Không chỉ người dân vùng nông thôn mà nhiều doanh nghiệp sản xuất cũng thường xuyên bị cúp điện đã trở thành chủ đề nóng trong cuộc họp giao ban trực tuyến, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 10/5, tại Hà Nội.
Ưu tiên 1 cắt... 10
Theo tính toán của Cục Điều tiết điện lực Việt Nam lượng điện trung bình 20 ngày cuối tháng 4 đã bị tiết giảm hơn 10 triệu kwh/ngày và chỉ đạt 168 triệu kwh/ngày so với sản lượng tiêu thụ thực tế gần 270 triệu kwh/ngày.
Ông Phạm Mạnh Thắng, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực Việt Nam cho rằng, trong kế hoạch của Bộ Công Thương giao, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải phê duyệt kế hoạch tiết giảm của từng tổng công ty, từng tỉnh và giám sát quá trình thực hiện đó đồng thời báo cáo liên tục kế hoạch thực hiện lên Cục Điều tiết điện lực Việt Nam.
Thế nhưng, qui trình này rất “hình thức” và ông Thắng tỏ ra rất bức xúc khi mọi kế hoạch tiết giảm cũng như cắt điện ở nhiều địa phương đều không được báo cáo đầy đủ và gần như Cục phải đứng ngoài cuộc.
“Cục Điều tiết điện lực chỉ nhận được vẻn vẹn một báo cáo trang A4 với vài con số thống kê một ngày nên không thế thống kê nổi tình hình tiết giảm điện thế nào. Hầu hết thông tin tiết giảm điện, Cục phải liên hệ hoặc theo dõi qua các phương tiện thông tin đại chúng.”
Ông Thắng cũng đơn cử, ở một số địa phương như Bình Dương, Vũng Tàu, Long An, Cục phải liên hệ trực tiếp với địa phương để biết tình hình cung cấp điện và con số tiết giảm không chỉ dừng ở mức 6%, theo như thống kê mà Tập đoàn Điện lực (EVN) đưa ra.
Cụ thể, Bình Dương có kế hoạch cắt giảm lên đến 18-20% lượng điện tiêu thụ trong toàn tỉnh, trong khi điện phải ưu tiên cho sản xuất và công sở, vì vậy lịch cắt điện nông thôn ở nhiều nơi trong tỉnh lên đến 7 ngày/tuần.
“Cục cần thông tin không phải là thông tin ngành điện mà là số liệu vận hành từng nhà máy, từng đường dây theo từng giờ, theo ngày...,” ông Thắng nói.
Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam cũng bày tỏ: có doanh nghiệp cung cấp tới 30% lượng da cho ngành da giày trong nước mà một tuần bị cúp điện tới 3 ngày; các doanh nghiệp ở Bình Dương bị cúp điện 2 ngày/tuần.
Việc phân phối điện rất nóng bỏng. Tuy giá điện thấp hơn so với các nước khác nhưng nếu cứ để điện phập phù, cúp "bất tử" thì giá rẻ không còn là ưu thế, thậm chí còn làm cho hơn nửa triệu lao động của ngành gặp khó khăn. "Vì thế, cần điều tiết chung cho cả nước, ưu tiên cho ngành xuất khẩu, đặc biệt là với các nhà máy 'đầu tàu' của các ngành," ông Thuấn đề nghị.
Bà Trần Thị Hường, Giám đốc Sở Công Thương Bà Rịa Vũng Tàu cũng cho biết, các tỉnh công nghiệp trọng điểm cũng đang lâm vào tình trạng thiếu điện nghiêm trọng.
"Với bảy nhà máy thép lớn thì việc cúp điện tại địa phương mang lại thiệt hại không nhỏ. Cách phân bổ điện cho các đơn vị sản xuất tại phía Nam dường như cực kỳ vô lý. Tại sao ngành điện khi sản xuất có lãi thì không thấy nói gì, năm nay sợ lỗ nên không sản xuất điện bằng dầu trong khi Chính phủ chỉ đạo phải đảm bảo điện để phát triển kinh tế," bà Hường bức xúc.
Bức xúc sẽ được giải tỏa trong tháng Năm
Chia sẻ với những khó khăn trên, ông Đậu Đức Khởi, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, khả năng cung cấp điện của tháng Năm sẽ tốt hơn do nguồn điện được bổ sung từ một số nhà máy mới được đưa vào vận hành.
Theo tính toán của ông Khởi, trong tháng này, EVN sẽ có thêm 280 triệu kwh điện từ các nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, Điện Cà Mau 1... và tiếp tục được bổ sung vào đầu tháng 6 để giải tỏa những khó khăn do thiếu điện.
"Những khuyết điểm của ngành điện như cắt điện không báo trước, cắt điện dài ngày… EVN sẽ chỉ đạo chặt chẽ và kết hợp với các địa phương để tình trạng này không tiếp diễn," ông Khởi khẳng định.
Bàn về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng, thiếu điện thì phải tiết giảm nhưng vẫn phải đảm bảo nguyên tắc ưu tiên ở mức cao nhất cho sản xuất và xuất khẩu, kể cả huy động các nguồn điện giá cao.
Đồng thời, về những phản ánh của dư luận về tình trạng bị cắt điện kéo dài, cắt không báo trước, cắt ở nông thôn 7 ngày trong tuần, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị EVN phải hạn chế tối đa việc tiết giảm điện, đẩy nhanh việc khắc phục các sự cố ở các nhà máy điện, nhất là nhà máy điện chạy than.
Bộ trưởng đề nghị EVN phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam duy trì việc cung cấp khí cho phát điện, đặc biệt là làm tốt công tác tuyên truyền và giải thích cho người dân để đảm bảo tính công bằng, tránh những bức xúc như thời gian qua và EVN phải thường xuyên báo cáo tình hình cung ứng điện cho Cục Điều tiết điện lực theo đúng tinh thần của Luật Điện lực.
“Việc cắt điện không phải do ý muốn mà là do công tác điều hành chưa tốt, do vậy không để chỗ này nhiều điện chỗ khác thiếu điện,” Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh./.