọng tâm để bàn thảo cùng các Bộ, ngành và địa phương. Khi lập kế hoạch cụ thể đề nghị các Bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Ban Chỉ đạo.

Thứ năm, cải tiến và nâng cao chất lượng các Hội nghị giao ban vùng cũng như các hoạt động điều phối thường xuyên./.
    

(Hà Phương - Tạp chí kinh tế và dự báo)

  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan:Cảnh giác với âm mưu phân ly, chia rẽ
  • Cựu phó thủ tướng Vũ Khoan: Cuộc dàn xếp giữa các nước lớn
  • Từ vụ cầu Ghềnh tới mô hình PPP
  • Bài cuối: Chảy máu tiền tỉ
  • Bài 2: Tiền vẫn chảy đi
  • Đầu tư vốn tín dụng Ngân hàng với phát triển du lịch Quảng Ninh
  • Phát huy lợi thế so sánh tạo đột phá phát triển kinh tế xã hội tỉnh Vĩnh Phúc
  • Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp Quảng Trị
  • Kinh nghiệm phát triển công nghiệp xe máy ở một số nước và bài học với Việt Nam
  • Tiềm năng và cơ hội đầu tư của Thái Nguyên
  • Những kinh nghiệm bước đầu trong phát triển khu công nghiệp thành phố Cần Thơ
  • Rút ngắn - Yêu cầu khách quan để Việt Nam “hóa rồng”
  • Đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn: Thành tựu và giải pháp
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi