Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dự thảo Kế hoạch KT-XH 2011 - 2015 chú trọng chất lượng tăng trưởng

Dự thảo thứ 2 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 được xây dựng trên 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường, với mục tiêu tăng trưởng bình quân 7,5 – 8,5%/năm.

Dự thảo Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 hướng đến nâng cao chất lượng phát triển kinh tế - Ảnh minh họa

Ngày 17/5, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội thảo tham vấn cho Dự thảo lần thứ 2 Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.

Đây là Dự thảo được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố và đưa ra lấy ý kiến đại diện các tổ chức quốc tế, các Bộ, ngành, địa phương, các Viện nghiên cứu và các tổ chức xã hội. Kế hoạch này được xây dựng trên 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường.

Góp ý kiến vào Dự thảo, đại diện Ngân hàng thế giới (WB) khẳng định, WB đánh giá cao những mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế, xã hội đề ra trong Kế hoạch. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu đặt ra có thể còn tương đối cao và Việt Nam cần phải chú trọng nhiều hơn đến chất lượng phát triển kinh tế.

Ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, chỉ số hiệu quả đầu tư (ICOR) thời gian qua của Việt Nam chưa tốt do nhiều nguyên nhân. Cụ thể, Việt Nam phải đầu tư hướng tới các mục tiêu dài hạn, như đầu tư lớn để cải thiện những yếu kém của cơ sở hạ tầng. Hơn nữa, Chính phủ Việt Nam luôn giữ quan điểm yêu cầu về hiệu quả kinh tế phải luôn cân bằng với giải quyết các vấn đề công bằng xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Một số chỉ tiêu chính trong Dự thảo:

GDP bình quân tăng 7,5%-8,5%/năm

GDP năm 2015 đạt khoảng gần 200 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người khoảng 2.100 USD, gấp 1,7 lần năm 2010.

Yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp vào tăng trưởng đến 2015 cần đạt ít nhất 35%.

Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm 2%/năm.

Tỷ lệ che phủ rừng lên 42,5%.

Các đại diện tổ chức quốc tế đặt vấn đề cần tiếp tục tạo dựng sự cân bằng, hỗ trợ để phát triển các thành phần kinh tế tư nhân, xem xét hiệu quả các doanh nghiệp Nhà nước, giải quyết xử lý những vấn đề ô nhiễm môi trường.

Về vấn đề này, ông Bùi Hà cũng cho rằng, chính sách nhất quán của Việt Nam là tất cả các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp luôn bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Dù tiến độ còn chậm, nhưng nhiều doanh nghiệp Nhà nước đã tiến hành cổ phần hóa.

Trong giai đoạn tới, Chính phủ Việt Nam sẽ có những chính sách khuyến khích để phát triển công nghiệp phụ trợ, giảm thiểu các chi tiết thành phẩm nhập khẩu.

Ngoài ra, Chính phủ cũng sẽ chú trọng đến việc nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, dịch vụ trong chuỗi giá trị toàn cầu, đồng thời giải quyết vấn đề xử lý chất thải, bảo vệ môi trường, xây dựng nền kinh tế thải cácbon thấp, hướng tới phát triển chất lượng kinh tế, đảm bảo cho đất nước phát triển bền vững, tránh "bẫy thu nhập trung bình".

Sau khi hoàn thiện, nội dung Kế hoạch phát triển này sẽ được đưa vào Báo cáo chính trị của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sẽ được tổ chức vào Quý I/2011.

Đầu tháng 6/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 751/CT-TTg về việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề cương Kế hoạch này, trong đó nêu rõ mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; cải thiện đời sống nhân dân đi đôi với xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.

Theo đánh giá tổng quát của Dự thảo, một số thành tựu chủ yếu đạt được trong giai đoạn 5 năm 2006-2010 là kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định; duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế (dự kiến bình quân 5 năm đạt khoảng 6,9%), GDP theo đầu người dự tính đến 2010 sẽ vượt mục tiêu đề ra và đưa nước ta ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp (dự kiến đạt 1.200 USD/đầu người)

 (Theo Huy Thắng // Tin Chính phủ)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Giáo sư Trần Văn Thọ: Một tiếp cận khác về chiến lược phát triển 2011-2020
  • Tái cấu trúc nền kinh tế: Đơn đã kê, bệnh nhân có chịu uống thuốc?
  • Thế giới nhìn nhận, đánh giá về triển vọng môi trường kinh doanh của Việt Nam
  • Quan điểm chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm Việt Nam đến 2020
  • Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015: Tập trung huy động vốn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế
  • Quy hoạch chung Thủ đô: 90 tỷ USD cho hạ tầng có khả thi?
  • Phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam: Thực trạng và triển vọng
  • Ts.Trần Công Hòa: Kinh tế Việt Nam 2010 - Một số khuyến nghị
  • Nóng hầm hập: Nhập siêu - Bội chi ngân sách - Chính sách tiền tệ
  • Bàn về cải cách cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế
  • Việt Nam 2009: Các chỉ số kinh tế và bốn hạn chế từ góc nhìn thống kê
  • Kinh tế Việt Nam 2009 và một vài suy nghĩ về nhận thức luận chuyển đổi